Aa

Thấy gì từ dòng tiền kinh doanh của Coteccons?

Thứ Tư, 26/04/2023 - 09:59

Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của Coteccons (HoSE: CTD) âm rất nặng, song đằng sau con số này lại là một câu chuyện đáng kể.

2022 là một năm ngập tràn khó khăn đối với ngành xây dựng. Tuy nhiên, với CTD, đây lại là một năm mang dấu ấn khi công ty này lần đầu tiên có được tăng trưởng kể từ khi ông Bolat Duisenov lên “nắm quyền”.

Theo đó, năm 2022, Coteccons gặt hái 14.437 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 60% so với năm trước, hoàn thành 97% kế hoạch năm; thu về 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, dù giảm 12% so với năm trước nhưng lại vượt 5% kế hoạch.

Trong năm, Coteccons đã thắng thầu hơn 50 dự án với tổng giá trị xây dựng hơn 25.000 tỷ đồng, điển hình là các dự án: Lego, VinFast, Ecopark, Diamond Crown Hải Phòng. Đây là nguồn backlog đem lại doanh số lớn trong tương lai. Bên cạnh đó, CTD cũng bàn giao cho khách hàng 18 dự án trong năm 2022 và hoàn thành đóng bảo hành cho 19 dự án - lớn nhất trong vòng 3 năm trở lại đây, lần lượt tăng 375% so với năm 2020 và 27% so với năm 2021.

Tuy nhiên, điểm trừ của CTD là năm qua dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng lên rất mạnh, vượt quá 1.049 tỷ đồng – hệ quả của tình trạng công nợ phải thu tăng tới 48%, đạt 12.638 tỷ đồng, chiếm hơn 60% tổng tài sản, lớn chưa từng có. Chính điều này đã bào mòn dữ dội lợi nhuận của CTD.

Cùng vì các khoản công nợ tăng quá nhanh và quá lớn, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ của hàng tồn kho mà năm 2022, dòng tiền kinh doanh của CTD âm nặng 1.627 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp âm dòng tiền kinh doanh (nếu loại trừ năm 2021). Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2020, dòng tiền kinh doanh của CTD lần lượt là: -567 tỷ đồng, -339 tỷ đồng và -934 tỷ đồng.

Việc dòng tiền kinh doanh của CTD liên tiếp âm nặng chủ yếu xuất phát từ việc các chủ đầu tư dự án mà CTD thi công gặp khó khăn rất lớn về tài chính, dẫn đến chậm trễ thanh toán. Thống kê cho thấy CTD có tới 16 dự án phát sinh nợ khó đòi phải trích lập trong các năm qua.

Tại ĐHĐCĐ, khi cổ đông chất vấn câu chuyện dòng tiền, ban lãnh đạo CTD lý giải dòng tiền kinh doanh năm 2022 âm nặng là do công ty đẩy mạnh hoạt động thi công các dự án - tạo ra sự tăng trưởng doanh thu. Ảnh: Bình An 

Tuy vậy, có một sự khác biệt khá tinh vi với dòng tiền kinh doanh năm 2022 của CTD. Mặc dù vẫn trong tình trạng âm như các năm nhưng căn nguyên của tình trạng âm trong năm 2022 lại là do CTD đã đẩy mạnh hoạt động thi công các dự án.

Ngành xây dựng có đặc thù là nhà thầu phải tự ứng trước để thi công, sau đó chủ đầu tư mới nghiệm thu khối lượng và thanh toán, độ trễ thường là 2 – 3 tháng. Với việc thi công tới 65 dự án trong năm 2022, CTD đã bị “ngốn” một khoản tiền khổng lồ. Nói cách khác, chính việc đẩy tiền ra này là nguyên nhân chủ yếu khiến dòng tiền kinh doanh âm nặng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không phải quá lo lắng, bởi việc đẩy tiền ra ngoài này chính là tác giả của màn tăng trưởng ấn tượng về doanh thu cho CTD trong năm 2022. Và với việc đánh giá kỹ lưỡng đối tác cũng như tăng cường kiểm soát rủi ro, các khoản công nợ phải thu của CTD được nhìn nhận là có tỷ lệ nợ xấu tương đối thấp. Do đó, tiền sẽ bắt đầu chảy về từ đầu năm 2023, giúp cân bằng dòng tiền.

Thực tế cho thấy dòng tiền kinh doanh quý I/2023 của CTD đã dương rất ấn tượng (1.239 tỷ đồng), đối nghịch hoàn toàn với tình trạng âm 325 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là CTD tăng các khoản phải trả nhưng rõ ràng có sự đóng góp không nhỏ của việc giảm hàng tồn kho (310 tỷ đồng), là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.

Một cơ sở khác củng cố cho nhận định tỷ lệ nợ xấu trong công nợ phải thu của CTD không nhiều là áp lực trích lập dự phòng đã giảm rất mạnh trong năm 2023. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, bà Cao Thị Mai Lê, kế toán trưởng của CTD hé lộ năm 2023, công ty ước tính trích lập dự phòng chỉ khoảng 172 tỷ đồng. So với năm 2022, con số này đã giảm hơn 2 lần.

Năm 2023, CTD đặt mục tiêu doanh thu năm tài chính (kết thúc ngày 30/6/2023) là 7.644 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 44 tỷ đồng; mục tiêu doanh thu cả năm 2023 là 16.537 tỷ đồng, tăng 12% và lợi nhuận sau thuế 233 tỷ đồng, tăng 1.010% so với năm 2022. Với nền tảng backlog chuyển tiếp tới 17.000 tỷ đồng, chưa tính dự án Lego đã có giấy phép xây dựng, CTD có cơ sở để tự tin cho kế hoạch này. Nhưng cũng cần thấy rằng, việc giảm được dự phòng là một yếu tố rất quan trọng, bởi năm 2022, nếu không phải trích lập tới 388 tỷ đồng, CTD đã có thể có lãi hơn 300 tỷ đồng sau thuế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top