Aa

Thị trường bất động sản 2019 sẽ không có “bong bóng“?

Chủ Nhật, 14/07/2019 - 15:00

Với những giải pháp từ Chính phủ, thị trường bất động sản sẽ khó xảy ra tình trạng “bong bóng” trong những tháng cuối năm.

Theo số liệu của Công ty TNHH CBRE Việt Nam, đơn vị nghiên cứu thị trường và tư vấn bất động sản công bố ngày 9/7, trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường Hà Nội có gần 18.000 căn hộ được mở bán. Trong đó, phân khúc căn hộ trung cấp và bình dân chiếm đến 98% tổng nguồn cung trong quý 2 vừa qua, với khoảng 6.000 căn.

Dù lượng cung dồi dào như vậy, nhưng sức hấp thụ của thị trường khá tốt với 40% căn hộ mở bán mới đã được tiêu thụ, tương đương khoảng 6.900 căn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá bất động ở các phân khúc trên thị trường Hà Nội chỉ tăng nhẹ, từ 1 - 4%. Trong khi đó, giá bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh từ đầu năm đến nay tăng cao hơn do nguồn cung khan hiếm.

Thị trường bất động sản 2019 có thể sẽ không có

Thị trường bất động sản 2019 có thể sẽ không có "bong bóng". (Ảnh minh họa: KT)

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản nước ta, nhất là 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang phát triển tốt.

“Những chỉ số chúng tôi có nghiên cứu và đưa ra là chỉ số về lượng nguồn cung mới cũng như khả năng hấp thụ của thị trường, 2 chỉ số này ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang ở mức tích cực. Nguồn cung bất động sản hiện nay khá dồi dào và mức hấp thụ khá tốt. Đặc biệt, tại thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua có sự trì hoãn nhất định, nhưng lý do không phải do thị trường mà là do một số vấn đề về thủ tục hành chính. Vì vậy, nguồn cung có giảm, nhưng khả năng hấp thụ vẫn ở mức rất dồi dào”, bà An nói.

Riêng đối với phân khúc đất nền, tại nhiều địa phương đang có hiện tượng sốt ảo. Mục đích của người mua chủ yếu là để “lướt sóng”, mua đi bán lại để kiếm lời, thậm chí nhiều người còn mua bán bằng giấy viết tay. Hàng loạt các dự án “ma” ở nhiều tỉnh, thành phố trong đó có Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM… đang làm cho thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự quản lý yếu kém của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư không có thông tin đầy đủ về đầu tư hạ tầng, những nhà đầu tư lớn và vấn đề quy hoạch đô thị.

Để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến thị trường, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị, Chính phủ cần có biện pháp can thiệp về mặt hành chính và chính sách tín dụng đối với phân khúc này.

Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu ý kiến: “Phải kiểm soát các khoản vay đầu tư vào đất nền. Nhiều dự án nhỏ của người dân mua bán không hợp pháp. Nếu không kiểm soát hoạt động này bằng biện pháp hành chính, bằng kiểm soát tín dụng, người dân vẫn vay tiền để đầu tư vào đất nền là rất bất cập. Thứ nhất là xảy ra tranh chấp về pháp lý. Thứ hai xét về mặt kinh tế cho đất nước thì việc này không có lợi”.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, việc siết chặt tín dụng bất động sản trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Tuy vậy, cần khơi thông những dòng vốn khác để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển trong thời gian tới.

“Chúng ta đã và đang có những dòng vốn đổ vào bất động sản tương đối tích cực. Ví dụ như dòng vốn tư nhân. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng lên khá nhanh trong năm ngoái và cả năm nay. Một dòng vốn khác là dòng vốn đầu tư công và dòng vốn thứ ba rất quan trọng là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI”, TS. Cấn Văn Lực cho hay.

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường bất động sản nước ta hiện nay tuy không có "bong bóng", nhưng cũng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thói quen đầu tư bất động sản của người dân chủ yếu theo đám đông. Nếu có hình thức đầu tư mới, sinh lời nhanh là nhiều người bỏ vốn đầu tư mà chưa có cái nhìn bao quát, nhận diện phân khúc đầu tư phù hợp với mình. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, thực hiện dự án đến giao dịch bất động sản hiện nay còn chưa đồng bộ và thiếu minh bạch./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top