Ông Nguyễn Trung Thực, chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt - Đức đã thốt lên như thế tại hội thảo "Để công tác thanh, kiểm tra tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển" tổ chức ngày hôm qua.
Theo khảo sát VCCI, có đến 40% doanh nghiệp bị kiểm tra 2 lần mỗi năm. Doanh nghiệp bị cơ quan thuế, cảnh sát phòng cháy chữa cháy và quản lý thị trường thanh, kiểm tra nhiều nhất với tỷ lệ lần lượt là 43%, 30% và 20% số doanh nghiệp!
Nhiều khi thanh tra là nỗi ám ảnh, nhiều lúc thanh tra bị xem như “hành hạ”, nhiều thời điểm thanh tra bị mặc định là nguyên nhân khiến hoạt động của doanh nghiệp đình trệ. Lẽ ra phải khác hoàn toàn và những gì thanh tra đến, làm việc rồi đi sẽ để lại một Công ty với tài chính lành mạnh, phát triển tốt hơn. Nhưng đổi lại là những lời ca thán như của ông Thực và nhiều ông Y, bà A, anh C… khác.
Chúng ta hãy nghe TS. Vũ Đình Ánh chua xót: “Tôi ngồi với doanh nghiệp, họ sợ nhất ai các anh chị biết không? Là thanh tra môi trường, vì kiểu gì họ cũng phát hiện ra vi phạm về môi trường. Loại thanh tra thứ hai doanh nghiệp khiếp là phòng cháy chữa cháy. Không phải Thanh tra Chính phủ đâu, doanh nghiệp sợ nhất môi trường và phòng cháy chữa cháy, vì kiểu gì cũng bị phát hiên ra sai phạm và xử phạt; còn phạt bao nhiêu là chuyện khác”.
Do cơ chế, do lợi dụng chính sách và do cả kẽ hở của pháp luật nên đụng đâu thanh tra cũng có thể vào cuộc, vụ việc nào cũng dễ có mặt đến thanh tra! TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Chiến lược và khoa học thanh tra lý giải: “Khi xem luật, chúng ta sẽ thấy có trường hợp 10 ông thanh tra vào vẫn đúng. Ví dụ như một doanh nghiệp xây trường học, những ông nào vào được? Ông giáo dục vào được, ông xây dựng vào được, ông đầu tư vào được, ông thanh tra địa phương cũng vào được. Nó chồng chéo ở chỗ đó”.
Thanh tra không xấu, thanh tra vẫn cần thiết trong xã hội hiện tại và thanh tra rất cần để chỉ mặt điểm tên những sai phạm. Nhưng thanh tra không phải để “thank you” theo những ý nghĩa mỉa mai nhất, thanh tra càng không phải là đơn vị chỉ đến rồi làm khó dễ doanh nghiệp vì lý do A, B, C, D nào đó ngooài những điều tốt lành và đúng luật. Những thứ phải “thank you” ấy rồi sẽ trút lên đầu doanh nghiệp, tính vào giá thành và nơi cuối cùng hứng chịu vẫn là khách hàng - nhân dân!
Tháng 5/2016 Thủ tướng đã phải chỉ đạo chấn chỉnh việc 'doanh nghiệp một tháng đón 4 đoàn kiểm tra'. Đến tháng 3/2019, tình hình vẫn như trên! Vẫn nhiều lời ca thán, ngại ngùng và e sợ khi nhắc đến thanh tra cùng “thank you”. Cho đến khi nào là lời cảm ơn chân thành với tận tâm thực sự chứ không phải “thank you” hiểu sao cũng được? Chờ đến bao giờ mới thôi cảnh đoàn này chưa đi thanh tra khác đã vào?
Tôi thích câu nói của TS Minh “mục tiêu đầu tiên của công tác thanh tra là để hoàn thiện cơ chế, chính sách. Thanh tra không phải là tóm tóc, vạch mặt”. Tôi nghĩ mục đích cuối cùng của thanh tra cũng chẳng thể là được “thank you”. Quy trình hoàn thiện, chính sách đúng đắn, cơ chế chặt chẽ và chế tài nghiêm minh sẽ không còn đường cho cả doanh nghiệp và thanh tra “thank you” nhau. Nhưng chờ đến bao giờ mới có một tương lai lý tưởng như thế hay vài năm sau lại tiếp tục là hội thảo và hỏi nhau những câu tương tự ?