Aa

Thành phố Hải Phòng vào năm 2050 như thế nào?

Thứ Ba, 16/01/2024 - 13:57

Theo Quy hoạch vừa công bố, TP. Hải Phòng đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050.

Chiều ngày 15/1, TP. Hải Phòng công bố Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó thành phố đã đặt ra một số định hướng mới, nổi bật: Thứ nhất, với quan điểm mở rộng, phân bố không gian phát triển hợp lý, Quy hoạch TP. Hải Phòng đã định hướng thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng với diện tích khoảng 20.000ha để tận dụng lợi thế của cảng Nam Đồ Sơn, sân bay quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng.

Thành phố cũng định hướng sẽ thành lập Khu thương mại tự do trong Khu kinh tế mới để vận dụng những cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, cách làm ở trong nước và quốc tế về khu thương mại tự do, áp dụng ở Hải Phòng.

Từ đó, Khu kinh tế ven biển phía Nam (trong đó có Khu thương mại tự do) được kỳ vọng là đòn bẩy mạnh giúp đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế của vùng đất phía Nam thành phố.

Thành phố Hải Phòng vào năm 2050 như thế nào?- Ảnh 1.

TP. Hải Phòng đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới vào năm 2050 (Ảnh: CTV)

Thứ hai, Hải Phòng là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông. Trên cơ sở đó, quy hoạch thành phố đã tập trung vào định hướng, phát triển đồng bộ hệ thống giao thông vận tải, điểm báo thống nhất với các quy hoạch ngành quốc gia về giao thông. Trong đó, trước hết là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối thông suốt cảng biển với các vùng nội địa.

Định hướng đầu tư xây dựng phát triển cảng biển Hải Phòng xứng tầm là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước. Tập trung hoàn thành đầu tư khu bến cảng Lạch Huyện và di dời các bến cảng trên sông Cấm; đầu tư phát triển các bến cảng tại khu bến Nam Đồ Sơn - Văn Úc.

Định hướng xây dựng mới các tuyến đường sắt: Tuyến Hà Nội - Hải Phòng kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện; tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Định hướng nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng.

Tiếp tục nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ liên vùng, xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Phát triển các tuyến trục chính đô thị hướng tâm và đường vành đai thành phố.

Phát triển các tuyến đường thủy ven biển, nối liền các cửa sông lớn của thành phố và các tỉnh lân cận; các tuyến đường thủy nội địa quanh các đảo thuộc quần đảo Cát Bà phục vụ vận chuyển khách du lịch.

Thứ ba, Hải Phòng là thành phố biển, mạnh về biển. Với quan điểm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên và phát triển kinh tế xanh, bền vững, quy hoạch đã đưa ra đề xuất, định hướng tập trung phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó điểm nhấn là việc ưu tiên phát triển nguồn điện gió ngoài khơi (công suất dự kiến 2.500MW). Từ đó, đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Những con số "vàng" của TP. Hải Phòng vào năm 2030

Thành phố Hải Phòng vào năm 2050 như thế nào?- Ảnh 2.

Hải Phòng là địa phương duy nhất ở miền Bắc hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông (Ảnh minh họa)

Theo quy hoạch, thành phố đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa.

Trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, trọng tâm là dịch vụ cảng biển, logistics và du lịch biển; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Về kinh tế, tỷ trọng đóng góp GRDP của TP. Hải Phòng vào tổng sản phẩm (GDP) của cả nước đến năm 2030 đạt khoảng 6,8%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 tăng khoảng 13,5%/năm, trong đó: Công nghiệp - xây dựng tăng khoảng 15,3%/năm (công nghiệp tăng 15,8%/năm, xây dựng tăng 12,2%/năm); dịch vụ tăng khoảng 12,5%/năm; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khoảng 0,9%/năm;

Cơ cấu kinh tế: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 51,7% (công nghiệp chiếm 46,8%); ngành dịch vụ chiếm 43,2%; ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,0%; và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 4,1%. GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt khoảng 558 triệu đồng tương đương khoảng 21.700 USD.

Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 đạt 56 - 59%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 8,9 - 10,7%/năm. Kinh tế số đạt khoảng 40% GRDP thành phố. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2030 đạt 300 - 310 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 90 - 98 nghìn tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn thành phố nỗ lực đổi mới sáng tạo, tận dụng và phát huy đạt hiệu quả cao nhất những cơ chế đột phá, chính sách đặc thù đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 35/2021/QH15 để tìm ra con đường đổi mới và phát triển hiệu quả nhất.

Ngoài ra, chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm 5 tỉnh thành phố đứng đầu cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,1%; Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 100%.Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%. Cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt. Thành lập thành phố Thủy Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng; hoàn thành chuyển đổi 50% số huyện thành đơn vị hành chính quận. Diện tích sàn nhà ở xã hội tăng thêm khoảng 3,5 triệu m2 giai đoạn 2021 - 2030.

Thành phố cảng biển lớn của thế giới vào năm 2050

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Phòng sẽ là thành phố cảng biển lớn trong khu vực và thế giới với ba trụ cột phát triển: dịch vụ cảng biển - logistics; công nghiệp xanh, thông minh, hiện đại và trung tâm du lịch biển quốc tế; quy mô dân số khoảng 4,5 triệu người, có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh.

Người dân được hưởng thụ các dịch vụ xã hội chất lượng cao; hệ thống an sinh xã hội bền vững; dịch vụ trợ giúp xã hội đa dạng và chuyên nghiệp, kịp thời hỗ trợ và bảo vệ các đối tượng dễ bị tổn thương. Các giá trị, bản sắc văn hóa tốt đẹp được giữ gìn, phát huy. Môi trường sống tốt, thân thiện với tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ba đột phá phát triển TP. Hải Phòng

Theo Quy hoạch TP. Hải Phòng, ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển gồm:

Cảng biển và dịch vụ logistics: Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành một trung tâm kết nối quốc tế, có dịch vụ logistics hiện đại; cảng Lạch Huyện và cảng Nam Đồ Sơn thành cụm cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế.

Thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng, trong đó nghiên cứu Khu thương mại tự do với những cơ chế, chính sách đột phá, nổi trội đang được áp dụng tại các khu thương mại tự do thành công trên thế giới.

Chuyển đổi số: Hải Phòng sẽ là địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống của dân cư

Phát triển du lịch: Xây dựng quần thể du lịch biển Cát Bà - Đồ Sơn có sức hấp dẫn cao; kết hợp với Vịnh Hạ Long trở thành trung tâm du lịch biển tầm cỡ quốc tế; hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với biển đảo, các di tích lịch sử, văn hóa; liên kết với các tỉnh Vùng đồng bằng sông Hồng, trở thành trung tâm du lịch kết nối khu vực và thế giới. Phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.

Thành phố Hải Phòng vào năm 2050 như thế nào?- Ảnh 3.

Hải Phòng tập trung 3 nhiệm vụ trọng tâm là cảng biển và dịch vụ logistics, chuyển đổi số và phát triển du lịch (Ảnh: CTV)

Giải pháp và nguồn lực của Hải Phòng

Để hoàn thành tốt các định hướng, các mục tiêu của quy hoạch, TP. Hải Phòng đã đưa ra 9 nhóm giải pháp cụ thể để huy động nguồn lực và triển khai thực hiện, giám sát việc thực hiện quy hoạch, cụ thể: Huy động và sử dụng vốn đầu tư; Phát triển nguồn nhân lực; Bảo vệ môi trường; Khoa học, công nghệ, đối mới sáng tạo và chuyển đổi số; Cơ chế, chính sách liên kết phát triển; Quản lý, kiểm soát phát triển đô thị và nông thôn; Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; Cơ chế chính sách; Tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng đề xuất, kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thành phố. Trong đó, quan tâm, tạo điều kiện để sớm phê duyệt quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển phía Nam Hải Phòng gắn với sân bay Tiên Lãng, cảng Nam Đồ Sơn; xem xét quy hoạch, hoàn thành các thủ tục đầu tư để thành phố xây dựng 2 bến khởi động khu bến cảng Nam Đồ Sơn.

Đưa sân bay Tiên Lãng là sân bay thứ 2 của vùng thủ đô vào quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, xem xét, đồng ý việc phát triển điện gió ngoài khơi tại vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ đến năm 2030 tại huyện Bạch Long Vĩ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top