Tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh
Trong những năm qua, tiến trình đô thị hóa của Việt Nam diễn ra với tốc độ nhanh so với khu vực. Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi dài hạn, có khả năng tạo ra giải pháp đột phá có thể giải quyết những vướng mắc về lâu dài như quản lý công tác quy hoạch, xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…
Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, TP.HCM đã đi tiên phong, tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị liên quan đến việc xây dựng thành phố thông minh.
Được biết, mục tiêu xây dựng đề án Đô thị thông minh được phê duyệt từ năm 2017, nhằm đưa nền kinh tế của TP.HCM phát triển bền vững, góp phần giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng, gây bức xúc kéo dài của thành phố như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm môi trường… Đồng thời, tăng cường khả năng tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp và người dân.
Đề án sẽ được thực hiện trong 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2017 - 2020): Triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh và xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung… Giai đoạn 2 (2020 - 2025): Tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành, một số giải pháp đã được triển khai ở giai đoạn 1 sẽ được mở rộng và cập nhật dữ liệu. Giai đoạn 3 (2025 - 2030): Thành phố sẽ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới…
Theo ý kiến của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân: “Đô thị thông minh có 4 chủ thể gồm: Cơ quan quản lý nhà nước; Doanh nghiệp; Các tổ chức xã hội và Người dân. Tất cả các chủ thể này phải là những chủ thể thông minh. Trong đó, sự tương tác của 4 chủ thể được thực hiện qua 3 môi trường là: Môi trường thực; không gian mạng, internet, viễn thông; con người tương tác với các thiết bị xung quanh mình”.
Tại hội nghị Báo cáo chuyên đề “Xây dựng đô thị thông minh tại TP.HCM và kinh nghiệm từ một số quốc gia”, Tiến sĩ Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố nhận định, việc xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh nhằm tận dụng các thành tựu của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần giúp thành phố vượt qua các thách thức, phát huy các thế mạnh của thành phố. Bên cạnh đó, xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức; quản trị hiệu quả trên cơ sở dự báo; nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc; tăng cường sự tham gia quản lý của người dân, tổ chức…
Những bước đi đầu tiên
Những năm gần đây, các sở, ngành trên địa bàn TP.HCM đã hướng đến mục tiêu đô thị thông minh thông qua việc quản lý, điều hành một số lĩnh vực bằng công nghệ thông tin (CNTT).
Về vấn đề giao thông, Sở GTVT đã thực hiện cảnh báo ngập, kẹt xe qua thiết bị điện tử. Các quận Bình Thạnh, quận 7, quận 9, huyện Nhà Bè… đã triển khai phần mềm trực tuyến trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị trên thiết bị di động. Đây được xem là hệ thống thông tin phản ánh tức thời các vi phạm trong lĩnh vực quản lý trật tự đô thị (gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xây dựng không phép, trái phép…) nhằm hỗ trợ nhân viên tuần tra kiểm tra và cơ quan chức năng có trách nhiệm nắm bắt thông tin, kịp thời xử lý các vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn mình quản lý thông qua hình ảnh, video ngay khi phát hiện vụ việc, kể cả khi không có đội tuần tra tại hiện trường.
Hiện nay, TP.HCM cũng đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào xây dựng chính quyền điện tử, cải cách thủ tục hành chính và liên thông trong điều hành quản lý giữa các đơn vị quản lý ở các lĩnh vực như giao thông, y tế, môi trường, giáo dục.
Tuy nhiên, tính liên thông và đồng bộ chưa cao, dữ liệu liên quan đến các lĩnh vực trên hiện vẫn còn lưu trữ phân tán tại các đơn vị khác nhau và chất lượng dữ liệu cũng là một vấn đề vì nó phụ thuộc vào trình độ, năng lực của nhân viên CNTT tại các cơ quan.
Cũng trong thời gian qua, thành phố đã liên thông hơn 3 triệu văn bản điện tử giữa 750 cơ quan; cấp 21.600 thư điện tử cho các đơn vị và cán bộ, công chức; áp dụng hơn 40 phần mềm quản lý, cung cấp thông tin trực tuyến cho người dân về quản lý đô thị, cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký sử dụng lao động, quản lý hồ sơ chứng thực, đất đai, quản lý khiếu nại - tố cáo…
Sau một năm triển khai, 4 giải pháp trọng tâm của thành phố đã có những kết quả ban đầu. Cụ thể, Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố giai đoạn 1 được đưa vào vận hành từ tháng 1/2019 tại UBND thành phố, trên cơ sở tích hợp thông tin từ hệ thống camera hiện có của Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, các trung tâm; hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp 113, 114 và 115 cùng hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh sự cố hạ tầng kỹ thuật đô thị 1022 vào trung tâm điều hành chung của UBND thành phố.
Theo dự kiến, giai đoạn 1 của Đề án Xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở sẽ đi vào hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung từ quý I/2019. Ðến quý III sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư xây dựng kho dữ liệu dùng chung (giai đoạn 2).
Trên cơ sở đó, những chuẩn mực xây dựng và phát triển đô thị thông minh luôn được tham chiếu trong từng bước chuyển đổi trạng thái ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền thành phố. Trong nghiệp vụ điều hành chính quyền, chính quyền điện tử sẽ giúp thành phố cải thiện, nâng cấp dịch vụ công với việc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Về dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung có thể chia sẻ, kết nối để tối ưu hóa việc khai thác. Về ứng dụng, vừa liên thông dịch vụ công quốc gia, vừa liên thông dịch vụ một cửa điện tử thành phố. Về công nghệ, ưu tiên sử dụng công nghệ nguồn mở.
Cũng trong tháng 1/2019, TP.HCM sẽ công bố thành lập Phòng mô phỏng dự báo kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 1 tại Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, tổ chức phê duyệt báo cáo tiền khả thi xây dựng Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội trong quý I năm 2019.
Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020 sẽ mô phỏng xu hướng phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đối với các lĩnh vực có liên quan đến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu thuộc giai đoạn 2015 - 2020 của thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan có liên quan.
Đối với giai đoạn 2021 trở đi, Trung tâm mở rộng phạm vi mô phỏng xu hướng phát triển đối với tất cả lĩnh vực thuộc Ðề án Ðô thị thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Thành ủy, UBND thành phố và các cơ quan có liên quan. Nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu thông tin cần thiết phục vụ công tác ra quyết định của lãnh đạo thành phố.
Từ đô thị sáng tạo đến đô thị thông minh
Sở Thông tin và Truyền thông cũng cho hay, trong quý III/2019, thành phố sẽ phê duyệt khung kiến trúc đô thị thông minh, triển khai trên toàn thành phố.
Song song với việc thiết lập những Trung tâm này, TP.HCM cũng đặt đề án khu đô thị sáng tạo nằm trong đề án phát triển đô thị thông minh của thành phố. Theo đó, dự kiến khu đô thị sáng tạo sẽ được hình thành trên địa bàn ba quận gồm: quận 2, quận 9, quận Thủ Đức với diện tích 212km2, dân số khoảng 943.390 người. Đến nay, cả 3 quận này đang quy tụ nhiều tiện ích và sở hữu những điều kiện mà các quận khác tại TP.HCM không có.
Đồng thời, Khu đô thị sáng tạo còn là nơi sẽ “ươm mầm” hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, cung cấp những tiện ích và dịch vụ mới phục vụ người dân...
Lãnh đạo thành phố cho biết, nguồn vốn để xây dựng đô thị thông minh sẽ được thực hiện trên tinh thần xã hội hóa, tiết kiệm ngân sách tối đa. Tuy nhiên, đây là một quá trình liên tục và mang tính chất mở, đòi hỏi phải có sự chung tay của các nguồn lực xã hội. Do đó, thành phố mong muốn nhận được các ý kiến đóng góp, hiến kế từ người dân và doanh nghiệp về các giải pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai xây dựng thành công đô thị thông minh.