Aa

Thanh Xuân: Sau hơn một năm, các sai phạm trên địa bàn quận Thanh Xuân ra sao?

Thứ Bảy, 19/09/2020 - 07:50

Hơn 1 năm sau phiên giải trình công tác quản lý TTXD do Hà Nội tổ chức ngày 25/3/2019, các sai phạm trên địa bàn Thanh Xuân vẫn ngang nhiên tồn tại dù CT quận Thanh Xuân - Nguyễn Xuân Lưu khẳng định sẽ xử lý quyết liệt.

Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Giải trình năm 2019, lãnh đạo quận Thanh Xuân quyết tâm xử lý sai phạm TTXD trên địa bàn

Sáng 25/3/2019, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Qua theo dõi báo cáo cho thấy, tỷ lệ công trình có phép tăng qua từng năm: Năm 2016 đạt 95,61%, năm 2017 đạt 95,61% và năm 2018 đạt 97,9%. Trong khi, tỷ lệ công trình vi phạm TTXD giảm qua từng năm: Năm 2016 có 2.469 trường hợp, chiếm 13,5%; năm 2017 có 1.916 trường hợp, chiếm 10,99% và năm 2018 có 1.065 trường hợp, chiếm 5,22%.

Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND Thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhận định, bên cạnh những kết quả đã đạt được, TP vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề hạn chế nảy sinh phải tập trung giải quyết trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Thủ đô, đó là: Công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển đô thị ở một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu độ thị hóa cao; công tác quản lý đất đai, quản lý TTXD có mặt còn hạn chế, yếu kém.

Những vi phạm về quản lý quy hoạch như mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc theo dự án được duyệt vẫn còn xảy ra gây bức xúc trong dư luận và nhân dân; tiến độ xử lý còn chậm. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm tại các quận, huyện, thị xã, một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý giải quyết kịp thời triệt để. Trên địa bàn TP vẫn còn một số công trình nhà “siêu mỏng, siêu méo” tồn đọng cũ chưa được giải quyết; đồng thời tiếp tục phát sinh thêm các thửa đất, công trình “siêu mỏng, siêu méo” trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan chung của TP.

Tại phiên giải trình, một số sai phạm TTXD nổi cộm, tồn tại lâu trên địa bàn quận Thanh Xuân đã được nêu ra, bao gồm: sai phạm tại công trình địa chỉ số 174, 176 phố Nguyễn Xiển; công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại số 225 Nguyễn Xiển... Cả hai sai phạm này đã bị các cơ quan truyền thông phản ánh rất nhiều.

Liên quan đến hai trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng tại phường Hạ Đình, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, quận sẽ quyết liệt xử lý.

Đối với công trình tại số 174 - 176 Nguyễn Xiển, đã được cấp phép, nhưng xây dựng sai so với giấy phép tầng tum; Chủ đầu tư cũng đã nộp phạt hành chính. Tuy nhiên, đang trong quá trình xử lý thì Chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác, gây khó khăn cho công tác khắc phục hậu quả. “Công trình đang bị xử lý vi phạm không được phép chuyển nhượng. Quận sẽ kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bộ phận liên quan đến việc chuyển nhượng này” - ông Lưu khẳng định. Đồng thời, lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân cũng đề nghị Sở TN&MT và các đơn vị liên quan không cho phép chuyển nhượng đối với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đang xử lý.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu phát biểu giải trình

Đối với công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại số 225 Nguyễn Xiển, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết đã tồn tại từ năm 2014. Ông Lưu thông tin, trường hợp này trách nhiệm chủ yếu là do Chính quyền phường phát hiện chậm, không báo cáo lên quận. Quận Thanh Xuân đang tiến hành thanh tra công vụ với cán bộ, cá nhân để xảy ra vi phạm và chậm báo cáo. “Phường đề nghị lấy công chuộc tội, dự kiến đến tháng 5 sẽ xử lý xong. Nếu không xong sẽ xử lý trách nhiệm cán bộ cũ - mới, cưỡng chế xử lý dứt điểm” – ông Lưu thông tin.

Phó Chủ tịch thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nêu ý kiến, đối với hai trường hợp nêu trên, vi phạm đã rõ, quy định pháp luật có đầy đủ, đã vận động nhiều, cần cương quyết xử lý.

Trả lời tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết liên quan đến giải quyết các công trình vi phạm TTXD - ĐT tồn đọng nhiều năm, dù đã cơ bản có đầy đủ chế tài xử lý, có thể khẳng định 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP, vẫn để tồn đọng nhiều công trình gồm: Quận Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức. Năm 2017 tại kỳ họp HĐND TP, từ 413 công trình tồn đọng (dự án, nhà dân vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo các sở ngành quận huyện giải quyết), đến nay chúng ta đã giải quyết xử lý được 80 công trình.

Những sai phạm TTXD tại Thanh Xuân đã được xử lý như thế nào?

18/9/2020, PV đã có mặt tại 2 địa chỉ 174 - 176 Nguyễn Xiển và 225 Nguyễn Xiển để ghi nhận thông tin. Theo đó, công trình cao 7 tầng tại địa chỉ 174 - 176 Nguyễn Xiển vẫn đang được sử dụng làm trụ sở một chi nhánh của bảo hiểm Bảo Việt Nhân Thọ. Đồng thời, theo thông tin được đăng tải trên trang batdongsan.com.vn thì công trình này đang được rao bán với các thông tin sau: Diện tích: 131m2 (xây dựng thực tế 170m2), mặt tiền 6.6m; Xây dựng: 08 tầng (6 tầng, 1 tum, 1 hầm để xe), nhà 2 mặt thoáng; Sổ đỏ chính chủ; Nội thất cao cấp; Giá bán: 43 tỷ đồng.

Công trình tại 174 - 176 Nguyễn Xiển đang được rao bán giá 43 tỷ đồng

Tại phiên giải trình đầu năm 2019, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết công trình đã bị xử phạt, nhưng chưa bị xử lý. Thời điểm này, công trình 174 - 176 Nguyễn Xiển vẫn tồn tại số tầng vượt phép và đang được rao bán công khai thì trách nhiệm của lãnh đạo quận Thanh Xuân trong hơn một năm qua đã xử lý sai phạm này đến đâu?

Đối với sai phạm trên đất nông nghiệp tại địa chỉ 225 Nguyễn Xiển, khảo sát của PV cho thấy công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại và được Công ty Cổ phần trang trí nội thất Hà Thành sử dụng để kinh doanh. Đáng nói đây là công trình tạm, việc cưỡng chế dỡ bỏ có thể tiến hành chỉ trong vài tiếng đồng hồ, thế nhưng đã hơn một năm trôi qua, UBND quận Thanh Xuân vẫn chưa có một động thái nào để xử lý sai phạm tại công trình này.

Sai phạm tại 225 Nguyễn Xiển vẫn... nguyên hiện trạng sau hơn một năm.

Không những thế, theo phản ánh của người dân thì các địa chỉ số 39, 45, 47 ngõ 460 Khương Đình đã xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp từ lâu. Năm 2018, liên quan đến phản ánh về các địa chỉ này, ông Tạ Thành Trung - Tổ trưởng Thanh tra xây dựng phường Hạ Đình cũng đã xác nhận với báo chí về phản ánh trên là chính xác.

Các sai phạm xuất hiện gần nhau, tồn tại từ lâu và được Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân - ông Nguyễn Xuân Lưu khẳng định, quận sẽ quyết liệt xử lý từ Quý II năm 2019, nhưng đến nay là cuối quý III năm 2020 vẫn chưa được xử lý đã khiến dư luận đặt ra nghi vấn về năng lực cũng như trách nhiệm của lãnh đạo quận Thanh Xuân. Phải chăng, những khẳng định trên của Chủ tịch quận Thanh Xuân chỉ là để báo cáo và cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi để những sai phạm này tồn tại kéo dài thời gian qua?

Sai phạm càng lâu hậu quả càng nặng nề

Qua nhiều năm, những sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng và đất đai trên địa bàn Thủ đô được ghi nhận là giảm thiểu hoặc được xử lý quyết liệt. Thế nhưng, những sai phạm tồn tại từ nhiều năm lại có phần bị chậm xử lý khi được nhắc đến. Các hội nghị, hội thảo, cuộc họp được tổ chức sẽ nêu ra những vướng mắc, sai phạm mới để chỉ đạo xử lý, thế nhưng cũng phải xoay lại những sai phạm cũ không được xử lý dứt điểm. 

Sai phạm lấn chiếm đất đai tại 39, 45, 47 ngõ 460 Khương Đình còn chờ đến bao giờ mới được xử lý?

Việc để một sai phạm tồn tại quá lâu đồng thời gây mất lòng tin của người dân vào chính quyền sở tại, nhất là khi những phản ánh của người dân không được đáp lại, không được xử lý dứt điểm. 

Điều này cũng dẫn đến tâm lý coi thường pháp luật của những chủ đầu tư dự án, khi người này “học” người kia vi phạm pháp luật, cuối cùng dẫn đến tình trạng sai phạm hàng loạt, sai phạm trên địa bàn mà muốn xử lý cũng khó khăn vô cùng. Ví dụ điển hình như tình trạng hàng trăm hộ dân lấn chiếm đất nông nghiệp tại Yên Phong (Bắc Ninh) hoặc hàng loạt nhà xưởng trái phép mọc lên tại Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) là điều có thể dễ dàng nhận thấy.

Một điều đáng lưu ý, là trong lúc sai phạm vẫn đang tồn tại thì nhu cầu về bất động sản cũng gia tăng, dẫn đến việc giao dịch những mảnh đất, những công trình này cho dù không có giấy phép. Để rồi cho đến khi cơ quan chức năng “ra tay”, nhiều người mới tá hỏa khi phát hiện ra bất động sản mình sở hữu đang “có vấn đề” và cũng không thể chuyển nhượng cho ai khác, vô hình chung đã đẩy không ít người vào cảnh khốn khổ.

Sai phạm thì đã rành rành, Thành phố cũng đã chỉ đạo, nếu quận Thanh Xuân không xử lý được các sai phạm thì quyền lợi của người dân chúng tôi vẫn còn bị xâm phạm. Trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị để xảy ra chậm trễ trong xử lý vi phạm được xử lý thế nào? Người dân yêu cầu chính quyền địa phương làm cho rõ ràng” - bà Vũ Linh, một người dân sinh sống tại quận Thanh Xuân chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top