Nhìn lại công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) trong năm 2022, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) đánh giá, sự linh hoạt và nhịp nhàng trong điều hành CSTT của NHNN đã góp phần quan trọng giúp ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối trước biến động mạnh của kinh tế thế giới, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức cao. "Nếu không có sự điều tiết tốt của NHNN, tăng trưởng GDP năm 2022 khó đạt được mức hơn 8%, trong khi lạm phát được kiểm soát ở mức 3,1%", TS. Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.
Điểm tích cực nữa, theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cơ quan điều hành CSTT đã bám sát tình hình trong và ngoài nước, lắng nghe thị trường, lắng nghe phản hồi của các bên để đưa ra những quyết định kịp thời. Đặc biệt CSTT đã có sự phối hợp tương đối tích cực với các chính sách khác, trong đó có chính sách tài khóa. “Trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất định và thách thức, CSTT đã góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng”, TS. Thành nhận định.
Những kết quả nổi bật về điều hành CSTT, kinh tế vĩ mô năm vừa qua, theo đánh giá của giới chuyên môn, đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhưng dự báo kinh tế thế giới năm 2023 sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, bất định như tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, nhiều nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái; NHTW các nước vẫn thắt chặt CSTT để đối phó với lạm phát; cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn tiếp diễn cùng với bất ổn địa chính trị có nguy cơ lan rộng tại nhiều nơi trên thế giới... Nhiều tổ chức quốc tế đưa ra triển vọng kém lạc quan và liên tục giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Với độ mở lớn nên kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu tác động tiêu cực không nhỏ từ những diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu. Tất cả những điều đó đã đặt ra thách thức không hề nhỏ cho công tác điều hành CSTT trong việc kiểm soát lạm phát để góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng đạt được mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Mặc dù lạm phát bình quân năm 2022 được kiểm soát dưới 4%, nhưng lạm phát cơ bản tăng nhanh, đột biến từ 0,66% tháng 1/2022 lên trên 5% vào tháng 12/2022, cho thấy thách thức rất lớn trong kiểm soát lạm phát. Trong khi theo các chuyên gia mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, cộng thêm những điểm yếu nội tại của nền kinh tế cũng ngày càng bộc lộ rõ.
Đặc biệt hiện gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn đang dồn lên vai hệ thống ngân hàng do thị trường vốn vẫn còn nhiều bất cập. Trong khi hiện tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức rất cao và theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, nếu tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao như những năm trước đây sẽ rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế, nhất là khi nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, song vẫn phải "gánh" cả nhiệm vụ cung ứng vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
TS. Võ Trí Thành cho rằng, năm 2023 vẫn còn đó những cơn gió ngược của năm cũ gây áp lực lên lạm phát, tỷ giá, lãi suất. Đồng thời, sự suy giảm của kinh tế thế giới và rất nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam gây ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, rõ nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu và công nghiệp chế biến chế tạo.
Trong bối cảnh đó, điều hành CSTT phải cân đối giữa các nhiệm vụ, mục tiêu đan xen, thậm chí có thời điểm mâu thuẫn nhau trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, duy trì niềm tin của nhà đầu tư và người dân, nâng cao tính linh hoạt, tạo dư địa chính sách để tăng khả năng hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài. Đây sẽ tiếp tục là thách thức đối với NHNN trong điều hành CSTT.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% đã cho thấy thách thức rất lớn của cơ quan điều hành trong việc đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu, nhất là trong điều kiện dư địa CSTT khá hạn hẹp. Trong bối cảnh đó, NHNN phải đặt ra nhiều kịch bản khác nhau để phản ứng kịp thời nhằm giảm tác động tiêu cực, đồng thời nắm bắt cơ hội để có thể cùng lúc đạt ba mục tiêu: ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống”, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận.
Chung quan điểm, TS. Nguyễn Đức Độ cho rằng, năm 2023 chắc chắn sẽ là một năm không dễ dàng đối với kinh tế Việt Nam. Đầu tiên là nguy cơ suy thoái toàn cầu có thể kéo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm lại. Tiếp theo là áp lực về lạm phát gia tăng. Trong khi đó, dư địa để NHNN nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế gần như không còn. Đối với NHNN, theo TS. Độ, nhiệm vụ quan trọng nhất trong năm 2023 là phải kiểm soát được lạm phát. Nếu để xảy ra tình trạng lạm phát cao, lãi suất sẽ tăng theo, tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, theo đó tín dụng sẽ bị thu hẹp.
Lo ngại là vậy nhưng TS. Nguyễn Đức Độ nhận thấy, những điều xấu nhất liên quan đến lạm phát, tỷ giá, lãi suất đã qua. Điều này cũng sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác điều hành của NHNN trong thời gian tới. “Hy vọng áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ không lớn và NHNN có thể mua USD và bơm thêm VND ra thị trường, từ đó giảm áp lực lên lãi suất”, TS. Độ chia sẻ thêm.
Theo Công ty chứng khoán BSV, năm 2023, nhờ nguồn cung ngoại tệ tốt đến từ kiều hối; giải ngân FDI ổn định; tâm lý găm giữ đồng USD giảm đáng kể khi lãi suất đồng VND cao hơn so với đồng USD, thu hút người gửi tiền chuyển tiết kiệm sang tiền VND… NHNN có thể mua 10 - 12 tỷ USD, tương ứng mức trung bình trong 10 năm từ 2012 - 2021 giúp gia tăng dự trữ ngoại hối.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV TS. Cấn Văn Lực chung nhận định cho rằng, áp lực tỷ giá trong năm 2023 sẽ vơi đi. Theo khuyến nghị của vị chuyên gia này, ngân hàng cần hết sức cân nhắc chuyện tăng lãi suất, khiến chi phí vốn doanh nghiệp tăng cao khó khăn trong quá trình phục hồi.
Nhấn mạnh mục tiêu xuyên suốt là điều hành CSTT kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, từ những kinh nghiệm trong một năm khó khăn vừa qua, lãnh đạo NHNN cho biết, độ trễ của tác động lạm phát nhập khẩu đối với nước ta còn lớn, nên điều hành CSTT không thể chủ quan với các rủi ro này. Để đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì tín dụng, lãi suất, tỷ giá, các giải pháp, công cụ CSTT khác sẽ được NHNN điều hành rất đồng bộ, linh hoạt nhưng không xa rời mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ vững vị thế đồng tiền Việt Nam trên tinh thần thấm nhuần quan điểm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Vấn đề nữa, theo lãnh đạo NHNN, hiện nay vốn đầu tư trung dài hạn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, trong khi huy động vốn của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn. Do đó hệ thống các TCTD đối mặt với rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh tế cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán, theo đó cần rà soát lại các quy định pháp lý và có giải pháp khắc phục những bất cập hiện nay trên các thị trường này.