Cổ đông không “mặn mà” đi họp, đại hội bất thành
Khác với những năm trước, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay của các doanh nghiệp bất động sản có nhiều điểm khá đặc biệt. Thay vì được tổ chức vào tháng 3 và tháng 4 như mọi năm, phần lớn các doanh nghiệp bất động sản năm nay xin dời lịch ĐHĐCĐ đến cuối tháng 6.
Dù vậy, khi tháng 6 đã đi qua, mùa ĐHĐCĐ khép lại, nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể tổ chức thành công đại hội vì thiếu cổ đông tham dự.
CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) là một ví dụ. Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 1 của LDG được tổ chức bất thành do không đủ số lượng cổ đông. Đến ngày 22/6, Công ty này tổ chức ĐHĐCĐ lần 2 song cũng không thành công.
Theo kết quả kiểm tra tư cách đại biểu, tổng số cổ đông và ủy quyền tham gia là 217 người, đại diện cho hơn 41 triệu cổ phiếu đang lưu hành, chiếm 16,26% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Căn cứ theo các quy định, đại hội không đủ điều kiện để tiến hành. Vì vậy, Công ty này phải triệu tập ĐHĐCĐ lần 3 trong vòng 20 ngày kể từ ngày 22/6.
Trước đó ngày 28/6, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của DIC Corp (mã: DIG) cũng diễn ra không thành công với lý do tương tự. Tính đến 14 giờ 45 phút, đại hội chỉ đạt 533 cổ đông trực tiếp và ủy quyền tham dự, chiếm 36,91% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Dù Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn đã “xin phép” cổ đông đợi thêm 1,5 tiếng, song vẫn không đủ tỷ lệ quyền biểu quyết của cổ đông tham gia. Thậm chí trước thềm đại hội, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã gửi thư đến cổ đông bày tỏ mong muốn cổ đông trực tiếp tham dự, tham gia đóng góp ý kiến, thảo luận các vấn đề trình đại hội thường niên.
Mới đây nhất, vào sáng ngày 30/6, ĐHĐCĐ thường niên 2023 CTCP Tập đoàn CEO (mã: CEO) cũng diễn ra không thành công do đại hội chỉ có số cổ đông đại diện 35,42% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Trong khi đó, cách đây một năm, ĐHĐCĐ Tập đoàn CEO đã từng không đủ chỗ cho cổ đông ngồi do số lượng cổ đông đến họp lớn hơn nhiều so với dự kiến. Cổ đông ngồi chật tầng 6 tòa tháp CEO Tower trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) và phải ngồi thêm trên tầng 9 theo dõi trực tuyến đại hội. Phiên thảo luận của đại hội 2022 cũng vô cùng “nóng” với hơn 100 câu hỏi và màn đối đáp diễn ra gần 1 giờ.
Kế hoạch lợi nhuận đưa ra thấp hơn năm trước
Với những doanh nghiệp bất động sản tổ chức ĐHĐCĐ 2023 thành công, có một điểm chung dễ dàng nhận thấy là báo cáo tài chính không còn được bút toán với các khoản thu tài chính như mọi năm. Thay vào đó, các doanh nghiệp đều thẳng thắn thừa nhận những khó khăn cũng như đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn năm trước.
Trước áp lực nợ lớn và hàng tồn kho tăng cao, các doanh nghiệp đều nhận thức được rằng, thời điểm hiện tại là lúc các doanh nghiệp phải ưu tiên quản trị rủi ro và tái cấu trúc thay vì lợi nhuận, tăng trưởng.
Đất Xanh Services (mã: DXS) - một đơn vị thành viên của Tập đoàn Đất Xanh đã lên kế hoạch đi lùi, với doanh thu hợp nhất dự kiến đạt 3.800 tỷ đồng, bằng 92% so với kết quả thực hiện năm 2022 và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 126 tỷ đồng, giảm 62% so với thực hiện năm 2022.
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô cũng công bố kế hoạch kinh doanh trong năm nay với các chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 3.040 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.053 tỷ đồng, giảm gần 24% so với kết quả thực hiện năm 2022.
Hà Đô cho biết, trong năm nay, công ty chỉ chú trọng phát triển các dự án bất động sản và năng lượng trọng điểm… để tạo nguồn việc cho công ty và duy trì nguồn thu, thay vì định hướng tăng trưởng như những năm trước.
Hay Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex cũng công khai tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 1.634 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 500 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và 2% so với năm ngoái.
Doanh nghiệp đang ở giới hạn của sức chịu đựng
Có thể nói, mùa ĐHĐCĐ 2023 là bức tranh phản chiếu rõ nhất sức khoẻ các doanh nghiệp bất động sản. Không tự nhiên các doanh nghiệp dời lịch đại hội, cũng không tự nhiên các doanh nghiệp “cài số lùi” cho kế hoạch kinh doanh thay vì “tô hồng”. Phải thực sự rơi vào cảnh “khó chồng khó”, đạt đến giới hạn của sức chịu đựng thì doanh nghiệp mới thẳng thắn thừa nhận sự suy yếu của chính mình trước hội đồng cổ đông để mong nhận được sự thông cảm và đồng hành từ họ.
Và như Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng, tăng cường tái cấu trúc nhưng vẫn không đủ sức để “ngoi lên”.
Minh chứng là trong 5 tháng đầu năm 2023, 554 doanh nghiệp bất động sản đã giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới chỉ có 1.744 doanh nghiệp, giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng quý I/2023, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản đã giảm 6,46% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so với cùng kỳ năm 2022.
“Doanh nghiệp bất động sản đang ở giới hạn của sức chịu đựng. Trạng thái này không thể duy trì được lâu nếu không có những giải pháp hỗ trợ kịp thời”, VARS nhận định.
Thực tế khó khăn chưa tìm ra lối thoát của các doanh nghiệp bất động sản hiện tại cũng là cơ hội để nhìn nhận lại hiệu quả các chính sách giải cứu thị trường bất động sản từ phía Chính phủ suốt thời gian qua.
Đã gần 1 năm kể từ khi Chính phủ ban hành những chính sách đầu tiên, nhưng dường như, các chính sách vẫn chưa đến được với doanh nghiệp. Khoảng cách từ chính sách đến thị trường, doanh nghiệp còn quá xa nên doanh nghiệp vẫn chìm trong đầy rẫy những vướng mắc về dòng vốn, pháp lý, thanh khoản...
Vì vậy, để đưa doanh nghiệp thoát khỏi “vũng bùn lầy” hiện nay, không chỉ cần sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp mà cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan nhà nước. Đó phải là sự hợp lực từ nhiều phía thì động lực mới đủ mạnh để thị trường lấy lại phong độ./.