Aa

Thị trường bất động sản 2021 đặt niềm tin ở những điểm nóng mới

Thứ Hai, 04/01/2021 - 06:00

Thị trường bất động sản 2020 chỉ suy giảm chứ không suy thoái, do đó thị trường bước sang năm 2021 với niềm tin sẽ vực dậy với một diện mạo mới.

Đến thời điểm hiện tại, kinh tế Việt Nam bắt đầu có những sự khởi sắc và đang có những yếu tố tích cực hỗ trợ hoạt động đầu tư bất động sản. Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang chịu tác động tiêu cực của đại dịch. Do đó, thị trường bất động sản sẽ có sức bật lớn với diện mạo mới tại các thị trường mới trong năm 2021, sau khi đã trải qua một thời gian nén quá sâu.

Phía Đông và phía Tây sẽ dẫn dắt thị trường Hà Nội

Cứ theo quy luật, hệ thống đường giao thông phát triển ở đâu thì ở đó có cơ sở để đón đầu hạ tầng phát triển bất động sản. Việc quy hoạch mở rộng các tuyến đường huyết mạch khu vực phía tây Hà Nội đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án bất động sản phát triển, mang đến nhiều cơ hội lựa chọn hấp dẫn cho các nhà đầu tư và khách hàng.

Với việc Hà Nội đề xuất xây dựng tuyến đường sắt kết nối trung tâm thành phố và khu đô thị vệ tinh Hoà Lạc, thị trường bất động sản phía Tây có thêm nhiều động lực phát triển trong tương lai.

Đối với phía Đông Hà Nội, bất động sản đã phát triển khoảng 10 năm nay, hệ thống hạ tầng được đầu tư tốt, có sự kết nối với các địa phương phía Bắc, Đông Bắc, các tỉnh có tốc độ phát triển công nghiệp cao. Do đó, trong năm 2021, thị trường bất động sản phía Đông còn có thể bứt phá hơn nữa trở thành khu vực có nhiều tiềm năng tăng giá.

Trong năm 2021, thị trường bất động sản phía Đông còn có thể bứt phá hơn nữa trở thành khu vực có nhiều tiềm năng tăng giá.

Theo ông Nguyễn Chí Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Đất xanh Miền Bắc thì ngay tại thời điểm này, thị trường phía Đông và phía Tây đều đang hoạt động khá tốt. Trong tương lai hai khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh bởi sở hữu những lợi thế lớn về hệ thống hạ tầng giao thông, kết nối đến các vùng công nghiệp, cửa khẩu, cảng lớn. Và đây đều là những khu vực vẫn đang còn nhiều quỹ đất, là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển từ hiện trạng đang có và mở rộng thêm cơ hội.

Đồng quan điểm, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng trong tương lai điểm nóng của thị trường Hà Nội sẽ là phía Tây. Những năm qua khu vực này đã hấp lực những tên tuổi lớn trong mảng địa ốc như Vingroup, Sun Group, Geleximco… Phía Tây vẫn đang sở hữu những lợi thế mà không phải khu vực nào cũng có được là quỹ đất rộng lớn, cảnh quan đẹp, hạ tầng kĩ thuật phát triển, mức giá vẫn còn rất tiềm năng… Đây sẽ là những tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của những khu đô thị tích hợp quy mô lớn, các đô thị thông minh, những khu nghỉ dưỡng hiện đại…

Thị trường TP.HCM có 3 điểm nóng mới

Báo cáo về triển vọng thị trường giai đoạn 2020 - 2030 mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng sẽ có ít nhất 3 điểm nóng mới tại thị trường TP.HCM.

Điểm nóng thứ nhất là thành phố Thủ Đức được sáp nhập từ các quận 2, quận 9 và Thủ Đức. Tổng diện tích của thành phố mới này là 211km2, dân số hơn 1 triệu người. Theo đánh giá của HoREA, trong thời gian tới, thành phố Thủ Đức sẽ là địa bàn có nguồn cung dồi dào về nhà ở và bất động sản thương mại dịch vụ. Trong 5 - 10 năm tới, thành phố này sẽ có nhiều loại hình bất động sản đa dạng, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hiện tại, khu vực này cũng có nhiều dự án khu đô thị hiện đại nhất Sài Gòn.

Điểm nóng thứ hai là 4 huyện nằm trong đề án chuyển lên quận, gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Trong 4 huyện này, huyện Củ Chi có tỷ lệ đất nông nghiệp lớn nhất (chiếm 32% diện tích tự nhiên của huyện), sau đó đến huyện Bình Chánh (chiếm 31%), huyện Hóc Môn (chiếm 21%) và thấp nhất là huyện Nhà Bè (chiếm 3%). Tỷ lệ đất nông nghiệp cao nhưng số hộ làm nông nghiệp thấp có thể kéo theo nguy cơ lớn về việc chuyển đổi đất bất hợp pháp. HoREA dự báo 4 huyện trên sẽ sớm được chuyển lên quận và trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở. Khi đó, hạ tầng giao thông sẽ quyết định thị trường bất động sản tại các huyện này.

Điểm nóng thứ ba là 26.000ha đất nông nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt cho TP.HCM được chuyển đổi thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị, nhà ở trong giai đoạn 2016-2020. Phần đất này nằm rải rác ở khắp các quận, huyện còn đất nông nghiệp, phần lớn do các hộ dân quản lý và sử dụng. Theo HoREA, trên thực tế, giá trị được tạo ra từ 1ha đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị lớn gấp hơn 100 lần so với giá trị từ 1ha đất nông nghiệp. Khi đó, người dân sẽ được lợi hơn, thị trường bất động sản cũng sẽ tối ưu được quỹ đất này.

Làn sóng mới của bất động sản công nghiệp mạnh nhất trong 25 năm

Savills Việt Nam ra báo cáo mới đây cho biết nguồn cầu bất động sản công nghiệp tiếp tục vượt cung với tỷ lệ lấp đầy đạt 76% trên toàn quốc. Tỷ lệ lấp đầy tại các trung tâm công nghiệp chính như Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Phòng đã tăng đáng kể từ năm 2018.

Dự kiến trong năm 2021 và 2022, các nhà sản xuất sẽ dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, là cơ hội để các nhà đầu tư tung ra nhiều dự án hơn để bắt kịp và đáp ứng các khoản đầu tư sản xuất giá trị cao.

Làn sóng mới của bất động sản công nghiệp mạnh nhất trong 25 năm.

Trong một chia sẻ mới nhất, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết có 3 làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp trải dài 25 năm qua và mỗi đợt sóng tiếp theo càng mạnh mẽ hơn.

Cụ thể, làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ. Thế nhưng, năm 2020 lại là giai đoạn đặc biệt nhất khi đây là làn sóng mới, đồ thị tăng trưởng liên tục đi lên.

Ông Hoàng phân tích, trên thực tế, làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới (làn sóng thứ ba) đã manh nha từ khoảng 6 năm trở lại đây và bùng mạnh vào năm 2020. Điều này cho thấy không đợi đến xung đột Mỹ - Trung mà từ trước đó, các doanh nghiệp đã có sự cân nhắc chuyển dịch vào Việt Nam. Đến khi có sự tác động của Covid-19 càng thúc đẩy nhu cầu dịch chuyển sản xuất mạnh mẽ ở chu kỳ mới này.

Đặc điểm của làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất. Quá trình này không quá phụ thuộc vào một đối tác nào. Trên hết, mục tiêu của khách thuê muốn đa dạng hóa thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng.

Còn ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam chỉ ra 3 xu hướng sẽ xuất hiện từ năm 2020 trở đi. Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi.

Xu hướng thứ hai là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử.

Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu. Những dự án này nằm trong các khu công nghiệp đã được quy hoạch sẽ là những mục tiêu được tìm kiếm nhiều trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top