Aa

Trái phiếu “3 không” sắp hết đường sống

Thứ Sáu, 31/12/2021 - 16:30

Xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp không phải là “cây đũa thần” hô biến mọi rủi ro nhưng có thể giúp nhà đầu tư hạn chế việc mất tiền oan.

Bộ Tài chính mới đây công bố báo cáo cho biết: Chỉ riêng 11 tháng đầu năm, trên 495.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành thành công. Trong đó, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ chiếm đến 94,5%.

Liên tục lỗ vẫn phát hành trái phiếu

Theo Bộ Tài chính, trong số TPDN phát hành riêng lẻ những tháng đầu năm nay có đến hơn 49% không có tài sản đảm bảo. Mặc dù tỷ lệ trái phiếu có tài sản đảm bảo cao nhưng thực tế chất lượng tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN.

Bộ này cũng ghi nhận trên thị trường vẫn có trường hợp DN phát hành trái phiếu với khối lượng lớn hơn nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, trong khi kết quả sản xuất, kinh doanh liên tục thua lỗ qua các năm. Đáng lo ngại, trong hơn 100 công ty bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay thì có đến 26 đơn vị ghi nhận lỗ trong sáu tháng đầu năm.

Các chuyên gia cũng liên tục cảnh báo: Thời gian gần đây, trái phiếu kiểu “3 không”, tức không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán xuất hiện nhiều trên thị trường. Điều này không chỉ gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư mà cho cả nền kinh tế.

Trước tình trạng trên, Bộ Tài chính mới đây công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020 về phát hành TPDN riêng lẻ. Dự thảo này bổ sung nhiều nội dung mới, ví dụ bổ sung quy định xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu; đẩy nhanh việc thiết lập thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tại sở giao dịch chứng khoán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Cơ quan quản lý đang triển khai nhiều giải pháp để thị trường trái phiếu trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả. Ảnh: TL 

Siết trái phiếu là đúng nhưng chưa đủ

 

Nhiều chuyên gia nhận định thị trường TPDN gần đây có dấu hiệu tăng trưởng rất nóng, xuất hiện tình trạng huy động vốn thông qua trái phiếu chưa tuân thủ quy định của pháp luật. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung mới về phát hành trái phiếu là cần thiết để thị trường này tiếp tục phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường FiinGroup, nêu quan điểm, dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đưa ra yêu cầu DN phát hành riêng lẻ chào bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân cũng phải xếp hạng tín nhiệm. Điều này là cần thiết bởi dựa vào xếp hạng tín nhiệm, nhà đầu tư cá nhân sẽ biết được trái phiếu phát hành nằm ở mức tốt hay xấu. Từ đó nhà đầu tư có thể xác định lãi suất DN áp dụng có phù hợp hay không và quyết định nên mua trái phiếu của công ty nào, mua nhiều hay ít, phân bổ tài sản ra sao cho phù hợp...

Tuy nhiên, xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”. Nói cách khác, để thị trường này phát triển lành mạnh thì cần kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ như chuẩn hóa điều kiện phát hành; thiết lập thị trường giao dịch thứ cấp chuyên biệt; công bố minh bạch thông tin DN; xếp hạng tín nhiệm DN phát hành...

Ông Thuân cũng góp ý rằng, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về quy định mục đích phát hành trái phiếu, nghĩa là các công ty phát hành trái phiếu khi muốn thay đổi mục đích sử dụng vốn phải xin ý kiến của nhà đầu tư (trái chủ) nêu trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020. Bởi nếu không, quy định này có nguy cơ bóp nghẹt kênh huy động vốn của DN. “Việc siết phát hành trái phiếu riêng lẻ là cần thiết nhưng quản lý thế nào để vẫn phát huy được kênh huy động vốn trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều ngành bị đứt gãy dòng tiền”, ông Thuân nói.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia - Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam bài bản hơn thì bên cạnh việc siết trái phiếu kiểu “3 không”, nhà quản lý cần hạn chế hoạt động kiểm soát theo kiểu “giật cục, đùng một cái”. Thay vào đó, nhà quản lý nên có những quy định cụ thể, yêu cầu DN phải có xếp hạng tín nhiệm để đánh giá, phân tích mức độ rủi ro của các loại trái phiếu.

 

Đừng chỉ thấy lãi suất cao là lao vào mua

Ông Dương Anh Vũ, chuyên gia tài chính khuyến nghị: Khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu DN phát hành hay tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính, bao gồm cả tình hình huy động vốn trái phiếu. Đồng thời cần phải biết rõ mục đích phát hành trái phiếu dùng cho dự án nào, tài sản đảm bảo của trái phiếu ra sao.

Ngoài ra, sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật tình hình tài chính, khả năng trả nợ của DN phát hành cũng như việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không.

Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư cần hết sức lưu ý lãi suất cao đi kèm với rủi ro cao. Do vậy, nhà đầu tư phải hết sức thận trọng, đánh giá kỹ các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top