CUỘC CHIẾN VỚI Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ
Bầu trời xám xịt, nhiều tòa nhà "biến mất", người dân săn lùng khẩu trang loại đặc biệt để đeo ra đường... là những gì đang diễn ra trong suốt tuần qua ở Thủ đô Hà Nội. Ô nhiễm không khí, bụi mịn… đã trở thành mối lo lắng và quan tâm hàng đầu của bất cứ cư dân Thủ đô nào.
Tại Hà Nội, kết quả trên ứng dụng Pam Air và quan trắc chất lượng tại 10 trạm quan trắc tự động của Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội cho thấy, nhiều thời điểm trong ngày 30/9 chất lượng không khí suy giảm tới ngưỡng kém và xấu. Đại diện Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, ông Hoàng Tùng Dương cũng cho biết, có thời điểm nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao trong ngày 30/9 và đây cũng là ngày chỉ số chất lượng môi trường ô nhiễm nhất trong dịp gần đây.
Trong khi đó, tại TP.HCM, Trung Tâm quan trắc Tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và môi trường) đã có kết quả báo cáo chất lượng không khí trong những ngày xảy ra hiện tượng “bầu trời mùi mịt”. Kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trong tháng 9 cho thấy chất lượng không khí từ ngày 3 đến 20/9 có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO...
Trước đó, thống kê của Liên Hợp Quốc cũng đã cho rằng, đến năm 2050, tỷ lệ đô thị hóa tại Việt Nam là 57%. Con số này sẽ đặt ra áp lực về chất lượng cuộc sống trong tương lai khi môi trường sống đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Lo ngại nhất khi TP.HCM và Hà Nội thời gian gần đây luôn trong tình trạng báo động “đỏ” về vấn đề ô nhiễm môi trường. Xếp hạng của AirVisal năm 2018, Hà Nội và TP.HCM đã nằm trong 2 thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Trước những bức thiết của vấn đề ô nhiễm môi trường đặt ra, mới đây, đại diện Bộ Xây dựng đã lên tiếng về tình trạng và giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí đô thị.
Phân tích về nguyên nhân, ông Trần Quang Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, sự gia tăng của các hoạt động kinh tế, giao thông, xây dựng và ý thức tiêu dùng của chính con người nhất là tại các đô thị đã khiến ô nhiễm không khí trở nên xấu. Tốc độ đô thị hóa càng nhanh thì vấn đề ô nhiễm môi trường càng đặt ra những cấp bách về giải pháp nào để giải quyết phát sinh thiếu lành mạnh từ đô thị nén.
Vị Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị đưa ra giải pháp, đó là phải tìm ra các chỉ tiêu cụ thể như Hà Nội có bao nhiêu dự án xanh, bao nhiêu dự án tác động xấu đến môi trường. Ông Thái nhấn mạnh, các chỉ tiêu về môi trường, phát triển đô thị phải gắn với tăng trưởng xanh rõ ràng, cụ thể.
Nhìn từ giải pháp mà đại diện Bộ Xây dựng đưa ra cho thấy, lời đáp cho bài toán giảm ô nhiễm tại các đô thị lớn đó yêu cầu phát triển đô thị buộc phải gắn với tăng trưởng xanh.
XANH HÓA CAO ỐC - GIẢI PHÁP SỐNG CÒN CỦA ĐÔ THỊ
Tình trạng "thành phố bụi mù" diễn ra trong suốt thời gian gần đây đã cho thấy, cuộc chiến với ô nhiễm không khí rõ ràng không còn chỉ là câu chuyện hô hào khẩu hiệu hay nhiệm vụ của riêng ai. Đã đến lúc tất cả phải thức tỉnh để thực sự bắt tay vào tìm những giải pháp xây dựng đô thị bền vững và giành lại bầu khí quyển trong lành cho chính mình. Và việc phát triển các tòa nhà cao tầng xanh - một trong những giải pháp nén tất yếu của đô thị - không còn là hành trình đơn độc của các chủ đầu tư.
Trong hội thảo Phát triển thị trường nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam mới đây, PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh cho rằng, việc kiến thiết tạo dựng một ngôi nhà ở mà không có sự quan tâm đúng cách sẽ phá vỡ môi trường sống. KTS. Nguyên chỉ ra rằng, ở Việt Nam đang có 2 xu hướng xây nhà ở: “Một xu hướng chạy theo lợi nhuận trước mắt; một xu hướng hướng tới tương lai”.
Trên góc độ về mặt khoa học xã hội, trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí, khi bàn về lựa chọn nhà ở thấp tầng hay cao tầng sẽ giảm thiểu ô nhiễm, GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng đã phân tích, khi không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm, các gia đình ở nhà thấp tầng, nhà mặt đất sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các nhà ở tầng cao như chung cư cao tầng.
Lý giải nguyên nhân này, GS.TS Đăng cho biết, ô nhiễm không khí xảy ra bởi các hoạt động như công trình xây dựng, tình trạng giao thông với lượng xe máy và ô tô hoạt động liên tục trong tiết trời nóng, ẩm. Bởi vậy, càng ở dưới thấp, sát mặt đất, ô nhiễm càng cao. “Người dân sống tại nhà riêng thấp tầng sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Người dân sống trên tầng cao của tòa nhà chung cư cao tầng sẽ ít phải chịu ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, bụi hơn” – GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng nhấn mạnh.
Ở góc độ kiến trúc – quy hoạch, PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên cũng cho rằng, trước đây, người ta cho rằng, những chung cư cao tầng với các khối bê tông là nguyên nhân khiến không gian sống trở nên chật chội, ô nhiễm không khí gia tăng. Nhưng đây là quan điểm sai lầm! KTS Hoàng Mạnh Nguyên đã khẳng định, đô thị nén là mô hình tất yếu của sự phát triển xã hội, là xu hướng không thể tránh khỏi của một xã hội có tốc độ đô thị hóa cao, bởi tiết kiệm được nhiều nguồn tài nguyên như đất, nước, năng lượng, vật liệu xây dựng.
Ông Nguyên cũng chỉ ra rằng, vấn đề của Việt Nam đó là tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng nhưng môi trường sống được tạo ra đang thiếu không gian xanh. “Đó là lý do vì sao vấn đề xanh càng được quan tâm rất nhiều hiện nay”. Thế nên, bài toán của đô thị hóa chính là cần xanh hóa nhà ở cao tầng.
Như vậy, rõ ràng xét trên góc độ về kiến trúc, về xã hội thì nhà cao tầng xanh đang là một giải pháp hữu hiệu, là xu thế tất yếu cho quá trình phát triển đô thị hiện nay.
BẮT ĐẦU TỪ THAY ĐỔI "KHẨU VỊ"
Song có một thực tế vẫn còn đang khiến các chủ đầu tư đang e dè, lăn tăn trong việc phủ xanh những dự án chung cư. “Xanh nghĩa là đi kèm với đắt đỏ” – đó vẫn còn là suy nghĩ của không ít các doanh nghiệp phát triển dự án.
Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban R&D của Capital House cũng cho rằng, khi chủ đầu tư muốn xây dựng công trình xanh, họ phải đối mặt với bài toán, giá sẽ bán như thế nào và có thể còn cao hơn. Người mua nhà liệu có sẵn sàng mua sản phẩm xanh hay không? Hiểu biết của họ về lợi ích công trình xanh ra sao. Ngoài ra, có một thực tế, đó là câu hỏi liệu một công trình xanh có thực sự xanh hay không?
Chưa kể, trên thị trường, một điểm khó khăn khác với chủ đầu tư đó là do nhận thức của khách hàng về công trình xanh chưa đầy đủ nên “khẩu vị” lựa chọn sản phẩm sẽ khác. Tiêu chí của họ là vị trí, sự thuận tiện trong giao thông kết nối mà bỏ qua yếu tố xanh như đèn gì, dùng nước tiết kiệm ra sao?
Tuy nhiên, theo chuyên gia công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế IFC, bà Đỗ Ngọc Diệp cho rằng, nhà giá rẻ vẫn có thể xanh. "Hai yếu tố xanh và đắt đỏ trong một dự án xây dựng không đi liền với nhau. Có những công trình rất đắt mà không xanh và ngược lại, có những công trình xanh mà không đắt. Sự khác biệt trong mỗi dự án nằm ở cách tiếp cận và triển khai xây dựng của các chủ đầu tư” – bà Diệp nói.
BÀI TOÁN KINH TẾ VÀ MÔI TRƯỜNG
Lợi ích của công trình xanh thì ai cũng biết, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ đươc việc phát triển các cao ốc xanh tác động đến sự phát triển bền vững của môi trường như thế nào. Theo KTS Nguyên, đây là mô hình giúp tiết kiệm quỹ đất, tạo ra sự đồng bộ về kỹ thuật, giúp đóng góp lớn cho kinh tế học đô thị. Đối với nhà đầu tư, nhà chung cư xanh góp phần mang lại giá bán tốt, tiêu thụ nhanh, thu hồi vốn tốt, chi phí vận hành giảm. Đối với người dân, yếu tố xanh trong công trình sẽ mang lại môi trường sống tốt. Về phía doanh nghiệp, ông Trịnh Tùng Bách cho rằng, giá trị mà công trình xanh còn mang lại đó là chi phí vận hành giảm, khách hàng hài lòng và nâng cao giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sản phẩm xanh cần phải tạo ra một nguồn cung các sản phẩm xanh như vật liệu, thiết bị dồi dào, phong phú, có chất lượng cao với giá thành hợp lý.
Chưa kể, việc cần xây dựng một thị trường nhà ở cao tầng xanh với các khách hàng sinh thái, cần xây dựng một hệ thống quản lý và đánh giá yếu tố xanh để phát huy nhà ở cao tầng xanh một cách thực chất cũng hết sức quan trọng.
Còn theo ông Trịnh Tùng Bách, ngoài các giải pháp trên đưa ra thì cần đẩy mạnh vấn đề truyền thông, maketing nâng cao nhận thức của người dân về các công trình xanh. Trách nhiệm của chủ đầu tư với xã hội, với cộng đồng cũng cần phải nâng cao.
Bà Đỗ Ngọc Diệp, đại diện IFC cho rằng, tại Singapore, để phát triển công trình xanh, Chính phủ Singapore đã áp dụng chính sách tài chính ưu đãi như giảm thuế, hoàn thuế, áp dụng chính sách phi tài chính về vấn đề sử dụng đất khi triển khai các công trình xanh. Sau đó, chính phủ nước này làm mạnh tay hơn, bắt buộc các công trình đều phải đạt các tiêu chí xanh nhất định.
Đúng như PGS.TS.KTS. Hoàng Mạnh Nguyên chỉ ra, để phát triển nhà ở cao tầng xanh tại Việt Nam cần nhiều yếu tố kết hợp mà nhân tố chủ đạo quyết định là việc cần phải có cam kết của các cấp lãnh đạo và một hệ thống pháp luật rõ ràng. Bởi công trình xanh đang trở thành xu hướng tất yếu và cấp bách trong bối cảnh báo động về tình trạng ô nhiễm cũng như chất lượng sống của người Việt đang giảm như hiện nay.
Giới chuyên gia cũng nhận định, các căn hộ trong dự án xanh sẽ bán nhanh và giá cao hơn các dự án thông thường từ 4 đến 8%. Trong khi xu hướng chung của thế giới, người mua nhà có thể bỏ ra nhiều tiền hơn để sở hữu căn hộ có không gian xanh.