Aa

Thêm một dự án nghìn tỷ về tay, triển vọng mảng cho thuê bất động sản công nghiệp của Hòa Phát (HPG) tiếp tục "sáng cửa"

Thứ Năm, 13/02/2025 - 06:15

Mới đây, một đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã được chấp thuận trở thành nhà đầu tư tại dự án Khu công nghiệp (KCN) Đồng Phúc. Với quy mô gần 355ha, dự án này sẽ góp phần tăng quy mô quỹ đất và thúc đẩy mảng kinh doanh bất động sản của Hòa Phát tăng trưởng mạnh mẽ.

Tại Quyết định số 258/QĐ-TTg, Chính phủ đã thông qua chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Phúc tại tỉnh Bắc Giang. Dự án có quy mô diện tích là 354,63ha với tổng vốn đầu tư khoảng 3.731,7 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư góp gần 560 tỷ đồng. Dự án được phép hoạt động trong 50 năm kể từ ngày được quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo quyết định nêu trên, nhà đầu tư của dự án là Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Đồng Phúc. Đây là công ty được sở hữu gián tiếp bởi Tập đoàn Hòa Phát. Cụ thể, Phát triển Hạ tầng KCN Đồng Phúc là công ty con do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Hòa Phát sở hữu 99,9% vốn điều lệ. Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát lại sở hữu 99,97% vốn điều lệ tại Phát triển Bất động sản Hòa Phát.

Triển vọng kinh doanh bất động sản công nghiệp tiếp tục "sáng cửa"

Trước KCN Đồng Phúc, Tập đoàn Hòa Phát đã sở hữu và vận hành 3 KCN khác, gồm KCN Phố Nối A (Hưng Yên) có quy mô 688,94ha; KCN Hòa Mạc (Hà Nam) có quy mô 131ha; và KCN Yên Mỹ II (Hưng Yên) có quy mô 313,5ha. Trong đó, KCN Phố Nối A đã đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 95%, thu hút nhiều tập đoàn lớn từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Với KCN Hòa Mạc, tỷ lệ lấp đầy đã đạt 100%, đặc biệt thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Riêng KCN Yên Mỹ II gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 có diện tích triển khai đạt 97,5ha với tổng vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng đã được lấp đầy hoàn toàn. Giai đoạn 2 đã được Tập đoàn Hòa Phát đầu tư xây dựng hạ tầng mở rộng thêm 216ha với tổng vốn đầu tư gần 2.700 tỷ đồng. Vốn có lợi thế về vị trí và hạ tầng đối với các ngành nghề sản xuất sạch, công nghệ cao, KCN Yên Mỹ II mở rộng được kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp.

Trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các dự án hiện hữu của Tập đoàn Hòa Phát đang tương đối cao và gần đạt ngưỡng tối đa thì KCN Đồng Phúc được xem là một trong những động lực tăng trưởng mới đối với mảng bất động sản của tập đoàn này. Nếu tính cả KCN Đồng Phúc, quy mô quỹ đất KCN của Tập đoàn Hòa Phát sẽ lên đến gần 1.500ha, góp phần làm tăng nguồn cung đất công nghiệp của tập đoàn nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang được đánh giá là một điểm đến lý tưởng của hàng loạt tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới nhờ vị trí địa lý hợp lý, hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, thuận tiện cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng.

Theo dữ liệu của Cục Thống kê, quy mô GRDP năm 2024 của tỉnh Bắc Giang ước đạt 207.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 13,8%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KCN, cụm công nghiệp (CCN) có đóng góp lớn. Phân theo thành phần kinh tế thì khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong quy mô kinh tế của địa phương và có xu hướng tăng trưởng tích cực từ năm 2020 đến nay.

Với tính chất là KCN tổng hợp đa ngành với tỷ trọng chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo có tính chất công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, có công nghệ sản xuất tiên tiến và thân thiện với môi trường, KCN Đồng Phúc được kỳ vọng sẽ có tỷ lệ hấp thụ cao trong bối cảnh tỉnh Bắc Giang đang là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các ngành này. Nhờ đó, trở thành nguồn thu cho mảng bất động sản tại Tập đoàn Hòa Phát trong thời gian tới.

Bất động sản - Động lực tăng trưởng mới đầy tiềm năng của "ông lớn" ngành thép

Tham gia thị trường bất động sản từ năm 2001, nhưng đến năm 2020, Tập đoàn Hòa Phát mới chính thức đưa bất động sản trở thành mảng kinh doanh chính. Sau hơn 4 năm tái cơ cấu, Tập đoàn Hòa Phát đã từng bước củng cố vị thế của mình với vai trò là một đơn vị kinh doanh và phát triển bất động sản trên thị trường. Hiện tại, Tập đoàn này đang chú trọng vào 2 phân khúc là bất động sản KCN và bất động sản nhà ở.

Đối với bất động sản KCN, như đã đề cập, Tập đoàn Hòa Phát hiện vẫn tập trung mở rộng thêm KCN Yên Mỹ II và mới đây là KCN Đồng Phúc. Trong khi đó, đối với bất động sản nhà ở, tập đoàn đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 4 dự án nhà ở tại TP.Hà Nội, gồm: Khu phức hợp Mandarin Garden (diện tích 2,5ha); Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (diện tích 1,3ha) và Tòa nhà Chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh (diện tích 0,35ha); Tòa nhà Chung cư 257 Giải Phóng (diện tích 0,137ha).

Xét về kết quả kinh doanh mảng bất động sản, mặc dù chỉ đóng góp một phần nhỏ nhưng với tốc độ tăng trưởng tích cực trong thời gian qua thì mảng kinh doanh này được kỳ vọng sẽ sớm trở thành trụ cột doanh thu và lợi nhuận chỉ sau ngành kinh doanh chủ đạo là sản xuất, kinh doanh thép đối với Tập đoàn Hòa Phát. Lũy kế cả năm 2024, mảng bất động sản mang về cho Tập đoàn Hòa Phát 2.083 tỷ đồng doanh thu (tỷ trọng 2%) và 849 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (tỷ trọng 6%), lần lượt tăng gấp 2,2 lần và 2,4 lần so với thực hiện năm 2023.

Thêm một dự án nghìn tỷ về tay, triển vọng mảng cho thuê bất động sản công nghiệp của Hòa Phát (HPG) tiếp tục "sáng cửa"- Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh và tài sản mảng bất động sản của Tập đoàn Hòa Phát qua các năm (Đơn vị: Tỷ đồng. Nguồn: BCTC)

Tính đến cuối năm 2024, quy mô tổng tài sản mảng này đạt gần 10.300 tỷ đồng, tăng tới 22% so với đầu năm. Đáng nói, tổng tài sản mảng bất động sản của Tập đoàn Hòa Phát đã duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực từ năm 2020 đến nay, thậm chí còn vượt qua cả mảng nông nghiệp (tại thời điểm cuối năm 2024 mảng này ghi nhận giá trị tài sản đạt 4.676 tỷ đồng).

Những con số ấn tượng từ mảng bất động sản của Tập đoàn Hòa Phát đã một lần nữa khẳng định tiềm năng của ngành bất động sản và tác động tích cực mà ngành này mang lại đối với các doanh nghiệp. Có lẽ đây cũng chính là lý do vì sao không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lâu năm mà những "ông lớn" ngoài ngành vẫn luôn có hứng thú với mảng này.

Chia sẻ về kế hoạch đến năm 2030, Tập đoàn Hòa Phát cho biết mục tiêu là phát triển được 10 KCN bao gồm các dự án hiện hữu. Trước đó, tập đoàn này đã đề xuất đầu tư 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên (Phú Yên) là Cảng Bãi Gốc (vốn đầu tư dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng); Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư dự kiến khoảng 13.300 tỷ đồng); Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (vốn đầu tư khoảng 86.000 tỷ đồng). Tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Phú Yên và xúc tiến đầu tư vào tháng 3/2024, UBND tỉnh Phú Yên đã trao bản ghi nhớ đầu tư 3 dự án trên với Tập đoàn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top