Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, xây dựng thành phố thông minh với các giải pháp kết nối qua di động, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp sẽ cứu sống khoảng 5.000 người mỗi năm khỏi các vụ tai nạn giao thông, hỏa hoạn, giết người. Các giải pháp giao thông và vận chuyển thông minh giúp tiết kiệm thời gian tương đương với với giờ lao động của 8 triệu người trong khu vực.
Đối với dịch vụ y tế thông minh sẽ giảm áp lực khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế, gián tiếp giúp nâng cao tuổi thọ, tăng thời gian sống khỏe mạnh của con người. Các giải pháp thành phố thông minh có thể loại bỏ khoảng 270.000kg khí thải nhà kính mỗi năm. Ngoài ra, giúp người dân có thể tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt, giảm các tác nhân từ môi trường… Xu hướng thành phố thông minh có thể giúp các thành phố trong khu vực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Không nằm ngoài guồng quay của thế giới, Việt Nam cũng đang phấn đấu xây dựng một số thành phố theo mô hình thành phố thông minh (Smart City). Đặc biệt, Thủ đô Hà Nội đang triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành thành phố thông minh, phát triển năng động, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa có một mô hình mẫu hay một quy chuẩn chung về thành phố thông minh. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ… đã tổ chức nhiều hội thảo về xây dựng thành phố thông minh để thu hút ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước, nhất là các mô hình, giải pháp, cách thức tổ chức xây dựng thành phố thông minh phù hợp với Việt Nam với kỳ vọng sẽ có thêm nhiều sáng kiến, kinh nghiệm của các chuyên gia về xây dựng thành phố thông minh.
Thống kê cho thấy, hiện Việt Nam có 813 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đang tăng rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM đã có dân số đô thị chiếm xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Có thể nói, tiềm năng phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả mô hình thì phụ thuộc rất nhiều yếu tố, từ quy hoạch, thiết chế, đầu tư, sản phẩm sử dụng,… đến quản lý, vận hành. Đây cũng là áp lực vô cùng lớn lên hệ thống công trình cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống, đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng được xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng, làm tiền đề cho sự ra đời và phát triển các đô thị thông minh, giúp cộng đồng dân cư phát triển bền vững.
TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích, một đô thị thông minh phải hội tụ đủ: Kinh tế thông minh (phát triển bền vững, có năng lực cạnh tranh), kết cấu hạ tầng thông minh (giao thông, dịch vụ đồng bộ, phúc lợi công cộng, môi trường an toàn, giáo dục, văn hoá, lao động việc làm, phân phối...), cư dân thông minh, tài nguyên thiên nhiên, cuộc sống thông minh (chất lượng sống tốt cho mọi cư dân) và không thể thiếu là quản lý đô thị cũng là quản lý thông minh.
"Hiện nay, chúng ta mới đang nói và tập trung nhiều vào vấn đề quản lý thông minh, muốn làm được điều này thì phải có những yêu cầu mới. Điều trước hết là chính quyền phải tạo ra một thể chế quản lý thông minh. Tôi ví dụ, chúng ta đang được trải nghiệm và thụ hưởng thành tựu công nghệ internet, một ngày có vô vàn những thông tin được tung ra, trong đó có cả những thông tin ảo, thông tin sai sự thật, nhưng nếu không có cơ chế để quản lý, kiểm duyệt và tỉnh táo tiếp nhận thì sẽ bị rơi vào chính "ma trận" công nghệ. Vì thế, trước hết cần phải xây dựng được một không gian sống thông minh với những con người thông minh", ông Nghiêm nhấn mạnh.
Theo chương trình Hội nghị Bất động sản Quốc tế - IREC 2018, các chuyên gia quốc tế và trong nước sẽ tập trung trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với chủ đề quan trọng là giới thiệu "Thành phố thông minh - Thành phố hạnh phúc". Với các nội dung chủ đề như: Các vấn đề về chính sách, cho xây dựng đô thị thông minh; Làm thế nào để xây dựng một chương trình đô thị thông minh hiệu quả; Đánh giá mức độ thông minh và bền vững của đô thị;... |