Aa

Thành phố đông dân nhất Việt Nam chính thức khởi công cây cầu quy mô, thay thế cầu sắt 50 năm tuổi xuống cấp trầm trọng

Thứ Năm, 10/07/2025 - 10:09

Cây cầu mới được thiết kế dài 174m, rộng 15m với 4 làn xe, kèm hệ thống đường dẫn, chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Theo Báo Tuổi Trẻ, ngày 10/7, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM phối hợp cùng các Sở, ngành và UBND xã Hiệp Phước tổ chức lễ khởi công dự án xây dựng cầu Rạch Tôm, thay thế cây cầu sắt cũ đã xuống cấp.

Theo đó, cây cầu mới có tổng mức đầu tư 497 tỷ đồng bao gồm khoảng 141 tỷ đồng chi phí xây dựng và 226 tỷ đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cầu được thiết kế dài 174m, rộng 15m với 4 làn xe, kèm hệ thống đường dẫn, chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tổng chiều dài toàn bộ dự án (bao gồm cầu và đường) đạt 684m.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đến nay, dự án đã có 83/111 hộ dân đồng ý nhận bồi thường. Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè cùng UBND xã Hiệp Phước đang tập trung hoàn tất các thủ tục, phấn đấu bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/9.

Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và thông xe vào cuối năm 2026, cùng với cầu Long Kiểng và cầu Rạch Đĩa đã hoàn thành trước đó, góp phần hoàn thiện trục đường Lê Văn Lương, giảm ùn tắc giao thông và tăng cường kết nối TP. HCM với tỉnh Tây Ninh.

Ông Trịnh Linh Phương, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM, cho biết đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương và nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác, phục vụ người dân.

Cầu Rạch Tôm cũ. Nguồn ảnh: Internet

Cầu Rạch Tôm cũ. Nguồn ảnh: Internet

Được biết, Cầu Rạch Tôm hiện hữu được xây dựng từ trước năm 1975, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Cây cầu cũ vẫn đang phải gồng gánh lưu lượng phương tiện lớn, bao gồm cả xe tải nặng. Mỗi khi xe chạy qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra tiếng động lớn do các tấm sắt va đập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nghiêm trọng.

Việc xây dựng cầu Rạch Tôm mới không chỉ thay thế cây cầu cũ đã xuống cấp, mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc hoàn thiện hạ tầng giao thông khu Nam TP. HCM. Khi tuyến Lê Văn Lương được thông suốt, sẽ mở ra cơ hội kết nối mạnh mẽ khu Nhà Bè với toàn thành phố, đồng thời thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực.

Với việc sáp nhập địa giới với hai địa phương lân cận là Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM chính thức trở thành thành phố có dân số đông nhất Việt Nam, với khoảng 14 triệu người và diện tích 6.772,59km2. Đây không chỉ là sự mở rộng đơn thuần về quy mô, mà còn là bước đi chiến lược để hình thành một “siêu đô thị” đa trung tâm, liên kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và cảng biển.
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top