Aa

Thêm 1,14 tỷ USD vốn FDI rót vào TP.HCM

Thứ Bảy, 01/05/2021 - 06:30

Một số quốc gia có vốn đầu tư cao gồm Nhật Bản 210 triệu USD (chiếm 58,3%); Hà Lan 80,7 triệu USD (chiếm 22,4%) và Singapore là 36,3 triệu USD (chiếm 10,1%).

Ngày 30/4, Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố là 1,14 tỷ USD bao gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 12,92% so cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, về cấp mới có 100 dự án cấp với vốn đăng ký đạt 360 triệu USD; trong đó vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở 2 ngành là thương nghiệp với 46 dự án, vốn đạt 225,1 triệu USD (chiếm 62,5% vốn cấp mới) và ngành kinh doanh bất động sản với 5 dự án, vốn đạt 125,8 triệu USD (chiếm 34,9%).

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh.
Một góc TP.HCM. (Nguồn: TTXVN)

Một số quốc gia có vốn đầu tư cao gồm Nhật Bản 210 triệu USD (chiếm 58,3%); Hà Lan 80,7 triệu USD (chiếm 22,4%) và Singapore là 36,3 triệu USD (chiếm 10,1%).

Đối với dự án điều chỉnh vốn đầu tư có 30 lượt dự án với số vốn tăng thêm là 403 triệu USD; trong đó, có 1 dự án đến từ nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo điều chỉnh tăng vốn là 270 triệu USD, chiếm 67% vốn điều chỉnh. Ngoài ra, đối với hoạt động góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài có 547 trường hợp với tổng vốn đạt 377,6 triệu USD.

Về ngành hoạt động, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với vốn đăng ký đạt 322 triệu USD, chiếm 28,2% tổng; kế đến là ngành thương nghiệp với vốn đạt 321,2 triệu USD, chiếm 28,1%; ngành kinh doanh bất động sản 196,3 triệu USD, chiếm 17,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 175,4 triệu USD, chiếm 15,4%; giáo dục và đào tạo đạt 30,3 triệu USD, chiếm 2,7%.

Về đối tác đầu tư, có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào thành phố, trong đó Nhật Bản có vốn đầu tư là 494,4 triệu USD, Singapore 281,6 triệu USD, Hàn Quốc 97,7 triệu USD, Hà Lan 82,4 triệu USD, Trung Quốc 40,9 triệu USD...

Liên quan đến thu hút vốn FDI vào các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho biết, đến cuối tháng 4/2021, các khu chế xuất - khu công nghiệp đã thu hút được 237 triệu USD, tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, mặc dù khó khăn nhưng chúng ta biết cách linh hoạt, uyển chuyển để thích nghi.

Theo ông Hứa Quốc Hưng, qua thống kê hoạt động của doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong năm 2020, chỉ có 4 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, các doanh nghiệp còn lại chỉ giảm về quy mô hoạt động sản xuất nhưng đến quý 4/2020, các doanh nghiệp phục hồi dần và ổn định sản xuất. Một số doanh nghiệp tăng trưởng tốt, đạt được chỉ tiêu đề ra.

Các doanh nghiệp FDI đánh giá rất cao và tin tưởng việc phòng chống dịch của Chính phủ Việt Nam nói chung và của TP.HCM nói riêng, nên họ an tâm sản xuất và chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ các nước khác về Việt Nam hoạt động.

Hiện Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã có kế hoạch tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2021 với chủ đề: “Xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư.”

Hội nghị nhằm lắng nghe và tiếp thu các ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng TP.HCM phát triển nhanh và bền vững; đồng thời giới thiệu các dự án mời gọi đầu tư trọng điểm và định hướng đầu tư của thành phố giai đoạn 2021 - 2025./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top