TP Thủ Đức: Mô hình tiên phong của đô thị hiện đại
Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quy hoạch chung, Sở QH-KT cho biết, hiện nay TP.HCM đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong báo cáo định hướng điều chỉnh quy hoạch chung đã được Ban Thường vụ Thành ủy và Ban chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua, đến năm 2060, TP. Thủ Đức sẽ là thành phố đổi mới sáng tạo, phát triển năng động, tiên phong trong vùng đô thị lớn. Dân số dự kiến từ 2,4 đến 3 triệu người, gấp đôi dân số hiện tại.
Cùng thời điểm này, Sở Xây dựng cũng đang chuẩn bị chương trình phát triển nhà giai đoạn 2021 - 2030 phù hợp với điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.
Theo ông Phạm Đăng Hồ - Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng, trong vòng 10 năm (2009 - 2020), diện tích nhà ở bình quân tại TP.HCM tăng từ hơn 16,6m2 lên hơn 20m2 trên đầu người. Trong định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng tính toán diện tích bình quân đầu người sẽ tăng lên hơn 26m2.
Hiện nay trên địa bàn thành phố, nhà dân tự xây vẫn chiếm đa số trong cơ cấu nhà ở. Cụ thể, trong giai đoạn 2015 - 2020, con số này chiếm tới 80% cơ cấu nhà ở, trong khi nhà ở thương mại chỉ có khoảng 19% và nhà ở xã hội chỉ chiếm 1%. Đến giai đoạn 2026 - 2020, con số này lần lượt là 72%, 25% và 3%.
Sẽ có các khu ở phù hợp với từng khu vực
Liên quan đến định hướng nhà ở cho TP. Thủ Đức, ông Hồ cho hay, TP. Thủ Đức được thành lập dựa trên việc sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức, vốn thuộc phạm vi 12 quận nội thành phát triển. Vì vậy, khi thành phố ra đời thì cũng thuộc khu vực nội thành phát triển. Do vậy, vẫn phải đảm bảo bài toán phát triển nhà ở nhưng cũng phải có động lực mới để phát triển nhà ở trong thời gian tới.
Lõi của TP. Thủ Đức sẽ có ba trung tâm động lực chính là Khu công nghệ cao, ĐH Quốc gia và khu đô thị (KĐT) Thủ Thiêm. Theo đó, sẽ có các bài toán nhà ở phù hợp với từng khu vực. Cụ thể, với KĐT mới Thủ Thiêm sẽ phát triển các loại hình nhà ở cao tầng vì giáp trung tâm quận 1. Trong khi Khu công nghệ cao sẽ phát triển các loại hình nhà ở cho chuyên gia, công nhân có chất lượng cao, có tác phong công nghiệp và những khu nhà ở có thể nghỉ dưỡng, sinh thái hoặc đô thị thông minh.
Đối với khu vực lõi xung quanh ĐH Quốc gia sẽ là nhà ở cho sinh viên, giáo viên, công chức và những khu đại học sẽ phát triển trong tương lai. “Ngoài ra, trung tâm của TP. Thủ Đức là phường Trường Thọ cũng sẽ được quy hoạch lại trên cơ sở sắp xếp các quỹ đất trống để phát triển thành các trung tâm mới, ông Hồ thông tin.
Rút kinh nghiệm về bài học phát triển nhà ở của các giai đoạn trước, việc phát triển nhà ở cần phải dựa trên việc đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tránh trường hợp hạ tầng chưa có, khi nhà ở mọc lên sẽ gây quá tải lên hạ tầng hiện hữu, kẹt xe, ngập nước…
Ba nhóm giải pháp phát triển nhà ở đến năm 2030
Sở Xây dựng đã nêu ra ba nhóm giải pháp phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020. Nhóm 1 là giải pháp theo từng loại hình nhà ở. Trong đó, đối với nhà ở thương mại, giải pháp là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng. Đối với nhà ở xã hội sẽ đa dạng hóa các phương thức đầu tư; nhà nước tạo quỹ đất và đầu tư xây dựng để tạo quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; sử dụng quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở có quy mô trên 10 ha theo quy định. Đối với nhà dân tự xây dựng thì thành phố sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục xây dựng, hoàn thành thiết kế đô thị trên các tuyến đường chính để hướng đến việc miễn giấy phép xây dựng.
Nhóm 2 là nhà nằm trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị. Trong đó bao gồm di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, cải tạo, đầu tư xây dựng mới chung cư cũ; phát triển đồng bộ hạ tầng.
Nhóm 3 là phát triển nhà ở theo khu vực. Cụ thể, khu vực trung tâm hiện hữu sẽ tăng chỉ tiêu quy hoạch như hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng cho việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ, hạn chế phát triển nhà cao tầng.
Khu vực nội thành hiện hữu hạn chế chấp thuận đầu tư các dự án chung cư nếu chưa đủ hạ tầng hoặc tiếp tục đầu tư hạ tầng để kêu gọi đầu tư dự án phát triển nhà ở. Khu vực nội thành phát triển sẽ phát triển các dự án nhà ở mới, chung cư cao tầng, phát triển nhà ở xã hội, hạn chế chấp thuận dự án nơi chưa đủ hạ tầng.
Khu vực năm huyện ngoại thành phát triển nhà ở theo dự án tại các khu vực thị trấn, khu dân cư nông thôn; phát triển KĐT ở kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng, KĐT mới, đô thị vệ tinh…