Aa

Thay nợ xấu bằng trái phiếu sẽ gặp khó?

Thứ Tư, 12/01/2022 - 06:00

Ngày 15/1 tới đây, Thông tư 16/2021/TT-NHNN sẽ chính thức có hiệu lực với nhiều quy định chặt chẽ về hoạt động mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của ngân hàng thương mại.

Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong 3 trường hợp: Doanh nghiệp phát hành TPDN để cơ cấu nợ; để góp vốn mua cổ phần; để tăng vốn.

Về quy định các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại các khoản vay có vấn đề/quá hạn, SSI Research cho rằng, điều này sẽ gây khó khăn hơn cho các công ty trong việc thay thế các khoản nợ xấu bằng trái phiếu mới phát hành.

Thông tư mới quy định tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi doanh nghiệp đáp ứng nhiều điều kiện như: Mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hợp pháp và phù hợp với phương án phát hành trái phiếu và/hoặc phương án sử dụng vốn; doanh nghiệp phát hành cam kết mua lại trái phiếu trước hạn khi thay đổi mục đích sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu hoặc vi phạm quy định pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vi phạm phương án sử dụng vốn; doanh nghiệp phát hành không được có nợ xấu trong vòng 12 tháng gần nhất và phải có khả năng tài chính để đảm bảo thanh toán đủ gốc và lãi trái phiếu đúng hạn.

Thông tư 16 cũng quy định ngân hàng phải giám sát dòng tiền của doanh nghiệp phát hành sau khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án, cam kết với tổ chức tín dụng, thì tổ chức tín dụng yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn. Trong thời gian nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, tối thiểu định kỳ 6 tháng/lần, tổ chức tín dụng đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, đánh giá tình hình tài chính, khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp phát hành.

Cơ cấu nợ bằng trái phiếu của ngân hàng sẽ được siết chặt từ ngày 15/1 tới đây.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, việc ban hành Thông tư 16/2021/TTNHNN quy định các hoạt động được phép đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng là phù hợp và cấp thiết đối với thị trường. Nhìn chung, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng tổng chung.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Không nên dùng trái phiếu để đảo nợ, gây rủi ro cho nền kinh tế. Doanh nghiệp kinh doanh khó khăn sẽ phát hành trái phiếu, ngân hàng mua lại và doanh nghiệp dùng số tiền bán trái phiếu thu về để trả nợ ngân hàng. Nói cách khác, đây là một cách ngân hàng và doanh nghiệp bắt tay nhau dùng trái phiếu doanh nghiệp để đảo nợ.

Với các nhà đầu tư, khi đầu tư cho trái phiếu ngân hàng trung và dài hạn thì các trái phiếu này tất nhiên là tốt, vì rủi ro thấp. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng như các khách hàng không nên dùng trái phiếu để đảo nợ vì trên nguyên tắc, các ngân hàng không thể dùng việc mua trái phiếu của một doanh nghiệp đã nợ mình để tái cơ cấu nợ, điều đó không hợp lệ.

Lý giải cụ thể hơn, ông Hiếu cho rằng, chẳng hạn khi khách hàng vay ngân hàng, nhưng  không có khả năng để trả nợ, thì khách hàng sẽ là người phát hành trái phiếu và ngân hàng mua trái phiếu đó. Tức là các đơn vị dùng cách phát hành trái phiếu như một hình thức đảo nợ xấu trở thành nợ tốt, bởi vì khi mua trái phiếu của doanh nghiệp, nợ đó được tính như tín dụng thông thường và nợ ấy lại là nợ tốt, trong khi nợ xấu tại ngân hàng thì bị xóa đi.

"Nó là một cái hiện tượng mà nhìn từ góc độ các doanh nghiệp, tôi khuyến cáo các doanh nghiệp không nên sử dụng những đòn bẩy như thế này để xóa đi nợ xấu. Đồng thời, các ngân hàng cũng không tìm cách đảo nợ mà mua trái phiếu của doanh nghiệp để xóa nợ xấu của họ. Làm như thế, hệ thống tài chính sẽ rơi vào tình trạng có rất nhiều nợ xấu nhưng lại được xóa đi và được phình to như nợ tốt, khiến cho nợ xấu bị hiểu sai lệch, làm gia tăng rủi ro cho nền kinh tế", TS. Hiếu phân tích./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top