Aa

Tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xử lý nợ xấu

Thứ Ba, 26/09/2023 - 14:00

Ngày 20/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP (NQ148) tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14 (NQ42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD.

Tiếp tục kéo dài triển khai NQ42

Quốc hội đã thống nhất kéo dài thời hạn thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023. Để đảm bảo việc triển khai một cách có hiệu quả NQ42 trong thời gian nghị quyết được kéo dài, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương triển khai các biện pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện NQ42.

Cụ thể, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát lại những vụ việc thi hành án còn tồn đọng, liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) thu hồi nợ để tập trung, ưu tiên giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo giá trị TSBĐ thu hồi lớn nhất; đồng thời, thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán án phí trong các vụ việc thi hành án theo quy định tại NQ42 và quy định pháp luật có liên quan. Bộ Công an kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự trong quá trình thu giữ, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ; đảm bảo việc thu giữ xử lý TSBĐ thu hồi nợ được diễn ra thuận lợi, theo quy định pháp luật; Chỉ đạo công an các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả “Quy trình công tác đảm bảo an ninh trật tự quá trình thu giữ TSBĐ theo NQ42” nhằm hỗ trợ giữ gìn an ninh trật tự cho các TCTD, VAMC trong quá trình thu giữ, xử lý TSBĐ để thu hồi nợ theo NQ42. Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định tại NQ42 liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế khi xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu và quy định pháp luật có liên quan.

Đây cũng là những vấn đề mà các TCTD đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ xấu thời gian qua, ảnh hưởng đến tốc độ xử lý nợ xấu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc kéo dài thời hạn áp dụng NQ42 đến hết năm 2023 là vô cùng cần thiết nhằm hỗ trợ các TCTD việc xử lý nợ xấu trong bối cảnh rủi ro nợ xấu đang có xu hướng gia tăng do những khó khăn của nền kinh tế trong thời gian qua. Tuy nhiên thời hạn kéo dài cũng chỉ tới 31/12/2023, trong khi rủi ro nợ xấu luôn tiềm ẩn trong hoạt động của các TCTD, rủi ro càng thêm lớn khi mà kinh tế toàn cầu biến động bất thường và tiềm ẩn nhiều bất ổn như hiện tại. Bởi vậy theo các chuyên gia, cần sớm luật hóa các quy định xử lý nợ xấu mới thúc đẩy sự phối hợp đồng bộ, nhất quán giữa các cơ quan chức năng, các địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là trong các công tác xử lý, thu hồi TSBĐ... giúp ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam có trách nhiệm làm đầu mối phối hợp với bộ, ngành có liên quan để đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD.

Một số ngân hàng đã tham gia vào khâu quản lý của doanh nghiệp như cử người điều hành doanh nghiệp có nợ xấu.

Khai mở thêm giải pháp xử lý nợ xấu

Việc luật hóa NQ42 là rất cần thiết, không chỉ từ yêu cầu cải cách thể chế, đồng bộ hóa hệ thống luật pháp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực như tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp, đất đai... mà còn đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn khi nợ xấu đang có xu hướng tăng với tính chất ngày càng phức tạp.

Theo báo cáo của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2023 lên tới 3,36%. Nếu tính tổng nợ xấu gộp (nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD) thì tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều, tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi NQ42 bắt đầu có hiệu lực. "Nếu không sớm có giải pháp kiềm chế, xử lý nhanh, hiệu quả, các khoản nợ xấu tăng lên, vòng luẩn quẩn xử lý nợ xấu sẽ lặp lại, gây ách tắc nguồn vốn trong nền kinh tế, kìm hãm tăng trưởng trong giai đoạn kế tiếp", một chuyên gia nhận xét.

Theo nhiều chuyên gia, nợ xấu của hệ thống ngân hàng có thể đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Trước mắt trong khi chờ đợi khung pháp lý đầy đủ, các ngân hàng đang tích cực bán các khoản nợ xấu với tài sản thế chấp lên tới hàng ngàn tỷ đồng để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, hoạt động phát mại tài sản không còn thuận lợi như trước, do thị trường bất động sản khó khăn mà tài sản thế chấp tại các ngân hàng chủ yếu là quyền sử dụng đất, khách sạn nghỉ dưỡng, nhà máy…

Là chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, ông Darryl Dong, Phó Giám đốc quốc gia IFC gợi ý, không nên chỉ dựa vào một hệ thống pháp lý để xử lý nợ xấu mà cần tìm ra nhiều cách thức, giải pháp khác, ví dụ, tái cấu trúc ngoài toà án. Đây là một cách thức khác để ngân hàng và doanh nghiệp chiến đấu xử lý nợ xấu. Theo đánh giá Phó Giám đốc quốc gia IFC, việc triển khai tái cấu trúc ngoài toà án, Việt Nam sẽ mở ra một chương mới về cuộc chiến chống nợ xấu, trong đó, ngân hàng và cơ quan quản lý nhà nước sẽ đóng vai trò giữ chìa khoá mở cánh cửa tái cấu trúc ngoài toà.

Việc tái cấu trúc nợ ngoài toà, theo TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam không phải cách thức mới, nhưng lại rất thời sự. Không mới vì bản thân các TCTD đã, đang và vẫn sẽ thực hiện cơ cấu nợ, điều chỉnh giãn nợ, hỗ trợ khách hàng. Trường hợp cuối cùng mới đưa ra toà để xử lý.

TS. Hùng đưa ra một ví dụ thực tiễn về việc Việt Nam đã làm và thành công trong việc tái cấu trúc nợ ngoài toà dù thời điểm đó chưa xuất hiện khái niệm này. Đó là trường hợp một nhà máy ở Bình Dương đang đứng trước nguy cơ phải đóng cửa và đang là con nợ của cùng lúc nhiều ngân hàng, với tổng giá trị lên đến hơn 700 tỷ đồng. Thời điểm đó, nếu đóng cửa nhà máy thì mỗi ngày ngân hàng sẽ mất khoảng 10 tỷ đồng. Đứng trước vấn đề này, các chủ nợ đã bàn bạc và đi đến thống nhất giãn nợ, tạm thời không thu lãi từ 7 năm thành 14 năm. Kết quả là chỉ trong 3 năm, doanh nghiệp đã phát triển, mở rộng và có thể trả nợ gốc và một phần lãi. 5 năm tiếp theo doanh nghiệp trả hết lãi và 7 năm sau đó trả hoàn toàn gốc và lãi. Hiện tại, nhà máy đã mở rộng quy mô và lớn mạnh.

Nhấn mạnh việc tái cấu trúc nợ ngoài toà là cần thiết, ông Nguyễn Tuấn Minh, Luật sư Techcombank cho rằng, khi doanh nghiệp còn cơ hội, còn tài sản và có khả năng duy trì sản xuất kinh doanh thì thường các TCTD phải vận dụng rất nhiều cách thức để giải quyết được vấn đề cho doanh nghiệp đó. Một số ngân hàng đã tham gia vào khâu quản lý của doanh nghiệp như cử người điều hành doanh nghiệp xấu, đồng thời tiến hành giãn nợ, gia hạn nợ…

Khẳng định về sự cần thiết tái cấu trúc nợ ngoài toà án trong bối cảnh hiện nay, song TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, việc thỏa thuận ngoài toà án phải có hành lang pháp lý, quy định cụ thể, phù hợp để các bên vừa tuân thủ quy định pháp luật, vừa đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp và các TCTD./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top