Hằng năm, cứ vào quãng thời gian này, mẹ tôi thường dậy sớm, xuống đồng chè của làng hái đôi ba “nón” chè xanh về hãm nước để cha tôi đón khách. Khách nào đâu xa lạ, vẫn là người quen trong xóm ngoài làng, rình rang đến thăm vườn đào, xem hoa xem nụ đã nở đến đâu rồi rôm rả chuyện trò, hỏi han mùa màng, con cái. Cũng có người tìm đến sớm để đặt cây mua cành đào về chơi Tết. Trồng cây cả năm, trông dăm ngày Tết. Ấy vậy nên chẳng cần biết ai đến mua bán, đổi chác cụ thể ra sao, lòng dạ người làm vườn vẫn cứ bừng lên, vui đã. Mà vui thật, ngày ấy, đám choai choai vừa lớn chúng tôi rộn ràng níu cây, chằng buộc, ghi tên, đánh dấu. Thời gian rảnh rỗi lại phụ mẹ chở rau xuống chợ huyện hoặc chợ Yên để bán.
Chợ Yên ở rất gần nhà thi nhân Đoàn Văn Cừ. Thỉnh thoảng, phụ xong việc cho mẹ, tôi lại ghé chơi nhà cụ Cừ để nghe nhà thơ “Chợ Tết” đọc thơ Tết, nói chuyện Tết. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ là người rất mến khách và không phân biệt lứa tuổi. Thời ấy, tôi cũng đã làm thơ, dù chưa được in ở đâu cả nhưng cụ hay gọi tôi là thi nhân. Cụ bảo: “Với mình, bất cứ ai làm thơ cũng đều gọi là thi nhân cả”. Nghe nhà thơ nói thế, tôi thấy ngượng nhưng cũng khấp khởi, lâng lâng. Ngượng vì mươi bài thơ học trò, chẳng là gì cả, nhưng vui vì được cụ coi như người thơ cùng quê. Chợ Yên là cảm xúc khởi đầu cho nhà thơ Đoàn Văn Cừ viết bài thơ "Chợ Tết" nhưng hình ảnh về ngôi chợ ấy không nhiều. Nhà thơ “Chợ Tết” đã tâm sự với tôi như thế. Có lần khi đọc thơ, nói chuyện về thơ xong, lúc tiễn khách ra về cụ Cừ lẩm nhẩm đọc đôi câu thơ mà tôi nhớ mãi: “Thơ ơi sao khéo vô tình/ làm duyên người, để cho mình vô duyên”.
Người làm thơ đôi lúc cũng như người trồng hoa, bán đào vậy, làm đẹp cho mọi người, chưng diện cho mọi nhà mà đôi lúc bản thân lại thấy mình cứ “vô duyên” thế nào. Ấy là tôi nghĩ thế khi ngồi ở chợ bán đào vào những ngày giáp Tết, trong cái rét cắt da cắt thịt, trong cái mưa lất phất đến lạnh lùng, hiu hắt mà chợ thì thưa thớt quá. Ấy là tôi nghĩ thế khi lúc khách nâng lên đặt xuống, trả giá bèo bọt đến tức tưởi, chẳng bõ công người chăm bón. Nghĩ là nghĩ chốc nhát, trong thưa vắng, trong mà cả bán mua vậy thôi, chứ Tết nào mà Tết chẳng vui. Vui ở cái tình và người, vui ở cái văn hóa truyền thống ngàn đời của người Việt. Dầu người thơ có gian nan, vất vả nhường nào, thì chẳng phải cái chợ Tết trong thơ cứ hiện lên đầy vẻ rực rỡ, no ấm đó sao? Duyên cho người và duyên cả cho mình. Đẹp cho đời chúng là làm đẹp cho mình.
“Tết đã về đến đâu rồi?” là câu hỏi quen thuộc mà người dân quê tôi truyền nhau từ những ngày cuối tháng Chạp. Đó là khi “hơi Tết” đã bắt đầu len vào từng đường quê, ngõ xóm và loáng thoáng trong mỗi nếp nhà.
Không cần đợi tới cuối tháng Chạp, “hơi Tết” đã ùa vào nhà tôi từ những ngày hanh hao rét buốt đầu tháng. Sau những ngày cha tôi cần mẫn khoanh gốc, vặt lá và tưới nước ấm thì cả vườn đào gần trăm cây trước cửa nhà bắt đầu mở nụ. Muôn nụ đào chúm chím hồng, he hé đỏ như tín hiệu mùa xuân đã ở rất gần.
Chẳng cần đợi đến cuối tháng Chạp, ngay từ những ngày đầu tháng, người dân quê tôi đã tổ chức công việc làng để chuẩn bị cho nghi thức mừng xuân đón Tết. Thanh niên, phụ nữ làm công việc căng băng rôn, khẩu hiệu, phát quang đường làng ngõ xóm, quét nhà, dọn cửa. Các cụ bô lão trong làng đảm nhiệm việc hương khói đình đền, chùa miếu và chọn tre trồng đu trong những ngày vui Tết.
Chọn tre trồng đu là việc có tính cầu kỳ nhất đối với người dân làng tôi. Tre được chọn để trồng đu phải từ vườn của những gia đình trong năm không có “khăn xô, áo xám” hoặc ốm đau bệnh tật. Bụi tre có cây tre được chọn phải trồng nơi sạch sẽ và không có cây nào bị mất ngọn, hoặc dập gẫy thân do bão gió. Và cuối cùng, cây tre ấy phải là tre đực to nhất bụi, có độ thẳng ở gốc và cong vừa phải ở phần ngọn. Việc chọn tre luôn được các bô lão trong làng, có kinh nghiệm trồng đu lâu năm tiến hành. Chọn tre đu có thể diễn ra từ đầu tháng, nhưng tới sáng ngày hăm chín Tết, các cụ trong làng mới huy động thanh niên, trai tráng đi đốn tre để về trồng đu. Dây để làm đu cũng được lấy từ chính những bụi tre được chọn. Đó là những cây tre đực nhỏ mới lên cây được dăm tháng, khi hơ qua lửa, khi được vặn thành thừng, chão luôn có độ bền và độ dẻo rất cao. Không chỉ chọn tre, việc chọn người đưa đu, đánh đu trong đêm giao thừa cũng cầu kỳ không kém.
Dân làng tôi quan niệm người đưa đu trong đêm giao thừa, chính là người xông đất, xông vía cho dân làng trong suốt cả năm nên đó phải là người có mệnh hợp với con giáp trong năm, có sức khoẻ tốt, con cái thành đạt, làm ăn tấn tới. Thế nên gia đình nào trong năm được chọn tre trồng đu, bô lão nào được chọn đưa đu đều phấn khởi và tự hào lắm. Và việc trồng đu đón Tết với dân làng tôi luôn diễn ra như một ngày hội, như một nghi lễ thiêng liêng trong dịp Tết đến xuân về.
Người dân quê tôi quan niệm “cái ngon để dành cho Tết, cái đẹp để dành cho Tết” và Tết trở thành một nghi lễ quan trọng giữa miền quê còn nhiều gian khó. Cạnh vườn đào nhà tôi, có một khoảnh ao. Nơi ấy, mùa nước cạn, bố tôi thường lấy lưới ngăn làm đôi, chỗ nước nông để trồng vài luống rau cần, còn phía sâu là để tiếp tục dưỡng cá lớn phục vụ cho ngày Tết.
Cá ở ao nhà tôi thường chỉ có ba loại là cá trắm đen, cá trắm trắng và cá chép. Sau những tháng ngày được nuôi, thả, đàn cá “cựu” ở dưới ao con nào cũng to lớn ục ịch, nhỏ nhất cũng phải ba cân trở lên. Cá nướng om rau cần là món ăn không thể thiếu đối với gia đình tôi trong những ngày Tết. Sau ngày cúng ông Công, ông Táo là anh em chúng tôi lại hò nhau xuống ao bắt cá để làm thực phẩm cho Tết. Cũng có năm lũ lụt ngập bờ cá trong ao ra hồ lớn hết nên dân làng lại tập trung ra hồ lớn của làng để bắt cá và mua cá. Loại cá bố tôi thường chọn cho món ăn ngày sum họp thường là cá trắm đen. Những con cá có chiều dài tới gần mét, đen mẫm béo tròn, vừa được bắt ở ao lên hay vác từ hồ về được bày ra giữa sân giếng. Có được con cá ưng ý, đàn bà con gái xăng xái chuẩn bị rau thơm, rơm, trấu; đàn ông thì ngả dao thớt. Riêng khoản gia vị để nhồi cùng lá thơm vào bụng cá phải đích thân bố tôi làm với “bí kíp” gia truyền. Chiếc chảo gang cỡ lớn đã bày biện giữa sân, mẹ tôi khéo léo rải sẵn một lớp rơm nếp còn thoảng mùi mùa vụ. Tấm lá chuối loại bánh tẻ xanh mướt, lành lặn đặt cẩn thận phía trên làm “áo” cho cá. Xong xuôi, thêm một lớp “áo” nữa rồi mẹ lại trải rơm nếp và úp vung gang. Khi con gái, con dâu trong nhà lo chế biến bộ lòng cá, tẩm ướp, xào nấu thơm lừng cũng là lúc bố và con trai, con rể đã rửa tay nước lá bưởi, ngồi uống trà, trò chuyện ở bộ bàn ghế được kê ngay ngắn giữa sân nhà. Trẻ con lớn bé thay nhau canh lửa, má căng mịn, ửng hồng. Cá được nướng bằng rơm nếp, lửa bập bùng cháy đều chung quanh chảo gang.
Chảo cá nướng được canh đủ chục giờ đồng hồ. Giữa quãng thời gian ấy, có một lần mở ra lật cá để cá chín đều. Trắm đen nướng đủ thời gian còn được ủ tro rơm đến khi tro chỉ còn hơi ấm. Một con cá đạt chuẩn, vừa ý phải còn nguyên vẹn hình dáng, không trầy vi tróc vẩy, lớp ngoài ám vàng và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Cá nhấc khỏi chảo gang được đặt trong chiếc nia đã trải lá chuối khô. Cá trắm đen nướng dưới bàn tay khéo léo của dâu con trong nhà được gỡ ra từng thớ thịt chắc nịch, trắng phau. Một chiếc chảo gang cỡ lớn khác được chọn để om cá rau cần. Trên bếp củi than, hành mỡ sôi lèo xèo, từng bát thịt cá đã gỡ và rau cần được xào thơm, châm thêm nước dùng, gia vị cho sôi lần nữa. Thời gian om cá cần được canh chừng sao cho cá nướng, rau cần và gia vị đủ quyện vào nhau mà rau chín tới, không bị nồng. Trẻ nhỏ trong nhà đã xôn xao ngả chiếu, bày mâm bát và chào mời người lớn. Đúng đoạn đĩa rau thơm cuối cùng mơn mởn trên mâm thì các bát tô cỡ lớn đựng món ăn đoàn tụ theo truyền thống gia đình tôi mới đưa lên bày chính giữa.
Có lẽ, trong ký ức của tôi, không món ăn nào lan tỏa ra sức quyến rũ khó cưỡng như cá nướng om rau cần gọi “hơi Tết” ngút hương. Bữa cơm quây quần, mẹ tôi mở chuyện lên chùa trẩy lộc, trẻ con khoe nhau những niềm vui thơ dại, con gái, con dâu rôm rả chuyện gần xa, con trai, con rể nâng chén rượu nồng. Bố tôi mừng vui, rồi bồi hồi, im lặng. “Hơi Tết” nào có đâu xa. Ngay từ mâm cơm sum họp. Từ ngũ quả còn đang lúc lỉu trong vườn đã được phết vôi đánh dấu. Từ ánh mắt, cử chỉ yêu thương, gửi trao cùng bao niềm ước mong thật bình dị mà ấm áp. Và hơn hết, Tết đến từ tấc lòng thảo thơm chờ đợi, vun vén từng li từng tí để từ người già đến trẻ thơ đều cảm thấy êm ấm, đủ đầy./.