Aa

Thay tên đổi họ, dự án có “hoá rồng”?

Thứ Ba, 24/10/2017 - 02:56

Trải qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế 2007 – 2010, nhiều doanh nghiệp khởi động lại dự án bằng cách thay tên nhưng “bình mới rượu cũ” có giúp các nhà đầu tư đổi vận?

Có thể nói, 2008 là một năm khó quên với giới bất động sản Việt Nam. Từ tháng 12/2007 đến 2/2008, giá nhà đất đã tăng bình quân 300%, thậm chí có nơi tăng đến 500%. Một số dự án xây dựng chung cư tung hàng ra bán ngay thời điểm thị trường đang "khát", chủ đầu tư vớ bở.

Thị trường thời “rung lắc”

Cuốn theo xu hướng bong bóng phình to của thị trường bất động sản thế giới, các nhà đầu tư liên tiếp đề xuất, xây dựng các dự án với quy mô khá lớn, trên diện rộng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, sau khi tín dụng nhà đất ở Mỹ bị khủng hoảng nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam cũng chịu rất nhiều ảnh hưởng, các nhà đầu tư ở Việt Nam lâm vào thế không đủ kinh phí và nguồn lực để thực hiện dự án.

Chính vì sự phụ thuộc khá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài nên chỉ cần thị trường tài chính thế giới rung động thì ngay lập tức trị trường trong nước cũng sẽ lung lay. Cứ thế lao dốc, thị trường bất động sản trong nước gần như không tìm được hướng giải quyết.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách đổi tên dự án với mong muốn đổi được vận mệnh.

Nhiều doanh nghiệp chọn cách đổi tên dự án với mong muốn đổi được vận mệnh.

Tính đến thời điểm 30/11/2009, tổng dư nợ trong lĩnh vực bất động sản là 218 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 11% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng, tăng 36% so với thời điểm 31/12/2008 .

Trong hoàn cảnh, chính sách cho vay của các ngân hàng không ổn định, việc nguồn vốn cho bất động sản chỉ phụ thuộc vào ngân hàng khiến cho sự phát triển của thị trường này gặp rất nhiều bất ổn. Hầu hết các dự án bất động sản thường kéo dài trong nhiều năm. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi bị ngân hàng siết nợ trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng.

Năm 2010, nhà nước ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN quy định sẽ tăng hệ số rủi ro từ 100% lên 250% đối với các khoản vay kinh doanh bất động sản, đồng thời tăng hệ số an toàn vốn của các ngân hàng lên 9%. Chính vì điều đó đã làm các ngân hàng phải thu hẹp tín dụng cung ứng trong lĩnh vực này để đảm bảo an toàn vốn cho hệ thống ngân hàng.

Trong thị trường bất động sản nguồn vốn chủ yếu từ tín dụng ngân hàng thì đây không phải là điều tốt cho các doanh nghiệp. Hai năm sau khủng hoảng kinh tế thế giới, giới bất động sản chưa có lối đi nào để an tâm thực thi các dự án lớn.

Đổi tên sẽ "hoá rồng"?

Từ năm 2013, khi kinh tế đi vào phục hồi, tình hình thị trường bất động sản tăng mạnh trở lại, nhiều doanh nghiệp chọn cách đổi tên dự án với mong muốn đổi được vận mệnh.

Việc đổi vận nhờ đổi tên phải nhắc đến Dự án Castle Plaza. Trước năm 2014, dự án này được mọi người biết đến với những tai tiếng về chậm tiến độ và nợ tiền sử dụng đất. Sau khi được TNR Hodings Việt Nam tham gia quản lý, phát triển và đổi tên thành Goldmark City. Chỉ sau chưa đầy 2 năm tái khởi động, siêu dự án với 5.000 căn hộ này đã cơ bản xây xong thô và đang trong quá trình hoàn thiện.

Cũng tại Hà Nội, tòa CT3 cao 45 tầng, thuộc Tổ hợp căn hộ The Pride từng là tòa tháp cao nhất quận. Tuy nhiên, đến năm 2013, thời điểm dự án phải hoàn thành, tòa CT3 mới chỉ xây xong phần đế công trình và bị “đắp chiếu” trong thời gian dài. Đến khi tái khởi động trở lại, tòa CT3 được đổi sang cái tên khá Tây là HP Landmark Tower.

Sau khi đổi tên và có tiến độ thi công nhanh, những tai tiếng trước đó của tòa CT3 mờ dần. Cuối năm 2015, đầu năm 2016, Dự án HP Landmark Tower đã đổi vận khi hoàn thiện và bàn giao căn hộ cho khách mua nhà.

Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án khác như Dự án CT Number One (đổi tên từ dự án tai tiếng AZ Vân Canh), Dự án Thăng Long Victory (đổi tên từ Dự án City Garden Nam An Khánh), Dự án Gemek Tower Khu đô thị Lê Trọng Tấn (đổi tên từ Dự án Mekong Tower)… 

Nhưng không dễ

Theo các chuyên gia, việc đổi tên này là điều dễ hiểu, bởi các dự án này đã gắn với nhiều tai tiếng liên quan đến chậm tiến độ, nợ tiền sử dụng đất, hoặc bị khách hàng khiếu kiện trong quá khứ... Nhưng không phải bất kỳ dự án nào cũng thành công nhờ việc này.

Điển hình là dự án căn hộ cao cấp Babylon Residence 1 do Công ty TNHH tư vấn và kinh doanh nhà Đạt Gia làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 6/2009, dự kiến sẽ được hoàn thành đầu quý 1 năm 2012. Sau khi xong phần tầng hầm, chuyển sang triển khai vách tầng hầm và sàn 1 thì dự án “dậm chân tại chỗ”.

Năm 2013, dự án bắt đầu rục rịch trở lại với cái tên Dự án căn hộ Central Light. Không thu hút được khách hàng với tên mới, đơn vị chủ đầu tư tiếp tục ký kết biên bản hợp tác với CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC). Lúc này dự án tiếp tục được chuyển sang một tên gọi mới “lạ hoắc” đó là dự án Cheery 4 Apartment. Sau khi xây xong được tầng 1, dự án lại trở về án binh bất động dù đã hứa rằng sẽ giao nhà cho khách hàng vào năm 2014.

Ông Trần Ngọc Thành - Tổng Giám đốc Đất xanh miền Trung cho rằng, chủ đầu tư có thể thay tên dự án để phù hợp với chiến lược phát triển, như chiến lược phát triển xanh, phát triển thành khu tổ hợp căn hộ thương mại dịch vụ nhưng cũng có những dự án chủ đầu tư thay đổi tên để làm mới bản thân dự án, đặc biệt là ở những dự án đã dính “tai tiếng”, hoặc phù hợp hơn với chiến lược marketing sản phẩm nhằm thay đổi vận mệnh dự án, hoặc do dự án đổi sang một chủ đầu tư khác.

“Có rất nhiều lý do cho việc đổi tên một dự án bất động sản, nhưng theo tôi, tên chỉ là một thành tố nhỏ quyết định thành công của dự án. Bởi như người ta thường nói, chiếc áo không làm nên thầy tu, chỉ những dự án tốt mới bán được hàng. Do vậy các doanh nghiệp nên lấy hành động để chứng minh thực lực chứ không chỉ dựa vào vận mệnh” - ông Thành nhìn nhận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top