Ông Lê Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhìn nhận, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để mỗi thành viên tiếp tục nâng tầm vị thế và thể hiện rõ nét hơn những thế mạnh của mình.
PV: Thế giới đang chứng kiến một giai đoạn biến động trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và có những tác động lớn đến thị trường chứng khoán. Sức nén của thị trường chứng khoán trong năm qua có tạo nhiều động lực cho một sự tăng trưởng tốt hơn năm 2020, thưa ông?
Ông Lê Mạnh Hùng: Nhìn tổng thể, chúng tôi nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 có nhiều điểm tích cực hơn so với năm 2019.
Cụ thể, bối cảnh kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, trong đó điểm sáng là tăng trưởng kinh tế ở mức khả quan với các yếu tố lạm phát, tỷ giá đều được điều hành linh hoạt và kiểm soát chặt chẽ.
Cùng với đó, áp lực tăng lãi suất huy động trên thị trường dù vẫn tồn tại nhưng không mạnh bằng năm 2019.
Do đó, quy mô thị trường chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục có sự phát triển trong năm 2020 với xu hướng vận động quanh một mặt bằng giá cao hơn.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại đôi chút so với năm 2019 và sự tăng trưởng nhiều khả năng sẽ mang tính phân hóa và chọn lọc hơn.
Tâm điểm trong năm 2020 sẽ là sự “thay đổi” để thích nghi và tồn tại trong bối cảnh mới.
Cụ thể, sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Với đặc thù cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực của Việt Nam như hiện tại, chúng tôi cho rằng, Việt Nam sẽ nghiêng nhiều hơn về hướng đón nhận những nhóm ngành thâm dụng lao động.
Theo đó, sự cạnh tranh gay gắt hơn trên thị trường lao động sẽ khiến đà tăng trưởng của các doanh nghiệp phần nào bị hạn chế trong ngắn hạn, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy quá trình đổi mới và sàng lọc mô hình kinh doanh để tạo ra tăng trưởng thực chất trong dài hạn.
PV: Như ông có nói, quy mô thị trường chứng khoán tiếp tục có sự phát triển trong năm 2020 với xu hướng vận động quanh một nền giá cao hơn và sự tăng trưởng mang tính phân hóa và chọn lọc. Ðiều này tạo cơ hội cụ thể như thế nào đối với thị trường và nhà đầu tư?
Ông Lê Mạnh Hùng: Về kỳ vọng cụ thể, chúng tôi cho rằng, vẫn có những nhóm doanh nghiệp với lợi thế đặc thù sẽ ghi nhận chuyển biến tích cực vượt hơn so với phần còn lại trên thị trường, đó là những doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi và được hưởng lợi từ hoạt động chuyển dịch sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, tiêu biểu là nhóm cảng biển - logistics; ngân hàng.
Ngoài ra, nhóm hàng tiêu dùng với ưu thế về cơ cấu dân số và sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu cũng như tốc độ đô thị hóa cũng được hưởng lợi.
Bên cạnh đó, một số nhóm còn dư địa tăng trưởng là nhóm doanh nghiệp phát triển bất động sản có các dự án xung quanh các đô thị loại 1, hay nhóm doanh nghiệp với “câu chuyện riêng” liên quan đến tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, mua bán sáp nhập, niêm yết mới…
PV: Kết quả cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2019 vừa qua đạt quá thấp khiến mảng tư vấn và IB trên thị trường chứng khoán Việt Nam dường như rất trầm lắng. Theo ông, cơ hội có dồn sang năm 2020 không?
Ông Lê Mạnh Hùng: Hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn chịu ảnh hưởng lớn từ những thay đổi về chính sách. Những thay đổi đó khiến cho nhiều doanh nghiệp lúng túng trong cách thực hiện (đặc biệt liên quan đến việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa và/hoặc xác định giá khởi điểm).
Theo quy định tại Nghị định 126/2019/NÐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2019, các doanh nghiệp nhà nước phải xây dựng được phương án sử dụng đất để làm tiền đề xây dựng phương án cổ phần hóa.
Cụ thể, các doanh nghiệp cổ phần hóa phải rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Ðất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước và trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa.
Thực tế trong năm 2019, nhiều tập đoàn, tổng công ty phải xin giãn tiến độ cổ phần hóa vì hầu hết bị chậm trễ trong công tác trình duyệt, phê duyệt phương án sử dụng đất.
VCBS đánh giá đây là khó khăn, vướng mắc lớn nhất làm kéo dài quá trình cổ phần hóa vì nguồn gốc đất đai của doanh nghiệp nhà nước qua một thời gian dài rất phức tạp.
Ðồng thời, việc xác định giá trị doanh nghiệp quy định tại Nghị định 32/2018/NÐ-CP (có hiệu lực từ 1/9/2018) cũng đang gặp nhiều vướng mắc do chưa có quy định cụ thể về cách tính toán lợi thế quyền thuê đất và giá trị văn hóa lịch sử.
Vướng mắc là vậy nên có thể thấy trong năm 2019, thị trường thiếu vắng hẳn các đợt IPO, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước lớn so với năm 2018.
Tuy nhiên, việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 26/2019/QÐ-TTg về việc phê duyệt danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 thể hiện quyết tâm rất cao của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, nhằm thúc đẩy tiến độ triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo ra nhu cầu lớn đối với dịch vụ tư vấn cổ phần hóa nói riêng và đối với dịch vụ tư vấn tài chính doanh nghiệp nói chung trong năm 2020.
PV: Nghĩa là cơ hội đối với mảng IB đối với khối công ty chứng khoán trong năm 2020 là rất lớn, VCBS đã chuẩn bị như thế nào để đón cơ hội này?
Ông Lê Mạnh Hùng: Chúng tôi coi đây là mảng hoạt động cốt lõi và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phát triển của Công ty.
Trước những cơ hội đang mở ra, VCBS đã và đang chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để có thể đẩy mạnh phát triển hơn nữa việc tập trung xây dựng các sản phẩm có cấu trúc phức tạp, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng và được thị trường đón nhận.
Năm 2019, VCBS đã ghi nhận khởi đầu thành công với sản phẩm trái phiếu dự án có bảo lãnh của CGIF (là sự kết hợp linh hoạt giữa khoản vay, trái phiếu và mua lại trước hạn).
Trong các năm tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh loại hình sản phẩm này với nhiều đối tác cung cấp dịch vụ bảo lãnh khác, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn ổn định với chi phí hợp lý.
PV: Theo ông, những yếu tố nào có giá trị quyết định sức cạnh tranh của khối công ty chứng khoán trong bối cảnh kinh doanh mới?
Ông Lê Mạnh Hùng: Theo tôi, đó là chất lượng dịch vụ và giá - phí, lãi suất vay… Với một doanh nghiệp cung cấp nền tảng trung gian phục vụ nhà đầu tư như VCBS, chất lượng dịch vụ được chúng tôi nhìn nhận chính là thứ mang lại giá trị “hữu hình” - doanh thu của doanh nghiệp.
Theo đó, chúng tôi không chỉ hỗ trợ khách hàng tối ưu hóa chi phí giao dịch và các chi phí liên quan khác khi đồng hành cùng VCBS, mà còn luôn cải thiện chất lượng dịch vụ nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất đến từng khách hàng, dù đó là đại diện của các doanh nghiệp, tổ chức hay mỗi cá nhân cụ thể.
Năm 2020, không dừng lại ở việc tiếp tục tối ưu cả “lượng” và “giá” đến khách hàng, chúng tôi hướng đến tầm cao hơn là xây dựng mô hình bán hàng tiệm cận với thực tiễn quốc tế cũng như phối hợp tốt hơn với bước chuyển mình của ngân hàng mẹ trong thời kỳ mới.
Trong đó, những yếu tố tiên quyết là nền tảng công nghệ để lưu trữ và quản lý cơ sở dữ liệu một cách bài bản và hệ thống hóa, hoạt động quản trị rủi ro minh bạch và hiệu quả, nguồn lực về vốn và nhân sự đảm bảo về cả lượng và chất.
Bước sang thập kỷ mới, chúng tôi nhìn nhận môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để tiếp tục nâng tầm vị thế và thể hiện rõ nét hơn những tiềm năng của VCBS. Chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu xuyên suốt, nhưng linh hoạt trong cách thực hiện để thích nghi với tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng.