Aa

Thép tăng giá 7 lần, cú đấm bồi với doanh nghiệp

Chủ Nhật, 03/04/2022 - 06:30

Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về định mức, giá xây dưng, đồng thời yêu cầu các địa phương ngăn ngừa tình trạng “đầu cơ, tăng giá” vật liệu…

Doanh nghiệp càng làm, càng lỗ.

Những tháng qua giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến tăng chóng mặt gây khó khăn cho nhiều nhà thầu, doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.

Cụ thể theo thống kê của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 các mặt hàng như sắt, thép, xi măng, cát, đá, nhôm, kính… liên tục tăng giá mạnh.

Trong đó, xi măng đã tăng khoảng 100.000 đồng/tấn, gạch xây dựng tăng khoảng 10%, gạch ốp trang trí tăng 10 - 15%, cát tăng 10.000 đồng/m3 so với đầu năm.

Đặc biệt là thép xây dựng đã tăng giá 7 lần chỉ trong 3 tháng đầu năm với tổng mức tăng đến 2,4 triệu đồng/tấn, tăng từ 16,5 - 17 triệu đồng/tấn lên hơn 19 triệu đồng/tấn (tăng gần 20%)…

Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh đã ảnh hưởng đến chi phí đầu tư của nhiều dự án, công trình và thị trường bất động sản. Nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn trong triển khai hoạt động xây dựng, đặc biệt là việc thực hiện các hợp đồng đã ký kết.

Ông D.V.Đ, Giám đốc một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội cho biết hiện giá vật liệu xây dựng chiếm khoảng 65-70% giá thành công trình, trong đó riêng giá thép chiếm tỷ trọng khoảng 25 - 30%. Trước tình trạng hàng loạt loại vật liệu xây dựng tăng giá mạnh khiến doanh nghiệp này rơi vào nguy cơ thua lỗ khi thực hiện các hợp đồng đã ký kết.

“Chúng tôi hiện đang triển khai khoảng 30 công trình xây dựng với sức tiêu thụ mỗi tháng vài trăm tấn thép/tháng, giá thép tăng mạnh khiến doanh nghiệp liên tục phải bù lỗ do đơn giá các hợp đồng ký kết trước đó ở mức thấp” - vị này thông tin.

giá thép tăng
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh khiến việc triển khai các dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các dự án lớn như dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam  (Ảnh: Viết Long)

Theo Hiệp hội nhà thầu xây dựng, năm trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, trong hơn 2.000 doanh nghiệp xây dựng chỉ có một số ít đạt doanh thu từ 75 - 80% kế hoạch, số còn lại bị giảm ít nhất 50% doanh thu hoặc chỉ đạt từ 10 - 20% kế hoạch…

“Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì cơn báo giá vật liệu xây dựng như một cú đấm bồi đối với sự phục hồi của các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng” - ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam chia sẻ.

Cũng theo ông Hiệp, nếu tình trạng này kéo dài sẽ khiến nhiều công trình, dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng nặng nề tới quá trình hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Sẽ sửa đổi định mức, giá xây dựng

Trước biến động mạnh của giá vật liệu xây dựng, mới đây Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị ngăn ngừa việc đầu cơ, tăng giá vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng cho hay hiện còn một số địa phương xác định giá xây dựng, chỉ số giá xây dựng theo quý, công bố chậm, chưa bám sát diễn biến thị trường hoặc chưa sát với giá thị trường. Nhiều danh mục công bố còn thiếu một số vật liệu xây dựng chủ yếu…

“Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng của các chủ thể liên quan, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án” - Bộ Xây dựng cảnh báo.

Theo đó Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”.

Gần đây nhất ngày 28/3, Bộ Xây dựng cũng tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.

Tại đây, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết giá vật liệu xây dựng biến động mạnh đang gây ảnh hưởng lớn đến các dự án đầu tư công, hoặc hợp tác đầu tư công, nhất là dự án quản lý phức tạp như dự án cao tốc Bắc Nam khu vực phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. 

“Trong đó các quy định về định mức, giá xây dựng, suất vốn đầu tư và quản lý hợp đồng xây dựng đã tiếp tục xuất hiện những bất cập không theo kịp và gây cản trở thực tiễn” - Bộ trưởng Xây dựng nêu.

Theo đó, Bộ trưởng Xây dựng đã đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp, các cơ quan quản lý xây dựng chuyên ngành về vấn đề quản lý chi phí và hợp đồng xây dựng trong các công trình xây dựng hiện nay để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp để tháo gỡ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top