Aa

Thanh khoản dồi dào, tỷ giá giữ được xu hướng ổn định

Thứ Tư, 09/12/2020 - 08:44

Các chuyên gia cho rằng tỷ giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo xu hướng giảm nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2020 một phần do yếu tố găm giữ, đầu tư ngoại tệ giảm...

Giới chuyên gia ghi nhận sự điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá hết sức chủ động, linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước đã giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước cơ bản ổn định, bất chấp những biến động liên tục của thị trường tài chính toàn cầu.

Cung, cầu ổn định

Cuối tháng 11, Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm mạnh giá USD mua vào tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tới 50 đồng, từ 23.175 xuống còn 23.125 đồng/USD sau khi giữ giữ ổn định trong gần 1 năm vừa qua. Nếu tính cả lần điều chỉnh mới nhất, Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 4 lần giảm tỷ giá USD/VND mua vào kể từ năm 2015 đến nay.

Các chuyên gia tại Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV phân tích động thái này mang lại lợi ích trên nhiều phương diện bao gồm tiết giảm chi phí mua vào ngoại tệ trong giai đoạn khối lượng ngoại tệ bán về Ngân hàng Nhà nước có xu hướng tăng nhanh.

Động thái này cũng góp phần quan trọng giúp Ngân hàng Nhà nước phát đi tín hiệu về việc đã, đang và sẽ điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, “chưa và không bao giờ sử dụng tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh trong giao dịch thương mại quốc tế” như phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại Hội nghị Thống đốc ASEAN tháng Mười vừa qua. Bên cạnh đó, góp phần giảm bớt căng thẳng với Mỹ trong câu chuyện thao túng tiền tệ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ đối với các hoạt động du lịch, chữa bệnh, du học,… nhìn chung vẫn chưa thể phục hồi do dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn diễn biến căng thẳng tại Mỹ và châu Âu. Qua đó, cung cầu ngoại tệ trong nước duy trì mức thặng dư lớn tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước mua vào khoảng 3 tỷ USD trong tháng 11 và tính từ đầu năm tới nay là khoảng 11,5 tỷ USD.

Theo ghi nhận tại thị trường, ngay sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuất hiện bước điều chỉnh với cường độ nhẹ, giảm khoảng 20-25 đồng, còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng đã giảm khoảng 40 đồng và hiện đang ổn định ở mức 23.010 - 23.220 đồng/USD (mua vào - bán ra).

Các chuyên gia nhận định, nhìn chung từ đầu năm đến nay, ngoại trừ tháng Ba tỷ giá có biến động nhẹ, do tác động dịch Covid-19 và giãn cách nên có những xao động, có sự giảm giá VND tuy nhiên ngay lập tức Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp và có ý kiến, từ đó VND quay trở lại ổn định.

“Đợt giảm giá mạnh của VND như cuối tháng Ba khó xảy ra do USD đang mất giá mạnh trên thị trường quốc tế và tâm lý thị trường trong nước cũng vững vàng hơn giai đoạn trước,” các chuyên gia của SSI phân tích.

Công ty Chứng khoán KB Securities Việt Nam (KBSV) cũng cho rằng nếu so sánh với các đồng tiền khác trong khu vực, VND vẫn tiếp tục được đánh giá là đồng tiền ổn định trong nửa đầu năm 2020. Việc ổn định tỷ giá đang tạo đà cho lạm phát dần lùi về mức mục tiêu là 4%, qua đó góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là tiền đề để nền kinh tế có thể phục hồi tăng trưởng bền vững.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, tỷ giá ổn định và đi theo xu hướng giảm một phần cũng là do không còn việc găm giữ, đầu cơ ngoại tệ như trước đây vì giữ USD không có lời trong khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán hấp dẫn hơn.

Dự trữ ngoại hối dồi dào

Thực tế là để ổn định tỷ giá, thị trường ít nhiều không thể không nhờ đến “bàn tay” của Ngân hàng Nhà nước. Chính Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, trong một số giai đoạn, nhà điều hành đã thực hiện mua ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng, bổ sung cho dự trữ ngoại hối khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không không bố con số dự trữ ngoại hối nhưng các chuyên gia cho rằng, tính đến tháng Mười dự trữ ngoại hối đạt khoảng 92 tỷ USD và dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 100 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới đánh giá, con số 92 tỷ USD chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế đất nước. Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn cho dù có đại dịch (tính đến ngày 20/11 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỷ USD). Hoạt động này đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài. Cán cân thanh toán của Việt Nam thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

“Đây là tín hiệu đáng mừng đối với Việt Nam, là thành công trong điều hành chính sách ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước. Nó còn là một bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế chống đỡ lại các “cú sốc” từ bên ngoài, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Gia tăng dự trữ ngoại hối giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa và giải pháp phù hợp trong việc điều hành chính sách tiền tệ, tạo thuận lợi cho việc điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng,” chuyên gia ngân hàng, tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng đặt ra câu hỏi Việt Nam phải làm gì để không bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Mỹ? Để tránh rủi ro này, ông cho rằng Việt Nam cần tạo ra thương mại cân bằng hơn đối với Hoa Kỳ, giảm dần mức độ xuất siêu sang thị trường này và nên sử dụng tối đa các biện pháp ngoại giao nếu rủi ro này tăng lên.

Dự báo tỷ giá ngoại tệ từ nay đến cuối năm, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tỷ giá nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi theo xu hướng giảm nhẹ trong thời gian còn lại của năm 2020.

Đồng quan điểm, ông Hiếu cho rằng với biến động khó lường từ thế giới thì tỷ giá ngoại tệ tại Việt Nam vẫn sẽ có khả năng giảm nhẹ. Nhiều dự báo cho thấy USD sẽ tiếp tục mất giá khi lãi suất đồng USD đang ở sát 0%, trong khi Chính phủ Mỹ vẫn đang tiếp tục bơm một khối lượng tiền tệ rất lớn vào nền kinh tế.

Cụ thể, ngày 8/12, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông đã trình bày đề xuất về gói kích thích kinh tế mới nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 trị giá 916 tỷ USD trong cuộc thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Theo đó, gói kích thích bao gồm các khoản tiền hỗ trợ cho chính quyền bang và địa phương và bảo vệ pháp lý cho các doanh nghiệp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top