Aa

Thị thơm xuống phố

Thứ Ba, 17/09/2024 - 13:15

Chầm chậm xe trên con phố Phan Đình Phùng rợp bóng cây, chợt bắt gặp sắc vàng bừng lên trên chiếc rổ sảo chằng sau xe dựa bên hè phố. Rồi một mùi hương ngọt ngào quyện theo làn gió: Mùa thị về thật rồi.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 1.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 2.

Có lẽ bẵng đi cũng khá lâu, người ta không còn để ý đến một loài quả dân dã đến thân thuộc, thảo thơm như câu chuyện cổ tích này. Thế rồi mấy năm gần đây, thị bỗng trở lại với phố phường Hà Nội. Thị hiền lành mộc mạc nép mình ở cổng chợ truyền thống, thị len lỏi vào các chợ cóc... Và nhất là thị tung tẩy theo các xe hoa quả rong xuống phố, cứ hồn nhiên tỏa mùi thơm cùng sắc vàng bên những con phố nườm nượp người xe...

Thị thơm xuống phố- Ảnh 3.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 4.

Rồi lại một sớm mai, tôi lên chiếc xe buýt xanh Vinbus ở điểm Công viên Thống Nhất. Xe chạy qua hầm chui Kim Liên, đến điểm Phạm Ngọc Thạch, xe dừng, khách lên xuống tíu tít... Bỗng một mùi hương lan tỏa, mát ngọt, dịu dàng... Một thiếu phụ vừa lên xe với túi thị vàng lủng lẳng trên tay. Nhân viên xe buýt cũng là một cô gái, chỉ túi thị cười mắt ánh lên rạng rỡ. Người thiếu phụ nét mặt hồn hậu có vẻ duyên riêng của người Hà Nội gốc mở túi thị nhặt lên mấy quả như có ý đem tặng; cô nhân viên xe buýt nhẹ nhàng xua tay như có ý bảo, chỉ cần hít hà làn hương Thu như thế này cũng là đủ lắm rồi... Còn làn hương chỉ riêng có của mùa thị thì cứ thế lan tỏa trong xe, như mang cả Thu vàng vào không gian xanh nhẹ nhàng này... Tôi chợt nhớ, thế mà đã đến Trung thu rồi...

Thị thơm xuống phố- Ảnh 5.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 6.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 7.

Ngày bé ở quê, chúng tôi thường được mẹ mua thị cho mỗi khi Thu đến và gần như chỉ để hít hà hương thơm của nó. Rồi mơ những giấc mơ về cô Tấm trong truyện cổ tích và thích nhất là câu gọi thị:

Thị ơi thị rụng bị bà

Bà để bà ngửi chứ bà không ăn!

Bây giờ sống ở Hà Nội, tôi mới biết thị dùng để cúng. Mồng một, ngày rằm, các bà các cô vào chợ trong phố mua thị, hay gặp những xe hàng rong dọc các con phố đông đúc là dừng xe lại mua về đặt lên bàn thờ thắp hương. Mà cũng chả cứ ngày rằm hay mồng một, nhiều các bà các cô gặp dịp mua được thị là bày vào đĩa dâng lên ban thờ thắp hương, như một tục lệ vào Thu.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 8.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 9.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 10.

Thực ra thì thị có hai dạng quả, một là quả hình tròn to, thường gọi là thị muộn; hai là dạng quả dẹt, đáy bằng, thường gọi là thị sáp. Các bà các cô thắp hương hay mua loại thị sáp, có người bày lên đĩa, có người bày hẳn cả chiếc mâm nhỏ, có cả quả chín vàng ươm và quả ương màu xanh mơ dâng lên cúng tổ tiên. Còn loại thị tròn thường để đựng vào chiếc túi đan mắt lưới treo trong nhà cho thơm. Quả thị được cho là có mùi thơm mát khi chín tới. Theo khoa học thì trong vỏ quả có chứa tinh dầu mùi gần giống mùi ester valarianic và hương thơm này có tác dụng trấn tĩnh, giảm căng thẳng thần kinh, giúp thư giãn.

Lại một sớm Thu, tôi chầm chậm xe trên con phố mới Xã Đàn, gặp cả một dãy xe hàng rong, mà giời ơi, toàn những thị là thị! Sẵn máy ảnh, tôi mải mê chọn góc, bấm máy... Và cũng không quên mua ở mỗi hàng dăm ba quả, không biết tôi có phải là người mở hàng hay không, nhưng ít nhất cũng mong mang lại may mắn cho người bán hàng. Hồi bé, tôi cũng thường đi bán rau ở chợ làng, nên tôi thấu hiểu tâm trạng của người bán hàng, dù ít dù nhiều, cứ bán được hàng là may rồi.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 11.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 12.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 13.

Ở quê tôi không thắp hương bằng thị. Giờ sống ở Hà Nội cũng gần nửa thế kỷ, nhưng tôi vẫn thấy mình chưa phải người Hà Nội, nên mua thị không phải để thắp hương mà là để hít hà cái hương thơm hồn hậu, mát dịu ấy. Nhưng muốn thế thì phải có để treo thị chứ không thể cứ bày ra đĩa đặt trên bàn. Thế là vào mạng tìm, nhưng chẳng thấy có shop nào rao bán, bèn chạy lên phố... Nhưng chạy suốt Hàng Bông, Hàng Gai, rồi Hàng Đào, vào Đinh Lễ, lên cả Hàng Mã hỏi cũng tuyệt nhiên không có nơi nào bán túi/vó đựng thị.

Lẩn thẩn nghĩ, bây giờ chắc chỉ có mình tôi là còn nhớ về cái thủa xa xưa ấy... Cái thủa chắp từng sợi đầu rui, rồi khi không xin được sợi đầu rui thì tước cả dây chuối khô để đan vó đựng thị, mà có nơi gọi là giỏ hay túi. Rồi lại lẩn thẩn nghĩ, vậy thì tại sao giờ không tự đan một chiếc vó đựng thị cho mình, như là cách mua một vé về tuổi thơ... Nghĩ là làm, tôi bèn vòng qua phố Hàng Bồ, con phố thân quen một thời cộng tác với Báo Lao Động ở số 51 mà chiều nào từ bên kia cầu Chương Dương phi về cũng phải ghé vào đó ngồi trong một quán nước nho nhỏ uống bia Tiệp với cánh phóng viên của báo.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 14.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 15.

Bây giờ, con phố ấy vẫn rất thân quen, bởi ở đầu phố là những hàng bán các đồ khâu vá, kiểu như mẹt hàng xén: Nào chỉ, nào cúc, nào khóa, và dĩ nhiên cái tôi tìm là cuộn dây sợi cỡ lớn. Tôi xà vào một hàng hỏi mua cuộn dây sợi to, không quên nói rõ mục đích của mình là để về đan túi đựng thị. Cô gái bán hàng đon đả đưa mấy cuộn chỉ đủ màu sắc, cuối cùng tôi chọn lấy hai cuộn màu trắng, cỡ vừa phải, vì nếu dây to quá sẽ hơi thô còn dây nhỏ quá vừa khó đan vừa trông không ra dáng chiếc vó thị. Tôi trả tiền rồi hý hửng chạy xe về, cô gái bán hàng không quên cảm ơn và còn nói theo: Bác chịu khó thật ấy, giờ còn cất công đan giỏ thị. Chúng cháu thích thì thích thật nhưng ngại lắm, chỉ đặt lên đĩa thắp hương thôi...

Cứ tưởng không còn nhớ nữa, nhưng mầy mò một lúc thì tôi cũng nhớ lại, rồi cả một tuổi thơ vất vả nhưng đầy ắp những kỷ niệm bỗng sống dậy với chiếc vó thị, vì đan như mắt vó bắt cá. Cũng chẳng có gì là khó. Đầu tiên cắt từng đoạn dây dài 60 – 80cm tùy đan vó dài hay ngắn rồi gấp đôi lại, thắt nút ở đầu dây vừa gấp cỡ 1,5 – 2cm. Sau đó lấy một đoạn dây, gọi là dây cái, xâu nút mới thắt của từng đoạn dây đôi lại với nhau, số sợi dây nhiều hay ít tùy theo đan túi to hay túi nhỏ. Tiếp theo, ngoặc một đầu vòng dây cái vào ngón chân cái để căng sợi dây ra rồi bắt đầu đan vó.

Ở vòng đan đầu tiên, tách mỗi dây đôi ra lấy một sợi đơn rồi chập hai sợi ở cạnh nhau lại và thắt nút, cách nút đầu khoảng 2cm; tiếp đó lấy sợi đơn còn lại đan tiếp với một sợi đơn ở dây cạnh đó, cứ thế hết một vòng là được hàng mắt vó đầu tiên. Cứ thế đan lần lượt vòng thứ hai, thứ ba... cho đến cuối sợi còn đoạn dài khoảng 3cm thì ngừng đan. Sau đó túm tất cả đầu dây phía cuối lại, dùng một sợi dây khác buộc chặt lại rồi lấy kéo cắt cho bằng đoạn tua, thế là xong một chiếc vó xinh xắn, có thể xách túi thị tòn teng đi chơi Trung thu...

Thị thơm xuống phố- Ảnh 16.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 17.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 18.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 19.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 20.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 21.

Năm nay, Trung thu về ngay sau đợt bão lũ khủng khiếp ở các tỉnh phía Bắc nên không khí trầm lắng hẳn. Nhưng có túi thị vàng, tôi lại thấy vầng trăng vẫn tròn, và chợt nhớ đến những câu thơ bất hủ của nhà thơ xứ Daghestan - Rasul Gamzatov - vẫn nằm sâu trong trí nhớ: 

Tình yêu tôi như cây tiêu huyền hai nhánh

Một nhánh vừa khô thì một nhánh đâm chồi  

Tình yêu tôi như chim đại bàng hai cánh

Một cánh sải dài khi một cánh khép hờ thôi. 

Trong ngực tôi hai vết thương nhức nhối 

Một vết vừa đau khi một vết liền da 

Và cứ thế suốt cuộc đời bất tận 

Tình yêu và nỗi buồn từng phút nối nhau qua... 

Và, ý nghĩ của tôi cứ như hương thị theo gió Thu, lan man bay về tuổi thơ, lan man tỏa về những miền quê trong trẻo, cả những miền quê tôi ước ao mà chưa một lần đặt chân tới. Và tôi bỗng thấy Thu thật bao dung, mùa Thu xoa dịu nỗi đau mỗi phận người, như hương thị mát trong và cô Tấm thơm thảo luôn hiện lên trong giấc mơ của những đứa trẻ, không kể giàu nghèo...

Thị thơm xuống phố- Ảnh 22.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 23.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 24.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 25.

Thị thơm xuống phố- Ảnh 26.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top