Aa

Thanh Hóa: Truy vết thần tốc, “đánh” dịch từ xa, đảm bảo không để chuỗi sản xuất bị đứt gãy

Thứ Tư, 25/08/2021 - 15:25

Các trường hợp vi phạm phòng chống dịch đều bị xử lý nghiêm khắc không kể đó là người dân hay cán bộ. Vì thế, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa vẫn giữ vững thế trận “vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

"Đánh" dịch từ xa

Là tỉnh thuộc vào nhóm có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19, ngay từ đầu khi dịch bệnh xuất hiện và lây nhiễm nhanh, tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị những phương án “tác chiến” cụ thể, sát thực với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Phương án tăng cường giám sát, truy vết, kết hợp “giám sát cộng đồng” đối với người dân trong tỉnh và những người từ vùng dịch về đã và đang giúp địa phương giữ vững thế trận vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Có thể nói rằng, từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến nay, đặc biệt là từ cuối tháng 4/2021, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch.

Đồng thời, giao trách nhiệm cho người đứng đầu và có hình thức kỷ luật nghiêm nếu để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, không quyết liệt trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống dịch để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; nhất là phải tăng cường kiểm tra việc tổ chức thực hiện của Tổ giám sát Covid-19 cộng đồng các cấp về thực hiện khai báo y tế, việc tự cách ly của các đối tượng F1 (sau khi đã cách ly tập trung) và đối tượng F2.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ quan, đơn vị an toàn trong phòng, chống dịch, đặc biệt tại cơ sở điều trị, các doanh nghiệp; giám sát, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 hầu như không có ngày nghỉ, để trực tiếp giải quyết các công việc phát sinh khi nghe tin có F0 trong cộng đồng với quan điểm "sức khỏe, tính mạng của người dân là quan trọng nhất".

Bởi vậy, đã không ít lần, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa, Giám đốc Sở Y tế, Chủ tịch các huyện, thị, thành phố đích thân tới những điểm nóng mỗi khi nghe có F0 xuất hiện để chỉ đạo trực tiếp công tác phòng, chống dịch. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Cấp ủy, Chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, góp phần không nhỏ giúp Thanh Hóa kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19 cho đến thời điểm hiện tại.

thanh Hoá
Ngay trong chiều nay (24/8), ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có mặt tại huyện Nông Cống để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch liên quan đến ca bệnh phát hiện tại xã Tế Nông. Ảnh của Báo Thanh Hóa.

Câu chuyện chàng trai từ vùng dịch Bắc Ninh “liều lĩnh” vào huyện Thọ Xuân thăm bạn gái, rồi người lái xe mang F0 từ Yên Bái về quê ngay lập tức được phát hiện và đưa đi cách ly, đồng thời lực lượng tuyến đầu truy vết, khống chế ngay, cho thấy rõ tinh thần "chống dịch như chống giặc" của cả hệ thống chính trị đã phát huy hiệu quả thực tiễn.

Đặc biệt, khi dịch bùng phát ở Hà Tĩnh lây lan sang Nghệ An, phương án “đánh” dịch từ xa được lãnh đạo Thanh Hóa nhanh chóng triển khai. Nhận thức rõ nguy cơ lây lan dịch bệnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thanh Hóa có mặt ngay tại Nghi Sơn - nơi có hàng vạn lao động làm việc, trong đó không ít người là lao động người Nghệ An, để tập trung triển khai ngay phương án “3 tại chỗ”, đồng thời, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, lên phương án chi tiết để đối phó khi dịch xuất hiện tại doanh nghiệp.

Các chốt kiểm dịch tiếp giáp với Nghệ An được thiết lập nhanh chóng để kiểm soát lao động từ Nghệ An sang Nghi Sơn làm việc, tiến tới việc tất cả những lao động Nghệ An nếu không thực hiện "3 tại chỗ” kiên quyết không cho sang Nghi Sơn làm việc…

Các địa phương đều tuân thủ chặt chẽ các biện pháp cấp bách nhằm quản lý, giám sát chặt chẽ người từ các địa phương khác trở về Thanh Hóa để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid tỉnh yêu cầu UBND các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố, khu dân cư, các lực lượng chức năng đặc biệt là tổ giám sát cộng đồng phối hợp chặt chẽ với Công an xã, thị trấn tăng cường hơn nữa việc bám sát địa bàn, rà soát, nắm rõ từng nhân khẩu cư trú trên địa bàn quản lý.

Lập danh sách tất cả những người địa phương đang học tập, sinh sống, làm việc, du lịch, khám chữa bệnh, thăm thân… ở các tỉnh, thành phố khác và ở nước ngoài; đặc biệt, là công nhân các khu công nghiệp, nhà máy ở các vùng đang có dịch; cập nhật thông tin hàng ngày để trực tiếp quản lý, theo dõi thường xuyên, có kế hoạch cụ thể, khả thi, chặt chẽ; đảm bảo chủ động phòng, chống dịch trong mọi tình huống.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ 2 từ phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở Thiệu Hóa.

Các địa phương trong tỉnh chấp hành phương châm “mỗi người dân là chiến sĩ, mỗi gia đình là pháo đài chống dịch Covid-19”. Các gia đình tự nguyện ký vào cam kết tham gia phòng chống dịch. Các hộ gia đình có con em hiện đang là công nhân tại những vùng dịch được gia đình gọi điện nhắc nhở tuyệt đối không nên trở về nhà trong lúc này để đảm bảo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Qua tuyên truyền, 100% hộ dân trong thôn đều ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Nếu phát hiện thông tin những trường hợp sẽ trở về nhà từ vùng dịch, chính quyền địa phương cùng tổ giám sát cộng đồng thực hiện rà soát, triệt để, đảm bảo tất cả những trường hợp nói trên trở về địa phương phải thực hiện khai báo y tế và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Khi trở về địa phương phải thực hiện khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm và cách ly tại nhà tối thiểu 14 ngày. Cách ly tập trung tối thiểu 21 ngày theo quy định nếu có liên quan đến các vùng đang có dịch theo thông báo của Bộ Y tế… Các trường hợp vi phạm phòng chống dịch đều bị xử lý nghiêm khắc không kể đó là người dân hay cán bộ.

Bằng những phương án chống dịch Covid-19 linh hoạt, kiên quyết nên đến hôm nay Thanh Hóa đã, đang khống chế tốt dịch Covid-19, đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết theo khả năng của mình để đối phó với dịch bệnh khi bùng phát.

Đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy

Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có 411 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho gần 97.000 lao động; trong đó có hàng nghìn lao động không phải là người địa phương. Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để duy trì sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động bố trí thêm nơi ở, dự trữ lương thực, thực phẩm theo phương châm "3 tại chỗ". Mô hình này đang góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, vừa phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Lường trước được những nguy cơ từ dịch bệnh Covid-19, từ tháng 5/2021, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, chi nhánh Thanh Hóa tại Khu Kinh tế Nghi Sơn đã bố trí cho khoảng 70% người lao động thực hiện "3 tại chỗ". Theo đó, công ty đã bố trí một khu riêng để tạo điều kiện cho công nhân sinh hoạt sau giờ làm việc. Toàn bộ chi phí sinh hoạt và các đồ dùng cá nhân thiết yếu đều được công ty hỗ trợ hoàn toàn để người lao động yên tâm ở lại công ty làm việc.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trường phòng Hành chính - Tổng hợp, Chi nhánh Tổng công ty xăng dầu Việt Nam tại Thanh Hóa cho biết, với tinh thần duy trì sản xuất kinh doanh cùng với phòng dịch nghiêm ngặt, sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay mọi sinh hoạt ăn ở của người lao động đã đi vào nề nếp, tư tưởng của người lao động cũng đã ổn định để yên tâm ở lại nơi làm việc.

thanh hoá
Phương án "3 tại chỗ" đang phát huy hiệu quả, đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy. Ảnh: TTV

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng 3.000 công nhân lao động là người Nghệ An - địa phương hiện đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Để dịch bệnh không xâm nhập vào khu kinh tế, Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời chỉ đạo các công đoàn cơ sở rà soát, cho gần 1.700 người lao động nghỉ tại địa phương. Số lao động còn lại khoảng 1.300 người được doanh nghiệp bố trí chỗ ăn, ở tại ký túc xá của doanh nghiệp, đồng thời duy trì việc test nhanh cho hơn 6.500 công nhân lao động tại các công ty. Các quy định về phòng, chống dịch được các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt.

Thanh Hoá
Cảng quốc tế gang thép Nghi Sơn. Ảnh do Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cung cấp.

Chính việc “đánh” dịch Covid-19 như đánh giặc, tỉnh Thanh Hóa tận dụng những thời gian”vàng” chỉ đạo sản xuất kinh doanh. Vì thế, Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn lao động vẫn tranh thủ làm việc trong môi trường an toàn, giúp chuỗi sản xuất trong các doạnh nghiệp chưa bị đứt gãy, tạo môi trường đầu tư, sản xuất an toàn trong mùa dịch.

Minh chứng cho nhận định trên là việc, mới đây, Tập đoàn T&T Group đã tổ chức khởi công xây dựng dự án Khu du lịch sinh thái Tân Dân tại phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn với số tiền đầu tư hơn 3,6 nghìn tỷ đồng (tháng 6/2021)…

Đặc biệt, cuối tháng 7 vừa qua, tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát - Công ty CP đã tổ chức lễ khánh thành tổng kho và bến cảng xăng, dầu Anh Phát. Dự án tổng kho có diện tích là 34ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Quy mô của kho xăng dầu giai đoạn 1 gồm: Kho xăng dầu có 14 bể chứa, với tổng dung tích 165.500m3; kho LNG có 2 bể chứa với dung tích trên 2.000m3; 3 cảng nhập xuất xăng dầu có công suất 3.000 tấn, 2 cảng 12.000 tấn, 1 cảng 80.000 tấn với các cầu cảng, tuyến luồng và khu quay trở. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là hơn 3.800 tỷ đồng.

Ngoài ra, các công trình xây dựng giao thông như cao tốc Bắc - Nam qua Thanh Hóa, tuyến đường từ TP. Thanh Hóa đi Cảng hàng không Thọ Xuân… vẫn đảm bảo tiến độ thi công.

Điểm qua một số công trình, dự án được thực thi trong mùa dịch tại Thanh Hóa bệnh để thấy được rằng, muốn phát triển kinh tế trước hết phải chống dịch bệnh có hiệu quả. Điều này minh chứng trong báo cáo 6 tháng đầu năm của tỉnh Thanh Hóa bằng những con số cụ thể: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đứng thứ 12 cả nước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 8,66% cao nhất các tỉnh Bắc Trung Bộ, đứng thứ 12/63 tỉnh thành, thu ngân sách ước đạt 15.664,8 tỷ đồng đạt 59% kế hoạch…

Điều đáng trân trọng là, ngoài giữ vững thế trận vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, tỉnh Thanh Hóa đã cùng với cả nước hướng về miền Nam ruột thịt. Ngoài việc quyên góp hơn 2.000 tấn (tương đương hơn 80 tỷ đồng) lương thực, thực phẩm chi viện cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời cử 226 cán bộ, nhân viên y tế (3 đợt) lên đường vào Nam chia lửa chống dịch Covid-19 với Bình Dương, Đồng Nai và TP.HCM. Ngoài ra, tỉnh Thanh Hóa còn kêu gọi người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 gần hàng chục tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top