Aa

Tháo "ngòi nổ" tranh chấp nhìn từ vụ động Tiên Sơn bị xâm hại

Thứ Tư, 05/08/2020 - 15:00

Hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Kim Quy và phường Hàm Rồng tại khu vực động Tiên Sơn dễ nảy sinh những tranh chấp pháp lý. Tranh chấp đó có thể là gì? Các bên phải chịu trách nhiệm ra sao nếu hợp đồng vô hiệu?

Quy định nào cho phép hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực di sản văn hóa?

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hay còn gọi là hợp đồng BCC) nói chung là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Hoạt động này có thể được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn theo thỏa thuận liên doanh hoặc kiểm soát bởi một trong số các bên tham gia.

Tuy nhiên, theo Luật Di sản Văn hóa có hiệu lực không có quy định về việc cho thuê khoán di tích để kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh.

Mặt khác, việc xử lý xâm hại di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh quy định cụ thể tại Điều 70,  71, 71, Luật Di sản văn hóa 2010.

Theo đó, người nào phát hiện được di sản văn hoá mà không tự giác khai báo, cố tình chiếm đoạt hoặc có hành vi gây hư hại, huỷ hoại thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; di sản văn hoá đó bị Nhà nước thu hồi.

Người nào vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hoá thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Câu chuyện xâm hại động Tiên Sơn và pháp lý xung quanh hợp đồng hợp tác kinh doanh

Những tranh chấp, khiếu nại tại khu vực động Tiên Sơn khiến khiến khu danh thắng này chưa bao giờ bình yên. Câu chuyện bắt nguồn từ việc UBND phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Kim Quy và bàn giao động Tiên Sơn cho đơn vị này khai thác, quản lý, khiến nhiều người dân làng cổ Đông Sơn bất bình.  

Theo đó, ngày 5/7/2004, Công ty Kim Quy và phường Hàm Rồng có tờ trình gửi UBND TP. Thanh Hóa về việc lập Dự án đầu tư xây dựng động Tiên Sơn thuộc khu du lịch văn hóa Hàm Rồng - TP. Thanh Hóa.

Căn cứ tờ trình này, ngày 28/7/2004, UBND TP. Thanh Hóa có văn bản đồng ý Công ty Kim Quy tiến hành lập thủ tục đầu tư, mặt bằng quy hoạch vị trí công trình, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy trình là vậy, thế nhưng ngày 8/1/2005, UBND phường Hàm Rồng đã vội vã bàn giao động Tiên Sơn, các công trình trên đất và mặt bằng xây dựng cho Công ty Kim Quy với diện tích 4,3ha (bao gồm phần núi đá động Tiên Sơn diện tích 3,5ha; đất xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ trước động khoảng 0,8ha). Công ty Kim Quy được giao và chịu trách nhiệm quản lý toàn diện, triệt để khu núi được giao để bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, tổ chức đầu tư và xây dựng công trình cơ bản trong năm 2005 và chia lợi nhuận cho địa phương.

Bên cạnh đó, Công ty Kim Quy có trách nhiệm hoàn tất các thủ tục cần thiết về đầu tư xây dựng cơ bản để các cấp có thẩm quyền phê duyệt giao quyền sử dụng đất đúng pháp luật.

Đến ngày 25/7/2005, phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy ký hợp hợp đồng hợp tác kinh doanh. Nội dung của hợp đồng nêu rõ: Bên A (phường Hàm Rồng) giao cho bên B (Công ty Kim Quy) trực tiếp đầu tư xây dựng và tổ chức khai thác động Tiên Sơn dựa trên mặt bằng quy hoạch được duyệt. Bên B được quyền điều hành việc xây dựng công trình theo quy hoạch trên cơ sở phải có sự bàn bạc thống nhất với bên A, trực tiếp quản lý và hạch toán quá trình hoạt động các hạng mục công trình cho đến khi kết thúc dự án.

Theo UBND TP. Thanh Hóa, việc UBND phường Hàm Rồng ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty Kim Quy là không đúng quy định. Bởi, theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm 2003 thì UBND cấp xã không có thẩm quyền ký hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Mặt khác, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy có thời hạn 50 năm nhưng không có cơ sở đánh giá việc đầu tư để quy đổi ra số năm hợp đồng. Công ty Kim Quy đã ký hợp đồng với đơn vị tư vấn, đơn vị thi công, tự phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ, thi công và dự toán công trình để triển khai thi công, quyết toán công trình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Cũng theo quy định của Điều 37, Luật Đất đai, diện tích 4,3ha không phải là đất công ích, nên UBND phường Hàm Rồng không có thẩm quyền sử dụng, cho thuê. Từ năm 2002 đến nay, UBND TP. Thanh Hóa cũng không có chủ trương, không ủy quyền cho UBND phường Hàm Rồng ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Kim Quy.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng cho rằng: "Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, di tích thuộc sở hữu toàn dân và cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ phát huy giá trị di tích đó. Luật di sản văn hóa hiện hành cũng không cho phép cấp xã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh di tích.

Việc hợp tác kinh doanh trong trường hợp này mang tính chất thương mại. Việc cho thuê khoán di tích để kinh doanh không có trong Luật Di sản văn hóa", vị đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa (xin không nêu tên) cho hay.

Hạng mục công trình xây dựng vi phạm không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt tại khu vực động Tiên Sơn (ảnh tư liệu của Báo Văn hóa).

Hệ quả của việc hợp tác không đúng quy định pháp luật này dẫn đến hàng loạt các vi phạm về xây dựng tại khu di tích này. Theo đó, Công ty Kim Quy đã xây dựng các hạng mục công trình vi phạm, cụ thể gồm 2 bán bình phía Tây cột sắt, mái nhựa có diện tích 22,4m2; 1 nhà khung sắt, mái nhựa 142,71m2; 1 nhà khung sắt mái tôn có diện tích 87,5m2 (khu vực tiếp giáp với vườn lan phía Tây) và 1 nhà có diện tích 17m2; 1 chòi bán vé diện tích 4,41m2...

Việc tự ý đầu tư xây dựng công trình của Công ty Kim Quy đã được UBND TP. Thanh Hóa lập biên bản vi phạm hành chính, đồng thời yêu cầu Công ty Kim Quy tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng vi phạm tại khu vực động Tiên Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa.

Động Tiên Sơn (phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa) được xếp hạng cấp tỉnh trong quần thể di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh núi Rồng động Tiên tại Quyết định 306-VHQĐ ngày 1/12/1993 của Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Thanh Hóa (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Động có nhiều nhũ đá đẹp và huyền ảo, được nhân dân gắn cho những truyền thuyết như tích Phật, tích Tiên… Tại đây người dân đã xây dựng ban thờ thờ Phật, thờ Bà Chúa Kho, thờ Mẫu... để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng. 

Gỡ rối như... “gà mắc tóc”

"Nút thắt" lớn nhất hiện nay tại khu vực động Tiên Sơn chính là làm rõ tính pháp lý về hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy. Bởi thế, khiếu nại về động Tiên Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền xử lý thấu tình đạt lý và hài hòa giữa lợi ích của các bên. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột lợi ích, gây mất an ninh tại địa phương.

Ngày 21/1/2020, ông Lê Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa chủ trì hội nghị về việc thống nhất thỏa thuận thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Công ty Kim Quy và phường Hàm Rồng. Tại đây, lãnh đạo thành phố đã kết luận, trong thời gian 3 tháng kể từ ngày 22/1/2020 đến ngày 22/4/2020, UBND phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa hai bên. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Kết luận của ông Lê Văn Tú tại hội nghị trước đó vẫn không được thực hiện.

Một nguồn tin khả tín của phóng viên cho hay, nếu phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy không thể thỏa thuận thanh lý hợp đồng thì UBND TP. Thanh Hóa giao phường Hàm Rồng khởi kiện ra tòa án, đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu.

Cũng theo nguồn tin, việc thương thảo để chấm dứt hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các bên có liên quan vừa diễn ra cách đây không lâu. Tuy nhiên, việc thanh lý hợp đồng đã không đạt được kết quả như mong muốn do phía Công ty Kim Quy đưa ra điều kiện (bồi thường) quá cao.

Ông Lê Anh Xuân - Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa (nay là Bí thư Thành ủy) cùng nhiều cán bộ thành phố đã có lần trực tiếp xuống hiện trường giải quyết khiếu nại của công dân xung quanh khu vực này.

Liên quan đến vụ việc trên, Reatimes đã tiến hành thu thập tài liệu, khảo sát và lấy ý kiến một số nhà làm luật để phân tích về những dấu hiệu vi phạm đối với hợp đồng hợp tác đầu tư giữa phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy. 

Nói về tính pháp lý của hợp đồng hợp tác kinh doanh nói trên, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó ban Dân nguyện Quốc hội cho rằng, có căn cứ pháp lý để tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

“Trường hợp hợp đồng hợp tác kinh doanh không đúng quy định thì hợp đồng đó vô hiệu. Trong trường hợp này, chính quyền có thể khởi kiện tại tòa án, đề nghị tuyên hợp đồng vô hiệu. Thậm chí, trường hợp hợp đồng được tuyên vô hiệu thì cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm và một trong các bên có thể không nhận được bồi thường. Mặt khác, người dân cũng có quyền khiếu nại chính quyền về việc ký hợp đồng không đúng, hoặc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc ký kết hợp đồng này”, ông Nhưỡng cho hay.

Nói rõ hơn về thẩm quyền xử lý hợp đồng hợp tác kinh doanh, một số luật sư nhận định, hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa cấp xã và doanh nghiệp để khai thác di tích, danh lam, thắng cảnh là giao dịch dân sự vô hiệu. Do đó, muốn giải quyết dứt điểm vụ việc thì phải ra tòa án. 

"UBND cấp xã đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh không đúng pháp luật, cần tiến hành đàm phán để các bên chấm dứt hợp đồng. Nếu việc đàm phán không đạt được kết quả thì UBND cấp xã có thể khởi kiện ra tòa án yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu và xử lý hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu", một luật sư (đề nghị không nêu tên) cho hay. 

Được biết, ngày 25/3/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định số 1046/QĐ-UBND về việc cấp đổi bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh được công nhận trước ngày 31/3/2003 cho Động Tiên. Quyết định này cũng nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hoạt động khai thác trái phép trong khu vực di tích đã được khoanh vùng bảo vệ".

Quyết định có nội dung là vậy, nhưng còn đó những băn khoăn về thủ tục pháp lý đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh tại động Tiên Sơn vẫn chưa được giải quyết theo đúng quy định, tiềm ẩn nhiều khiếu kiện vượt cấp, có thể gây ra mất ổn định tình hình địa phương. 

Phóng viên đã liên hệ với ông Trịnh Huy Triều - Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa với mục đích làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc động Tiên Sơn bị xâm lại và nội dung thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa phường Hàm Rồng và Công ty Kim Quy nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, sau khi nhận được đơn thư phản của một số người dân làng cổ Đông Sơn về việc quản lý, sử dụng đất đai tại khu vực này, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đề nghị người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan tiến hành thanh tra việc thực hiện Quyết định số 396/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa).

Về việc này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trả lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng.

Liên quan tới phản ánh của nhiều người dân làng cổ Đông Sơn, Hàm Rồng (Thanh Hóa) tại khu vực động Tiên Sơn, mới đây, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó ban Dân nguyện Quốc hội đã gửi 4 kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ làm rõ 4 vấn đề sau: 

Thứ nhất, làm rõ phản ánh của người dân xung quanh việc việc quản lý sử dụng đất tại xung quanh khu vực động Tiên Sơn (thu hồi đất phục vụ các dự án nhưng để hoang hóa) khiến người dân bị ảnh hưởng kế sinh nhai. Thứ hai, làm rõ phản ánh của người dân về tính pháp lý trong việc thuê đất giữa Công ty Kim Quy và phường Hàm Rồng, cũng như dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc chiếm đoạt khu vực di tích động cổ. Thứ ba, làm rõ phản ánh của người dân về việc Công ty Kim Quy cản trở hoạt động tâm linh, kinh doanh thu vé không đúng quy định. Thứ tư, làm rõ phản ánh của người dân về việc các dự án được "vẽ" ra tại khu vực này, nhưng chỉ tồn tại trên giấy, gây lãng phí nguồn lực, không đáp ứng yêu cầu phát triển khu di lịch tâm linh...

Những kiến nghị của người dân xung quanh 4 nội dung trên sẽ được Reatimes khảo sát, phân tích và đưa ra kiến nghị trong các bài viết tiếp theo.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top