Chợ nói chung là một bộ phận quan trọng trong tổng thể hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển thương mại của từng địa phương phải bao gồm quy hoạch phát triển chợ. Quy hoạch phát triển chợ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch thương mại, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.
Bởi vậy, Chính phủ đã có hẳn Nghị định về phát triển, quản lý chợ, trong đó nêu rõ những nguyên tắc lập quy hoạch phát triển chợ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Mặc dù vậy, nhưng thời gian qua, không chỉ riêng Thanh Hóa mà tại nhiều địa phương trên cả nước, không ít chợ đầu mối đặt nhầm chỗ, thiết kế không hợp lý, nằm xa trung tâm, bất cập trong quy hoạch đã được báo chí phản ánh... điều này khiến hàng loạt các khu chợ đầu mối được đầu tư hàng chục tỷ đồng ở ven đô không hút được tiểu thương tới buôn bán, thậm chí “chết yểu”. Hậu quả là, những khối tài sản lớn ngày càng trở nên hoang tàn, còn chợ thì vẫn thiếu, trong khi tiểu thương thì lo nơm nớp về cuộc sống của mình.
Thực tế trên đặt ra vấn đề là, quy hoạch chợ nói chung, chợ đầu mối nói riêng cần mang tính lý luận, tính thực tiễn, bảo đảm khoa học hiệu quả và tính bền vững. Hay nói cách khác, không thể phủ nhận vai trò của việc quy hoạch, phát triển chợ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, nhưng quy hoạch như thế nào lại là bài toán không hề đơn giản.
Quay trở lại với đề xuất quy hoạch chợ phía Bắc thành phố Thanh Hóa. Mới đây, chính quyền thành phố này đã gửi văn bản đề xuất quy hoạch chợ với diện tích khoảng 30-40ha với lý do nhằm tạo đầu mối giao thương hàng hóa lớn trong tương lai và là xu hướng phát triển của các đô thị lớn (TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…).
Tuy nhiên, việc UBND thành phố Thanh Hóa ra văn bản này đã gặp sự phản đối của gần một nghìn tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đầu mối Đông Hương. Họ cho rằng, việc xin quy hoạch chợ mới là không cần thiết, lãng phí và ảnh hưởng tới hoạt đông kinh doanh buôn bán của họ. Rất có thể, nhiều tiểu thương sẽ phải chuyển chợ đi nơi khác trong tương lai không xa.
Thực tế có thể thấy, tiểu thương, doanh nghiệp đã, đang thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh tại chợ đầu mối là những người ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi công văn đề nghị xin quy hoạch chợ đầu mối ở phía Bắc thành phố Thanh Hóa vì đơn vị có thẩm quyền cho rằng chợ chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng...
Trước khi đầu tư, từ tỉnh đến thành phố Thanh Hóa đều kêu gọi trải thảm đỏ mời gọi doanh nghiệp bỏ vốn làm chợ. Thực tế, sau khi được tỉnh tạo điều kiện cho thuê đất và hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định, năm 2013, chợ đi vào hoạt động giai đoạn 1 và năm 2015 đưa vào hoạt động giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 189 tỷ đồng. Để phục vụ cho mục tiêu phát triển chung của thành phố và tỉnh Thanh Hóa, cả doanh nghiệp và lãnh đạo thành phố khi đó không còn cách nào khác, phải "cơm đùm, cơm nắm", van nài tiểu thương vào chợ. Cùng với đó, để di chuyển được các hộ tiểu thương kinh doanh tự phát về chợ kinh doanh, công ty đã phải tạo mọi điều kiện, cơ chế như miễn tiền thuê địa điểm kinh doanh đến 6 tháng để thu hút, giữ chân được các hộ tiểu thương.
Đến nay, chợ mới đi vào hoạt động tạm thời ổn định được 5 năm. Thế nhưng mới đây, thành phố Thanh Hóa đã đề nghị quy hoạch một chợ đầu mối mới ở phía Bắc thành phố Thanh Hóa khiến doanh nghiệp và thiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Đông Hương "mất ăn mất ngủ".
Đáng chú ý là việc doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ vào việc xây dựng chợ theo chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, thành phố Thanh Hóa, cùng với áp lực chịu lỗ để đảm bảo cơ chế chính sách cho tiểu thương ổn định cuộc sống, nhưng họ (doanh nghiệp) lại không hề được tham vấn, bàn luận về vấn đề được coi là có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của mình và các tiểu thương.
Một số chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cho rằng, việc xin quy hoạch chợ tới 30-40ha ở phía Bắc thành phố Thanh Hóa, thì có thể xem là chợ đầu mối mang tính chất vùng, chứ không chỉ riêng phục vụ nhu cầu cho thành phố Thanh Hóa hay tỉnh Thanh Hóa.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc cần đánh giá tác động của vùng (các tỉnh lân cận), kho tàng, trình độ phát triển của vùng sản xuất, việc cung ứng hàng hóa và mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai... Đây được coi là vấn đề quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối trong tương lai.
Quy hoạch chợ thì cần tính toán đến các yếu tố như chợ đặt gần nơi sản xuất, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp... Chợ đặt chơ vơ, mỗi chủ hàng là người tự cung tự cấp dịch vụ, không có sự kết nối thì sẽ thất bại, hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Do đó, cần cẩn trọng trước khi đề xuất quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa. Sự cẩn trọng này cần tôn trọng yếu tố khách quan trong việc sự khảo sát, phân tích, đánh giá khách quan dựa trên các luận cứ có tính khoa học để thấy rằng, việc xây dựng chợ đầu mối có thực sự cần thiết hay không? có phù hợp với sự phát triển kinh tế của địa phương hay không? chứ không phải đề xuất quy hoạch theo kiểu ngẫu hứng, duy ý chí.
Thực tế cho thấy, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, thì hệ thống các kênh phân phối nông sản thực phẩm cũng đã thay đổi sâu sắc. Siêu thị, cửa hàng tiện ích đang dần thay thế chợ truyền thống. Mặt khác với sự phát triển của thương mại điện tử là xu thế tất yếu trong thời đại 4.0, khiến hình thức kinh doanh buôn bán truyền thống dần bị mất ưu thế trong việc cạnh tranh. Do vậy, đánh giá và phân tích cụ thể vấn đề mang tính tầm nhìn chiến lược là vấn đề mang ý nghĩa sống còn đối với việc quy hoạch, phát triển chợ trong tương lai.
Việc quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối cần đảm bảo phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, quy hoạch ngành, rõ tiêu chí chợ và phù hợp và thực tế hiện nay của địa phương.… nhằm phát triển hài hòa nhằm tránh “giẫm chân vào nhau.
Thực tế, tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), cách đây không lâu, tỉnh Thanh Hóa đã cho 1 doanh nghiệp khác thuê đất diện tích hơn 3ha để làm chợ kết nối cung cầu hàng nông sản sạch (nhưng tỉnh Thanh Hóa đang dừng dự án để điều chỉnh kiến trúc không gian nên doanh nghiệp chưa đầu tư). Việc thành phố xin quy hoạch thêm 1 chợ diện tích 30-40ha gần vị trí chợ đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nêu trên liệu đã phù hợp? nếu không muốn nói là nguy cơ xảy ra “xung đột” về mặt lợi ích giữa các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư kinh doanh. Hay nói cách khác, việc quy hoạch thêm 1 chợ nữa (chợ đầu mối phía Bắc thành phố) sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương, đầu tư xây dựng trước đó.
Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Thanh Hóa và khu vực ngoại thành có bán kính chưa đầy 10km đã được chấp thuận chủ trương và quy hoạch 2 chợ đầu mối. Nếu quy hoạch thêm một chợ đầu mối nữa với diện tích 30-40ha thì cần dự liệu về chuyện lãng phí, chồng chéo, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương ở khu vực hiện tại.
Bên cạnh đó, cần đánh giá rõ việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố với quy hoạch đô thị tại thành phố Thanh Hóa, Hoằng Hóa (khu đô thị ven Sông Mã) để tránh đầu tư lãng phí, hoặc không hiệu quả. Tại thành phố Thanh Hóa, Hoằng Hóa, một dự án từng gây ra sự lãng phí hơn 200ha hiện sau nhiều năm đắp chiếu là bài học để cơ quan quản lý nhà nước xem xét thấu đáo về hiệu quả đầu tư, tính cấp thiết của dự án có hệ số sử dụng đất lớn như chợ đầu mối phía Bắc. Nếu không nghiên cứu kỹ vấn đề này thì quy hoạch chỉ mang tính duy ý chí, hoặc chỉ dừng lại ở việc “copy-paste”.
Việc đánh giá phản biên về đề xuất quy hoạch chợ cần sự tham gia của nhiều ngành có liên quan. Các luận cứ phải được đánh giá một cách khoa học, dựa trên căn cứ thực tiễn chứ không phải là việc đưa ra một tờ trình hay sự góp nhặt một vài ý kiến là có thể trình xin ý kiến quy hoạch. Quy hoạch chợ phải phù hợp với từng địa phương, vùng miền, chứ không nên tư duy quy hoạch rập khuôn, máy móc, rằng Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có chợ quy mô hàng chục ha, thì thành phố Thanh Hóa cũng cần có chợ tương tự quy mô như vậy.
Ngày 17/12/2020, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Văn bản số 17528/UBND-KTTC giao Sở Công thương chủ trì phối hợp với các Sở: Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND huyện Hoằng Hóa, UBND thành phố Thanh Hóa nghiên cứu kiến nghị của Công ty Bình Minh, tham mưu, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa theo quy định.