Aa

Thấy gì qua chỉ số FDI vào bất động sản quý III?

Nguyên Hà
Nguyên Hà lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 21/11/2020 - 11:00

Tổng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đang tăng 400% so với quý II/2020 cho thấy, dịch bệnh chỉ tác động trong ngắn hạn, bất động sản vẫn là một kênh hấp dẫn dòng vốn FDI.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đang tăng dần theo quý, từ 0,586 tỷ USD (quý II/2020) lên 2,35 tỷ USD (quý III/2020) (tăng 400%). 

Như vậy, dù thị trường bất động sản quý III chịu tác động kép của Covid-19 đợt 2 và tháng ngâu nhưng tổng vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản vẫn tăng mạnh. 

Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu tốt cho việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của lĩnh vực bất động sản nói riêng và đóng góp quan trọng đối với đầu tư phát triển kinh tế nói chung. Đồng thời, chỉ số này cũng cho thấy, thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ và vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

“Hiện nay vốn FDI vào bất động sản vẫn luôn là 1 trong 3 lĩnh vực thu hút FDI nhiều nhất tại Việt Nam (hai lĩnh vực còn lại là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất điện). Tôi cho rằng, cùng với việc kiểm soát tốt dịch bệnh, kinh tế Việt Nam đang phục hồi khá, dòng vốn FDI (kể cả đầu tư vào bất động sản) cũng sẽ hồi phục khá trong thời gian tới", TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay.

Bất động sản công nghiệp là điểm sáng thu hút dòng vốn FDI.

Các chuyên gia cũng nhận định, trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực; kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và điểm đến là Việt Nam đang được đẩy nhanh; việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, bất động sản công nghiệp, thương mại, dịch vụ được cho là điểm sáng trong việc đón làn sóng FDI mới.

Theo phân tích của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty CBRE Việt Nam, các điều luật mới đã mở rộng cửa cho những nhà kinh doanh nước ngoài có quyền sở hữu đầy đủ với các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, nơi có chi phí vốn thấp hơn và chi phí nhân công rẻ hơn so với các nước láng giềng trong khu vực, điều này sẽ đẩy mạnh hoạt động giao dịch của các nhà máy, kho vận, cơ sở hậu cần và khu công nghiệp.

Hơn nữa, những công ty quốc tế đang muốn tận dụng mức độ đô thị hóa nhanh và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam để có thể thu mua toàn bộ các tài sản thương mại và phức hợp ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, nhằm thiết lập cơ sở kinh doanh trong nước và khu vực, đồng thời, tiến hành các hoạt động thương mại, bán lẻ.

“Chính thực tế này giúp hoạt động thu mua bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh, nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh”, ông Marc Townsend nhận định.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, dịch bệnh Covid-19 đã xúc tác, thúc đẩy tiến trình dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước Asean nhanh hơn, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình hút vốn FDI này cũng cần có sự chọn lọc.

“Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến rất tiềm năng, chính vì vậy, Việt Nam cần sàng lọc nhà đầu tư theo chủ trương chung hiện nay. Đồng thời, sớm hoàn thiện thể chế mà thực chất là môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng KCN và dịch vụ đi kèm để nâng cao năng lực hấp thụ và sàng lọc dòng vốn đầu tư này”, ông Lực nhấn mạnh. 

Thu hút có chọn lọc nguồn vốn FDI sẽ đem lại hiệu quả cao cho thị trường bất động sản. Đó là sự đầu tư lớn, bài bản vào những dự án đồng bộ, chất lượng. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, FDI là nguồn vốn đắc lực cho bất động sản công nghiệp, bên cạnh đó là bất động sản nghỉ dưỡng trong thời gian tới. Tuy nhiên, để dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản Việt Nam mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thì quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lựa, có tính toán và phù hợp với quy hoạch.

Trước hết, cần có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch phát triển bất động sản hợp lý, ổn định, phù hợp với nhu cầu phát triển ngắn hạn, trung và dài hạn. Quy hoạch hợp lý đầu tư bất động sản sẽ giúp đáp ứng đầy đủ, kịp thời các cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng “dồn cục”, “phân bố không đều” và “ứ đọng” các dự án.

Thứ hai, cần hoàn thiện một cách chi tiết, cụ thể các cơ chế, chính sách pháp lý có liên quan đến việc mua bán, sở hữu và sử dụng các loại bất động sản khác nhau. Về nguyên tắc thị trường, việc mua bán chỉ được thực hiện khi có sản phẩm hàng hóa đúng nghĩa. Tuy nhiên, do giá trị lớn, thời gian xây dựng lâu dài, Việt Nam đã chấp nhận cho các chủ đầu tư “bán trước” các sản phẩm. Nhưng các quy định pháp lý thiếu cụ thể, chưa chặt chẽ nên xảy ra nhiều tranh chấp. Hơn nữa, hình thức “căn hộ dịch vụ du lịch” (condotel) chưa có các định nghĩa, các quy định pháp lý cụ thể nên cũng đang là vấn đề nổi cộm của thị trường.

Thứ ba, cần tạo ra “bộ lọc” các nhà đầu tư và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, về thiết kế, dự toán, về khả năng xây dựng và quản lý các dự án để lựa chọn được các nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, có thực lực, có khả năng kết nối thị trường du lịch, bất động sản quốc tế để đưa thị trường bất động sản Việt Nam lên tầm cao mới, kết nối và liên thông với cộng đồng quốc tế.

"Trước bối cảnh nguồn vốn đổ vào bất động sản đang bị hạn chế khi ngân hàng tiếp tục động thái siết tín dụng, dòng chảy FDI đang được đánh giá là phương án hỗ trợ kịp thời và đắt giá cho các chủ đầu tư phát triển dự án", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh thêm.  

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top