Đầu năm 2018, Bộ Xây dựng công bố danh sách hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản sẽ bị thanh tra trong năm. Theo danh sách, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra 12 doanh nghiệp. Cụ thể, tại Cty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Tập đoàn Geleximco), Bộ Xây dựng sẽ thanh tra một số dự án tại Hà Nội, Hòa Bình, Quảng Ninh. Tại Cty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM Group), Bộ Xây dựng sẽ thanh tra Khu đô thị Hùng Thắng, chung cư Green Bay; Hạ Long Marine Plaza. Tại Tập đoàn Bitexco, Bộ Xây dựng sẽ thanh tra Khu đô thị The Manor Central Park...
Trong danh sách dự phòng có: Liên danh Constrexim 1 Thái Hà và Bộ Công an; Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt. Nội dung thanh tra là hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định pháp luật về nhà ở của các tổng công ty, công ty, đơn vị thành viên và các liên danh tại một số dự án.
Thời điểm đó, khi Bộ Xây dựng đưa ra danh sách, không ít các doanh nghiệp bất động sản lao đao vì bị khách hàng gọi điện liên tục do lo sợ doanh nghiệp dính sai phạm dù ngay cả Bộ Xây dựng cũng lên tiếng việc thanh tra chỉ là việc làm thường niên. Cả năm 2018, Bộ Xây dựng không có đưa kết luận thanh tra nào lên website của bộ hay cung cấp cho báo chí.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng, các kết luận thanh tra đều được công khai theo quy định của Luật Thanh tra. Cụ thể, Bộ Xây dựng lựa chọn hình thức công bố tại cơ quan tiến hành thanh tra thay vì công bố trên website hay báo chí.
Một doanh nghiệp có tên trong danh sách thanh tra trong năm 2019 cho biết, mấy hôm nay nhiều khách hàng mua nhà hoang mang không dám xuống tiền bởi lo sợ doanh nghiệp bị thanh tra.
Cần có chế tài
Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng, việc thanh tra các doanh nghiệp địa ốc hằng năm là đúng nhưng sau thanh tra phải công bố rộng rãi để người mua nhà biết được doanh nghiệp nào làm ăn tốt, doanh nghiệp nào làm ăn không tốt. Tuy nhiên, hiện, không hiểu lý do gì có những doanh nghiệp bị công khai, có doanh nghiệp không công khai khi có kết luận. Điều này là không sòng phẳng.
Theo ông Võ, hiện chưa có chế tài đối với việc cơ quan thanh tra hoàn thành quá trình thanh tra và có kết luận nhưng không thực hiện công bố kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, luật quy định công bố kết luận thanh tra cùng với thành phần của đoàn thanh tra tại cơ quan tiến hành thanh tra với ba phương thức lựa chọn: qua báo chí, bảng điện tử và thông báo tại nơi làm việc, mới chỉ được áp dụng qua hai phương thức sau, phương thức công bố báo chí hầu như chưa được áp dụng.
“Theo tôi cần phải sửa luật để viêc công bố thông tin kết luận thanh tra được minh bạch và người dân được biết để giám sát. Cần quy định chế tài xử lý cụ thể đối với người có trách nhiệm không thực hiện việc công khai hoặc công khai không đúng, không đủ nội dung của kết luận thanh tra theo đúng quy định pháp luật”, ông Võ nói.
Cụ thể, trong năm 2018, Thanh tra Bộ Xây dựng đã triển khai 93 đoàn thanh tra, ban hành 72 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế 927,5 tỷ đồng. Ðầu năm 2019, Bộ Xây dựng đưa ra danh sách 90 doanh nghiệp phải thanh tra với các tên tuổi: MBLand, Mipec, Lạc Hồng, P.H Nha Trang... |