LTS: Quá trình cổ phần hóa (CPH) tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chủ trương lớn, với mong muốn đem lại nhiều kết quả tích cực như huy động được nhiều nguồn lực của xã hội để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và làm tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp CPH. Trong những năm qua, việc CPH DNNN đang được triển khai và có những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, xét về tổng thể tiến độ CPH, thoái vốn, phê duyệt phương án cơ cấu lại DNNN đều chậm so với kế hoạch. Cùng với đó, cơ quan thanh tra đã chỉ ra nhiều vụ việc trong quá trình CPH các DNNN vẫn còn tồn tại nhiều vi phạm, thiếu sót gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.
Trong đó, vấn đề nổi cộm là quản lý đất đai khi và sau khi CPH không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để CPH, xác định giá trị quyền sử dụng đất khi thay đổi quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của doanh nghiệp sau CPH. Điều này đã tạo cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân có liên quan trục lợi tham nhũng hay dễ dàng thâu tóm những lô "đất vàng".
Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài: Thanh tra Chính phủ kết luận Vinasport có nhiều sai phạm gây lãng phí đất đai, thất thoát Ngân sách Nhà nước
Trân trọng giới thiệu tới độc giả!
Nhiều sai phạm về đất đai
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết quả thanh tra Công ty Cổ phần Thể dục Thể thao Việt Nam (Vinasport), trong đó nêu rõ việc công ty này đã vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến đất đai, tài chính.
Theo kết luận thanh tra, năm 2006, khi cổ phần hoá, Vinasport đã không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất. Việc bàn giao DNNN sang công ty cổ phần chưa được thực hiện. Vinasport hợp tác cùng một tập đoàn chuyển đổi khu đất ở Cầu Diễn, Hà Nội nhưng không báo cáo về tổng mức đầu tư, năng lực thực hiện, vốn góp dự án... Tuy nhiên, đơn vị chủ quản hồi đó của Vinasport vẫn chấp thuận.
Tổng giám đốc Vinasport phê duyệt giá trị lợi nhuận trả trước để HĐQT cùng ký vào nghị quyết. Thanh tra Chính phủ đánh giá, công văn báo cáo của Vinasport gửi đến Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch "là cố ý báo cáo sai về nội dung, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hợp tác đầu tư".
Với các hợp đồng đầu tư tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport ký hợp tác với Công ty Megastar nhưng không tổ chức đàm phán. Nhiều nội dung trong hợp đồng không phù hợp với nội dung của hồ sơ mời thầu dẫn đến dự án không thực hiện theo cam kết. Việc này khiến không thể chấm dứt hợp đồng và dự án đến nay chưa được triển khai.
Vẫn tại khu đất 181 Nguyễn Huy Tưởng, Vinasport còn ký hợp đồng với Công ty HBI thuê lại mặt bằng nên bị cơ quan thanh tra đánh giá là sử dụng đất sai mục đích. Ngoài ra, giá cho thuê cũng thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế với diện tích đất sử dụng sai mục đích là hơn 2,7 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra còn chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan quản lý, sử dụng các lô "đất vàng" của Vinasport ở Hàng Cháo, Nguyễn Huy Tưởng, Cầu Diễn... Cụ thể, quá trình hợp tác đầu tư tại dự án 181 Nguyễn Huy Tưởng không thực hiện được nên một số tài sản bị phá dỡ, gây thiệt hại hơn 7,4 tỷ đồng cho vốn doanh nghiệp.
Từ các vấn đề trên, Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch sắp xếp lại các cơ sở nhà đất của Vinasport. Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Cục Thuế Hà Nội xử lý các hành vi sai trái của Vinasport với đất chưa kê khai, đất cho thuê sai mục đích và truy thu số tiền thuế đất phải nộp.
Cố ý làm trái với quy định của Nhà nước
Theo kết luận thanh tra, việc CPH Công ty Thể dục Thể thao Việt Nam được thực hiện năm 2006 từ thời điểm thuộc Ủy ban Thể dục Thể thao. Tuy nhiên, tại thời điểm CPH, công ty chưa thực hiện việc nộp tiền thu được từ CPH về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Bộ Tài chính. Khi CPH không có phương án quản lý, sử dụng các cơ sở nhà đất, việc tổ chức bàn giao DNNN sang công ty cổ phần chưa được thực hiện.
Vinasport chưa thực hiện việc nộp tiền thu từ CPH về Ngân sách Nhà nước, chưa thực hiện nộp số tiền cổ tức phải trả cho Nhà nước 2 tỷ đồng. Đồng thời, việc cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty là cố ý làm trái với quy định của Nhà nước. Việc cử người đại diện không đảm bảo quy định của Nhà nước làm tình hình công ty bất ổn trong thời gian dài, mất đoàn kết nội bộ, hiệu quả kinh doanh thấp, mất vốn Nhà nước.
Việc miễn nhiệm người đại diện chưa được giải quyết dứt điểm. 2/3 người đại diện là ông Nguyễn Ngọc Thạch và ông Lê Hồng Nam năm 2019 bị kỷ luật về Đảng. Cùng với đó, Ban cán sự Đảng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có 2 Nghị quyết miễn nhiệm, kỷ luật với hai người này nhưng từ thời điểm đó đến thời điểm thanh tra tháng 12/2021, hai người đại diện vẫn chưa bị miễn nhiệm, ông Thạch và ông Lam vẫn làm Chủ tịch HĐQT công ty.
Kết luận thanh tra chỉ rõ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch không thực hiện nghiêm Nghị quyết của Ban cán sự và các quy định của Đảng, vi phạm quy định của ban Chấp hành Trung ương Đảng. Trách nhiệm thuộc về Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ.
Đối với việc chấp hành quy định từ sau khi cổ phần hóa đến 30/6/2021, Vinasport chưa xây dựng, sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính, còn nợ 1.596 tỷ đồng tiền thuế.
Việc giao dịch mua, bán cổ phần giữa Phạm Quang Anh và Nguyễn Hoàng Long, trong khi ông Long đang trong thời gian bị giam giữ không vi phạm điểm d khoản 1 Điều 110 và khoản 2 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014
Cũng theo kết luận thanh tra, Vinasport xuất đạn cho Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao Vĩnh Phúc là trái pháp luật, không có hợp đồng, không có khả năng thu hồi gây thất thoát 1,4 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc Tổng giám đốc và người đại diện phần vốn Nhà nước giai đoạn 2009 - 2012.
Vinasport chuyển tiền trước cho hãng ASIA 150.000 EURO khi chưa có kết quả trúng thầu là việc tùy tiện, cố ý làm trái quy định của Nhà nước, không có khả năng thu hồi, làm mất vốn. Trách nhiệm thuộc Tổng giám đốc và người đại diện phần vốn Nhà nước giai đoạn 2013.
Bên cạnh đó, Vinasport mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc với số tiền 4,8 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm thuộc Tổng giám đốc và người đại diện phần vốn Nhà nước năm 2015. Ngoài ra còn thất thoát khoản 1 tỷ đồng chuyển cho công ty Nam Đô về việc nhận chuyển nhượng 6.000m2 đất tại khu công nghiệp.
Trước những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển thông tin đến Bộ Công an để tiếp tục điều tra làm rõ những khoản tiền bị thất thoát liên quan việc xuất đạn cho Trung tâm Huấn luyện thể dục, thể thao Vĩnh Phúc gây thất thoát 1,4 tỷ đồng của Vinasport; trả trước 150.000 EURO cho Hãng ASIA; chi phí cho công ty Nam Đô 1 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Công an điều tra một số nội dung liên quan các khoản công nợ phải thu và các hợp đồng cho thuê mặt bằng, nhà xưởng trái quy định đối với công ty HBI.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ từ năm 2007 đến năm 2021 về những tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm, sai phạm trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước, việc chấp hành các quy định của pháp luật tại Vinasport. Tổng cục Thể dục Thể thao (Ủy ban Thể dục Thể thao Việt Nam) cần kiểm điểm nghiêm túc đối với tập thể và cá nhân trước đây đã để xảy ra tồn tại, thiếu sót, khuyết điểm và sai phạm.
Cần đưa giá trị quyền sử dụng đất và cả quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH
TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, đất đai là nguồn lực công lớn và sai phạm trong quản lý đất đai là phổ biến, kéo dài có nguyên nhân cả từ sự bất cập của luật định và từ triển khai chúng vào thực tiễn quản lý đất đai. Ngăn chặn thất thoát nguồn lực đất đai trước hết cần gắn với việc tiếp tục hoàn thiện Luật Đất đai và các luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; coi trọng chất lượng và tăng cường công khai quy hoạch sử dụng đất đai trên toàn quốc; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến đấu giá đất… Hơn nữa, cần đưa giá trị quyền sử dụng đất và cả quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất.
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, tham nhũng đất đai, cùng với tham nhũng trong công tác cán bộ, tham nhũng trong đầu tư công và những biểu hiện tham nhũng khác là những kẻ thù nội xâm nguy hiểm, không chỉ trực tiếp làm thất thoát tài sản công và lệch lạc các nguồn lực đầu tư xã hội cần thiết, mà còn làm mất lòng tin vào chế độ, cài cắm những cách nghĩ, hành xử kéo dài hàng thế hệ, gây tổn hại chung cho sự nghiệp và lợi ích quốc gia.
"Nhận diện các sai phạm, hạn chế và tích cực phòng chống tham nhũng đất đai là góp phần đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng quản trị, bảo đảm vốn Nhà nước và tài sản công được quản lý chặt chẽ và sử dụng có lợi nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đầy đủ ở nước ta", TS. Nguyễn Minh Phong cho biết.
Phương pháp xác định giá đất vẫn còn hạn chế
Theo các chuyên gia kinh tế, trong lĩnh vực giá đất vẫn còn một số tồn tại như quy định về phương pháp định giá đất chưa phù hợp thực tiễn có thể kể đến phương pháp định giá đất theo hệ số điều chỉnh giá đất (không phản ánh được các yếu tố hình thành giá đất); một số loại đất, khu vực không có thông tin về giá đất chuyển nhượng trên thị trường hoặc nơi có thị trường nhưng thông tin giá đất thị trường độ tin cậy không cao gây khó khăn trong việc định giá đất (người dân thường kê khai giá chuyển nhượng thấp hơn giá thực tế để giảm thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất); chưa có dữ liệu về giá đất thị trường để thuận lợi cho thực hiện xác định giá đất. Hiện tại, việc định giá đất cụ thể áp dụng theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất và 4 phương pháp so sánh trực tiếp, chiết trừ, thu nhập, thặng dư.
Các phương pháp đang có sự chênh lệch về kết quả, đặc biệt đối với các loại đất có giá trị thương mại cao tại khu vực đô thị, khu vực đang đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng. Đồng thời, việc tổ chức thực hiện định giá đất cụ thể trong một số trường hợp còn chậm, kéo dài, chưa đáp ứng kịp thời về tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan đến định giá đất tại một số địa phương chưa tốt. Đặc biệt, trình độ, năng lực thực hiện định giá đất của cán bộ định giá đất và của Hội đồng thẩm định giá còn hạn chế. Hội đồng thẩm định giá đất hoạt động kiêm nhiệm nên khó khăn về thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian định giá đất. Mặt khác, do chưa có hướng dẫn về phương pháp, kỹ thuật định giá đất hàng loạt, các thẩm định viên gặp khó khăn khi tư vấn xây dựng bảng giá đất do các tỉnh, thành phố quy định.