Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!

Thứ Năm, 19/12/2024 - 10:02

Mặc dù TP Hà Nội đã nhiều lần điều hành, chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án chậm triển khai, gây ra tình trạng lãng phí tài nguyên đất. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, để giải quyết được vấn đề này thì phải tìm ra nguyên nhân, cốt lõi của vấn đề, vướng mắc nằm ở quy hoạch hay ở tiềm lực chủ đầu tư… đâu là vấn đề thì phải có liều thuốc đặc trị cho vấn đề đấy.

Lời Tòa Soạn:

Trong những năm vừa qua, trên địa bàn TP. Hà Nội, hàng nghìn dự án được phê duyệt quy hoạch và đưa vào sử dụng đã và đang mang lại rất nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn hàng trăm dự án đang nằm bất động, có những dự án đã được lập quy hoạch từ 10, 20 năm thậm chí có những dự án được hình thành trước khi sát nhập về thủ đô nhưng tới nay vẫn chưa thể về đích.

Phân tích về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể do dự án vướng mắc về pháp lý, có những dự án chậm triển khai do năng lực tài chính của chủ đầu tư… Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ công tác quy hoạch, quản lý, cùng với đó là tính khả thi của các dự án cũng như trách nhiệm của chính UBND TP. Hà Nội trong việc đôn đốc và đưa dự án vào thực tế còn chưa được hiệu quả.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tồn tại hàng trăm dự án "treo" tại Hà Nội không chỉ khiến cho cuộc sống của người dân khu vực đó trở nên vất vả, khó khăn mà còn gây lãng phí không nhỏ giá trị tài nguyên đất. Các dự án chậm triển khai đã và đang làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế xã hội, người dân trong vùng quy hoạch rơi vào khốn đốn, nhà nước thì thất thu ngân sách, còn bộ mặt đô thị nơi có quy hoạch, dự án treo trở nên nhếch nhác.

Để có góc nhìn khách quan về hàng loạt dự án chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, Reatimes khởi đăng tuyến bài: "Lãng phí đất đai: Nhìn từ những dự án "treo" trên địa bàn TP. Hà Nội"

Tuyến bài sẽ nghiên cứu, đánh giá khách quan về những nguyên nhân của tình trạng trên, đồng thời đưa ra những giải pháp, phân tích và nhận định từ các cơ quan chuyên môn, các nhà phân tích, các chuyên gia đầu ngành cũng như những ý kiến kiến nghị từ chính chủ đầu tư. Từ đó, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn tại các dự án chậm triển khai, góp phần thúc đẩy sự phát triển thị trường bất động sản nói chung và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 1.

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng: Trước tiên chúng ta phải xem lại vấn đề về quy hoạch, bởi quy hoạch là một vấn đề vô cùng quan trong, hội tụ đủ các vấn đề liên quan như kinh tế, chính trị, xã hội…

"Nếu vấn đề quy hoạch dự án mang lại hiệu quả thì doanh nghiệp có thể thuận lợi triển khai được ngay. Đối với những dự án quy hoạch rất đẹp nhưng hàng chục năm vẫn chưa triển khai được, hoặc có triển khai thì sẽ thua lỗ… thì chúng ta phải xem lại, kiểm tra lại xem quá trình quy hoạch đã chuẩn chưa, đã mang lại hiệu quả chưa", ông Điệp nhấn mạnh.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 2.

Dự án Khu đô thị Hà Phong dang dở sau 2 thập kỷ triển khai, nhiều diện tích đất bỏ trống, biệt thự bỏ hoang. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Ngoài vấn đề quy hoạch, ông Điệp cho rằng, nếu nguyên nhân của việc chậm triển khai tại các dự án là khách quan, thì cần phải có những giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp để triển khai các dự án đó

Cũng theo ông Điệp, nếu nguyên nhân là chủ quan, ví dụ như do doanh nghiệp cố tình "ôm đất" để chờ tăng giá thì cần có những biện pháp xử mạnh tay, thậm chí có thể thu hồi lại đất để chuyển sang cho một đơn vị khác có thể làm tốt hơn.

Đối với một số dự án chậm triển khai hoặc triển khai dang dở nhưng chủ đầu tư khó khăn về tài chính thì cần có nhiều giải pháp để tháo gỡ. Đối với các công trình như nhà ở cho sinh viên nếu không tiếp tục làm được nữa thì cần phải xin ý kiến các bộ ngành, trung ương, địa phương để chuyển đổi sang một mô hình khác như nhà ở xã hội để tránh lãng phí nguồn tài nguyên trong khi nhu cầu của người dân đang rất cao.

"Tóm lại vấn đề ở đây là chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách thực sự quyết liệt, nếu khó khăn vướng mắc ở đâu thì chúng ta phải xin ý kiến để tháo gỡ ở đấy. Và trách nhiệm chính trong vấn đề này nằm ở chính quyền sở tại", ông Điệp nhấn mạnh.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 3.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, dự án chậm triển khai có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ công tác quản lý. Để hạn chế tình trạng dự án treo, việc phân công, phân cấp cần phải được cụ thể và phải xử lý vi phạm quyết liệt hơn nữa.

Trong khi đó, về vấn đề này, ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản - cho rằng, việc nâng cao trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về rà soát và điều chỉnh quy hoạch sẽ giúp nâng cao chất lượng về việc lập quy hoạch. Bởi bản chất của quy hoạch là mang tính dự báo.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 4.

ThS. Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia pháp lý bất động sản. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Về mặt pháp lý, ông Nguyễn Văn Đỉnh đồng tình với quan điểm cần nâng cao trách nhiệm và chế tài xử lý đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện lập quy hoạch, để quy hoạch, dự án treo trong thời gian dài mà không có hướng giải quyết. Bởi hiện nay, đã có các quy định của pháp luật về dự án treo trong bao nhiêu lâu thì người dân được quyền có ý kiến để hủy bỏ, bồi thường nếu không triển khai.

"Việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa các cơ quan, tổ chức sẽ dẫn đến các quy hoạch chồng chéo, chậm triển khai và cuối cùng là dẫn đến hệ lụy ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, cuộc sống người dân và môi trường đầu tư", ông Đỉnh nói.

Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, cơ quan Nhà nước phải thực hiện đúng quản lý về quy hoạch, phải rà soát quy hoạch theo đúng thời hạn, điều chỉnh hoặc hủy bỏ những quy hoạch không triển khai được.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 5.

Thông tin tới Reatimes, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, đất đai là nguồn tài nguyên hữu hạn và không thể tái tạo. Lãng phí đất đai đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho người dân.

Để không bị lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, TS Dũng cho rằng:

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 6.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Giải pháp đầu tiên là hoàn thiện pháp luật và chính sách về đất đai. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật để giảm lãng phí trong mọi lĩnh vực, trong đó có đất đai. Do đó cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Luật Đất đai và các văn bản liên quan, bảo đảm các quy định rõ ràng, khả thi và tránh tình trạng chồng chéo.

Giải pháp thứ hai là tăng cường năng lực quản lý và giám sát. Theo Tổng Bí thư, một trong những nguyên nhân dẫn đến lãng phí là công tác quản lý yếu kém. Do đó, giải pháp này phải bao gồm việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai số hóa, công khai để tăng tính minh bạch. Đồng thời cần phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lãng phí đất, dự án treo, sử dụng sai mục đích.

Giải pháp thứ ba là đẩy mạnh công tác quy hoạch và sử dụng đất hiệu quả. Quy hoạch là công cụ quan trọng để sử dụng đất hiệu quả. Tổng Bí thư đề xuất làm quy hoạch phải đồng bộ và dài hạn; Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tránh thay đổi tùy tiện hoặc thiếu khả thi.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 7.

Dự án Khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 chậm tiến độ nhiều năm, từng nhiều lần được nhắc tên vì các công trình sai quy hoạch.

Giải pháp thứ tư là đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng chống lãng phí không thể tách rời việc chống tham nhũng. Do đó cần xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Đồng thời cần công khai các vụ tham nhũng liên quan đến đất đai để răn đe.

Giải pháp thứ năm là đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng. Tổng Bí thư cho rằng cần huy động toàn dân vào cuộc chiến chống lãng phí. Trong lĩnh vực đất đai, điều này có thể được triển khai qua việc tuyên truyền về ý nghĩa của đất đai trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường; Khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia giám sát bằng cách tạo điều kiện để cộng đồng phản ánh các sai phạm trong sử dụng đất.

Giải pháp thứ sáu là xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực. Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh vai trò của kiểm soát quyền lực để phòng chống lãng phí và tiêu cực. Trong lĩnh vực đất đai, điều này đòi hỏi phải tăng cường trách nhiệm giải trình: Lãnh đạo các cơ quan quản lý đất đai phải công khai kế hoạch và báo cáo minh bạch. Bên cạnh đó, cần vận hành cơ chế giám sát đa chiều, đảm bảo sự tham gia giám sát của cả các tổ chức xã hội, người dân và các cơ quan kiểm tra, thanh tra.

Giải pháp thứ bảy là tận dụng công cụ kinh tế. Tổng Bí thư gợi ý các biện pháp sử dụng công cụ kinh tế để hạn chế lãng phí. Trong quản lý đất đai, điều này có thể áp dụng qua việc đấu giá đất công khai và minh bạch, đảm bảo giá trị tài nguyên đất được khai thác tối ưu. Ngoài ra, có thể nghiên cứu để áp dụng thuế đất hợp lý, đặc biệt với các trường hợp đất bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 8.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết thị trường bất động sản Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, hàng loạt dự án "đắp chiếu" kéo dài, gây lãng phí nguồn lực quốc gia và ảnh hưởng tiêu cực đến người dân, doanh nghiệp.

Thông tin cụ thể, TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay theo thống kê, Hà Nội hiện có rất nhiều dự án bị "đắp chiếu", tình trạng này không chỉ gây thiếu hụt nhà ở mà còn làm suy giảm cơ hội việc làm.

Tháo gỡ các dự án treo, chậm triển khai: Cần những liều thuốc đặc trị!- Ảnh 9.

Dự án Khu đô thị Minh Giang - Đầm Và (huyện Mê Linh, Hà Nội) "đắp chiếu" nhiều năm, lãng phí hàng chục ha đất. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Trong thời gian qua, các cơ quan quản lý đã có những động thái tích cực để tháo gỡ khó khăn. Hiện nay, Hà Nội cũng đang tiến hành rà soát toàn bộ các dự án đang gặp vướng mắc, bao gồm cả những dự án chậm tiến độ, dự án bị "đắp chiếu."

"Tuy nhiên, việc cần thiết nhất trong bối cảnh hiện nay là xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội thống nhất quy định, nhằm tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý, quản lý và thủ tục hành chính, bởi thị trường bất động sản vốn liên quan đến nhiều luật (từ Luật Đất đai, Luật Đầu tư, đến Luật Kinh doanh Bất động sản," ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ông Nghĩa cũng lưu ý rằng việc xây dựng một Nghị quyết của Quốc hội để giải quyết triệt để các bất cập hiện tại, không chỉ là niềm hy vọng của các doanh nghiệp bất động sản mà còn là lời giải cho bài toán nhà ở cho hàng triệu người dân.

"Nếu không hành động kịp thời, thị trường sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn, các cơ hội đầu tư và phát triển bị bỏ lỡ bởi kinh doanh bất động sản tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực mà doanh nghiệp nội địa có lợi thế cạnh tranh cao nhất, mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa với nước ngoài là rất thấp," ông Nghĩa nói.

Cũng theo vị chuyên gia, với việc Luật Đất đai đã được sửa đổi và có hiệu lực thi hành, sắp tới thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới nhờ các quy định thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng lớn như đường sắt cao tốc hay việc mở rộng mạng lưới đường bộ và đường sắt sẽ trở thành đòn bẩy, góp phần hình thành nhiều đô thị, mở ra những cơ hội đầu tư bất động sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top