Hàng ngày tôi vẫn dậy từ trước 5 giờ sáng để đạp xe rèn luyện sức khỏe. Vào giờ ấy, Hà Nội thật hiền hòa. Những con đường vắng lặng. Những hàng cây nhẹ nhàng cất lên giai điệu rì rào mà nếu vào lúc bình thường, bạn sẽ không thể nào nghe được, chủ yếu do bị đủ thứ tiếng động át đi. Cũng thế, cái cảm giác bụi bặm, ngột ngạt tạm thời biến mất, thay vào đó là một màn sương mỏng tang (có thể cái màn sương đó không phải lúc nào cũng có thật) khiến cho những con đường, ngách phố có chút huyền ảo thật dễ chịu. Cảm giác rất thật của tôi lúc ấy là cuộc sống, dù nhọc nhằn, hóa ra cũng không đến nỗi nào.
Tôi đạp xe và để đầu óc thư thái ngẫm ngợi. Thích nhất là được chiêm ngưỡng từng căn nhà, từng biển hiệu, từng ô cửa sổ trong khoảng gần một tiếng đồng hồ bình yên, kịp cho đến khi sự ngột ngạt ùa trở lại.
Phải nói thật thế này: Hà Nội không thiếu những căn nhà đẹp. Có điều kiện, dân mình cũng biết chơi lắm. Nhiều căn biệt thự thậm chí ngay cả ở châu Âu, nơi tôi từng có may mắn đi qua, cũng vẫn thuộc loại sang.
Nhưng lại có luôn cái sự thật này nữa: Tìm một con phố mới có kiến trúc đẹp ở Hà Nội gần như là điều không thể? Một con phố đẹp hoàn toàn khác với một con phố chỉ toàn những căn nhà đẹp. Bởi vì, vấn đề mấu chốt ở đây là không gian của con phố và không gian chung gắn bó với nhau thế nào. Nếu chỉ quan tâm đến không gian của từng ngôi nhà, từng dãy phố, thì sẽ cho ra một (hoặc nhiều) khu phố trọc phú, khu phố khoe của là chính, chứ không thể có một khu phố đẹp và sang trọng. Một con phố đẹp, dù kiến trúc theo phong cách nào, thì đầu tiên phải đảm bảo sự hài hòa, hợp lý với không gian kiến trúc, không gian tự nhiên xung quanh. Và tôi bỗng như ngộ ra điều vẫn suy nghĩ bấy nay: Vì sao Hà Nội, ngày càng mở rộng, ngày càng nhiều đường, nhiều cầu, nhiều cây mà vẫn cứ không giảm đi được cái cảm giác ngột ngạt? Cái cảm giác ngột ngạt này tăng gấp bội mỗi khi chúng ta ra đường, hòa vào không gian công cộng. Khi đó chúng ta cứ như bị bủa vây tứ bề, bị bó chặt dù không phải lúc nào Hà Nội cũng tắc đường và thiếu gió.
Mãi rồi tôi cũng tìm ra thứ mà tôi vẫn thèm khát, hóa ra chỉ là một bãi cỏ. Giá mà Hà Nội có những bãi cỏ, chỉ nguyên vẹn là bãi cỏ, tức là ngoài cỏ ra, ngoài không gian mầu nền xanh ra, không cần thêm bất cứ thứ gì khác.
Tại sao chỉ là một bãi cỏ, mà lại khó đến vậy? Là bởi vì, chúng ta vẫn quen đối xử với Hà Nội, quen nhìn Hà Nội theo lối con buôn, chỉ thấy Hà Nội như một đô thị mầu mỡ dễ kiếm tiền bạc, dễ có cơ hội thành đại gia. Chúng ta biến đất Hà Nội thành đất vàng, đất kim cương theo tiêu chí và cách định giá của con buôn. Vì thế không thể để một bãi cỏ chỉ thuần là cỏ. Nó quá phí phạm! Nó lập tức phải được nhét vào cái khoảng trống ấy, lấp càng đầy càng hiệu quả, thứ gì đó có thể đẻ ra tiền, cho dù biết rõ cuộc sống ngột ngạt chẳng chừa ra một ai.
Đó là lối tư duy theo kiểu bóc ngắn cắn dài, tham bát bỏ mâm, mà cái mâm bị bỏ lại là mâm ngọc bởi vì còn gì có thể quý hơn cuộc sống! Đành rằng Hà Nội không thể thoái thác sứ mệnh tạo tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu không thường xuyên thì thỉnh thoảng hãy thử nhìn Hà Nội như một chốn Kinh Kỳ, như một không gian lịch sử và văn hóa, như một nơi tụ hội của tinh hoa và sáng tạo, như một nơi để con người có cơ hội suy ngẫm về bản thân, về vẻ đẹp, về sự bất tử, để từ đó chăm chút nuôi dưỡng thiện tâm và yêu mến hơn cuộc sống này.
Chỉ thỉnh thoảng thôi, đã thấy không thể không thèm một bãi cỏ.