Aa

Chủ đầu tư “om” quỹ bảo trì, Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc yêu cầu trả lại hàng trăm tỷ đồng

Thứ Ba, 13/07/2021 - 10:01

Với kết quả của 18 cuộc thanh tra liên tiếp về phí bảo trì tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã yêu cầu 12 chủ đầu tư phải trả lại hơn 338 tỷ đồng cho Ban quản trị nhà chung cư.

Từ cuối năm 2020 đến nay, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tiến hành liên tiếp 18 cuộc thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị đã được thành lập trên tổng số 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư có nhiều đơn khiếu nại gay gắt kéo dài trên địa bàn TP. Hà Nội liên quan đến công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư.

Về kết quả của 18 kết luận thanh tra này, chia sẻ với Reatimes, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, Thanh tra Bộ đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là 338.607.100.000 đồng.

Trong đó, yêu cầu 7/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định; phải chuyển sang tài khoản cho ban quản trị; phải quyết toán số liệu để chuyển sang cho ban quản trị, tổng số tiền là 251.700.404.736 đồng. Đồng thời yêu cầu 5/18 chủ đầu tư phải chuyển kinh phí bảo trì đối với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại (theo tỷ lệ thống nhất giữa chủ đầu tư và ban quản trị), số tiền là 86.906.695.264 đồng.

chủ đầu tư om quỹ bảo trì
Tranh chấp phí bảo trì chung cư là một trong những tranh chấp kéo dài, gây bức xúc giữa cư dân và chủ đầu tư trong thời gian qua (Ảnh: TL)

Cũng theo các kết luận thanh tra này, chủ đầu tư buộc phải trả lại cho người dân 2.080m2 thuộc sở hữu chung đã chiếm dụng. Cùng với đó, 8 chủ đầu tư bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1,03 tỷ đồng. Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng cảnh cáo một số chủ đầu tư do cung cấp hồ sơ tài liệu không đầy đủ, thiếu trung thực.

Ngoài ra, qua quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã phát hiện ra 26 hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nói riêng và công tác quản lý sử dụng nhà chung cư nói chung. Trong đó có 23/26 hành vi chưa có trong quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, 3 hành vi đã có quy định nhưng mức xử phạt thấp không đủ tính răn đe.

Do đó, Đoàn Thanh tra kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở (Công tác: Quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; quản lý sử dụng nhà chung cư) và kiến nghị nâng mức xử phạt một số hành vi vi phạm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật.

chánh thanh tra bộ xây dựng
Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn.

Nói sâu hơn về các hành vi vi phạm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, về việc quản lý kinh phí bảo trì, nhiều chủ đầu tư chưa mở hoặc chậm mở tài khoản kinh phí bảo trì trong thời gian 7 ngày kể từ ngày thu kinh phí của khách hàng để tạm quản lý, hoặc mở tài khoản nhưng không thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở chung cư đó biết. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn, gây bức xúc cho cư dân.

Về việc lấn chiếm diện tích thuộc sở hữu chung, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho hay, quá trình sử dụng nhà chung cư, người sử dụng nhà chung cư có hành vi chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật, lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức, tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư, sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng, sử dụng sai mục đích phần diện tích thuộc sở hữu chung hoặc phần diện tích làm dịch vụ trong nhà chung cư hỗn hợp.

Liên quan đến lý do khiến việc đơn thư khiếu nại kéo dài, Thanh tra Bộ Xây dựng lý giải, do chủ đầu tư trì hoãn, kéo dài thời gian phải bàn giao, cố tình chiếm dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư dẫn đến việc tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, cư dân biểu tình gây mất an ninh trật tự, căng băng rôn tại nhà chung cư và các cơ quan chức năng gây mất mỹ quan đô thị, trong đó trách nhiệm chính thuộc chủ đầu tư, một phần trách nhiệm thuộc cư dân (khi chưa có ban quản trị) và ban quản trị nhà chung cư.

Sau khi kết thúc thanh tra, đã có 12 ban quản trị nhà chung cư và Tổ cư dân thuộc các nhà chung cư khác trên địa bàn TP. Hà Nội có đơn phản ánh gửi Thanh tra Bộ đề nghị thanh tra đối với chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì, quản lý sử dụng nhà chung cư nhằm đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho cư dân nhà chung cư, "để đảm bảo mọi công dân đều bình đẳng và tuân thủ pháp luật". Việc này Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu để thực hiện theo quy định.

Trước đó, kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt vi phạm, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung tại các dự án ở Hà Nội như: Mulberry Lane của Công ty TNHH CapitaLand - Hoàng Thành; 3 dự án của Công ty CP Đầu tư Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà 7; Dự án 90 Nguyễn Tuân; Dự án nhà ở cho cán bộ nhân viên của Thông tấn xã Việt Nam ở khu Kim Văn Kim Lũ; Dự án Cụm chung cư Văn phòng Quốc hội…

Ngoài ra còn có các dự án: Tòa nhà CT2-105 và Nhà ở cao tầng để bán đối với lô đất N023 nằm ở dọc trục đường 5 kéo dài; 2 dự án của Công ty CP Tập đoàn Bắc Hà; Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai tại khu chung cư HH02; Công ty CP Tập đoàn Nam Mê Kông tại 2 dự án ở khu Trung Văn...

Qua việc tổ chức thanh tra 24 nhà chung cư, cụm nhà chung cư, ban hành 18 kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Lãnh đạo Bộ Xây dựng ban hành văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố trên toàn quốc có nhiều nhà chung cư về việc chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư nhằm giải quyết triệt để các tranh chấp, đơn thư khiếu nại kéo dài, tình trạng cư dân biểu tình, căng băng rôn tại nhà chung cư và các cơ quan chức năng gây mất mỹ quan đô thị, mất an ninh trật tự xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top