Aa

Thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tài chính nước ngoài: Quá khó?

Thứ Ba, 12/11/2019 - 06:30

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, để có thể thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tài chính nước ngoài cần phải có bảo hiểm về quyền sử dụng đất, đây là điều các hãng bảo hiểm tại Việt Nam không có.

Như đã thông tin, mới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp bà Stephanie von Friedeburg, Giám đốc điều hành Tổ chức tài chính quốc tế (IFC).

Tại buổi gặp gỡ, bà Stephanie von Friedeburg đề nghị Chính phủ Việt Nam cho phép các tổ chức tài chính quốc tế được nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất ở Việt Nam.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng cho biết pháp luật Việt Nam chưa quy định cho tổ chức tài chính quốc tế đa phương như IFC nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam.

Phó thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất này của IFC để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Để hiểu thêm về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng:

PV: Thưa TS, đề xuất định cho tổ chức tài chính quốc tế đa phương như IFC nhận thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam đã có từ lâu nhưng vì sao không thể thực hiện được?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Có nhiều lý do khiến cho việc thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại tổ chức tài chính nước ngoài gặp khó khăn.

Một là tổ chức tài chính nước ngoài rất khó thanh lý tài sản thế chấp đó. Ví dụ ra công chứng, các đơn vị công chứng thường không dám công chứng cho các tổ chức nước ngoài. Lí do là họ không xác nhận được tư cách pháp nhân cũng như sự chính xác của tổ chức nước ngoài đó.

Hai là nếu thanh lý tài sản bảo đảm tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài phải có luật sư Việt Nam tham gia, nhưng việc này không phải dễ dàng. Trong khi đó, các luật sư quốc tế lại không thể hành nghề tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ba là vấn đề đất đai, sổ đỏ, sổ hồng ở Việt Nam rất rắc rối, thành ra về nguyên tắc thì có thể nhưng thực tế lại rất khó thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Thế chấp cho người trong nước đã khó, thế chấp cho tổ chức tài chính nước ngoài còn khó hơn.

PV: Vậy phải làm thế nào để có thể tháo gỡ vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Chúng ta biết Hiến pháp Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước làm đại diện chủ sở hữu, nghĩa là không có bất cứ tổ chức kinh tế nào, người dân nào được sở hữu đất đai.

Vì quy định như vậy nên ở Việt Nam không có bảo hiểm về quyền tư hữu đất đai, mà đã không có bảo hiểm thì các tổ chức tài chính nước ngoài không thể nhận thế chấp được.

Tôi cho rằng, trước mắt, có thể tháo gỡ vướng mắc bằng việc phát triển loại bảo hiểm về quyền sử dụng đất/thuê đất có bảo hiểm thì sẽ thế chấp được.

PV: Vậy tại sao trong thời gian qua lại không có loại bảo hiểm này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Vì các hãng bảo hiểm Việt Nam được tái bảo hiểm bởi các hãng bảo hiểm quốc tế mà các hãng quốc tế lại không nắm được vấn đề đất đai tại Việt Nam.

Chúng ta thấy Chính phủ có quyền quy hoạch bất cứ vùng đất nào. Không ai có thể chống lại quyền quy hoạch của Chính phủ. Chính vì thế các hãng bảo hiểm quốc tế sợ rằng nếu họ bảo hiểm quyền thuê đất ở chỗ nào đó, nếu chỗ đó lại bị Chính phủ quy hoạch thì họ không thể cưỡng lại. Mà ở Việt Nam, sẽ chẳng có tòa án nào thụ lí việc khởi kiện giữa doanh nghiệp với chính quyền. Vì thế, không có hãng bảo hiểm nào dám nhảy vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên tôi cho rằng đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đã thị trường hơn. Với sự hỗ trợ và cam kết của Chính phủ, các hãng bảo hiểm quốc tế sẽ sẵn sàng tái bảo hiểm cho các hãng trong nước để các hãng này bảo hiểm ít nhất là quyền thuê đất tại Việt Nam.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top