Theo đơn vị này, sự tự tin của các nhà đầu tư trong khu vực đã tăng lên trong quý 4/2020, tạo đà cho những kỳ vọng mới trong năm 2021. Các thị trường như Việt Nam và Đài Loan tiếp tục hưởng lợi từ việc họ kiểm soát thành công các ảnh hưởng từ dịch Covid-19.
Với khả năng các công ty sẽ hoạt động bình thường trở lại trong vài tháng tới, đơn vị này kì vọng vào sự sôi động trở lại của phân khúc văn phòng, trong khi đó, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử sẽ đòi hỏi thêm nhu cầu từ phân khúc logistic. Chung quy lại, đà hồi phục và tăng trưởng sẽ tiếp tục khi các nhà đầu tư chuẩn bị tận dụng tối đa xu hướng đi lên của thị trường.
Úc, New Zealand mong chờ quý 1/2021 năng động
Nền kinh tế Australia củng cố đà phục hồi trong quý 4/2020 sau khi phải chịu một quãng thời gian suy thoái trong quý 3/2020, khuyến khích các chính quyền địa phương chi tiêu công nhiều hơn, giúp tâm lý chung của thị trường trở nên tích cực hơn.
Trong khi các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến các tài sản cốt lõi được các khách hàng có năng lực tài chính tốt thuê lại, phân khúc văn phòng dự kiến sẽ được quan tâm nhiều hơn ở các thị trường chính như Sydney, Melbourne và Brisbane khi nhân viên trở lại văn phòng của họ sau thời gian cách ly xã hội kéo dài.
Đầu năm 2020 vừa qua tại New Zealand, thị trường thậm chí đã có những dấu hiệu tốt hơn so với dự đoán và kỳ vọng kinh tế sẽ tăng cao khi việc đường bay quốc tế sẽ được nới lỏng dần vào năm 2021. Với lãi suất ở mức thấp, kỳ vọng thị trường sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với nguồn cung của một số phân khúc nhất định.
Các NĐT tập trung vào các khu công nghệ cao, khu công nghiệp ở Trung Quốc
Tại các thị trường miền Tây và miền Nam Trung Quốc, nhu cầu được thúc đẩy bởi các chính sách khuyến khích dành cho các cơ sở nghiên cứu – phát triển (R&D), các khu công nghiệp và khu công nghệ cao. Tại Thượng Hải, 79% tổng lượng giao dịch trong quý 4 thuộc phân khúc văn phòng. Với việc nguồn cung văn phòng hạng A và khu thương mại mới được dự báo sẽ đạt "đỉnh" vào năm 2021, Colliers dự báo, những tháng tới, nhà đầu tư vẫn có thể tìm thấy cơ hội tốt ở một số thị trường trọng điểm như Bắc Kinh, nơi có ba giao dịch văn phòng trong quý 4/2020.
Nhu cầu BĐS logistics tiếp tục "nóng" ở Nhật Bản
Sự bùng nổ thương mại điện tử đang diễn ra trên toàn thế giới đã giúp thúc đẩy nhu cầu trong phân khúc hậu cần của Nhật Bản. Với việc các trung tâm đô thị như Tokyo và Osaka đang thiếu nguồn cung mới và cơ sở vật chất hiện đại - nguồn cung cũ chiếm hơn 90% tổng công suất kho vận – và nhu cầu được duy trì ổn định, theo Colliers giá thuê sẽ tăng trên khắp Nhật Bản, đặc biệt là ở các vị trí gần các khu vực tàu điện ngầm.
Thị trường văn phòng Seoul khép lại năm 2020 đầy lạc quan
Việc Công ty quản lý tài sản ARA có trụ sở tại Singapore mua Parc1 Tower II với giá 1 nghìn tỷ KRW (900 triệu USD) đánh dấu thương vụ mua lại văn phòng lớn nhất vào năm 2020 tại Seoul. Thỏa thuận được đưa ra sau một giao dịch mang tính bước ngoặt khác trong quý 3 - ghi nhận mức giá đơn vị cao nhất so với bất kỳ giao dịch nào ở Hàn Quốc - và báo trước một thời kỳ cạnh tranh gay gắt được thúc đẩy bởi thanh khoản cao – điều khiến các nhà quản lý tài sản đổ xô bán. Những tòa nhà có thể tạo ra thu nhập cho thuê ổn định sẽ tiếp tục được săn đón.
Thị trường Singapore sôi động trở lại
Phân khúc văn phòng của Singapore hoạt động tốt hơn trong quý 4/2020 với tổng khối lượng giao dịch là 14,04 tỷ SGD (10,25 tỷ USD), phần lớn là kết quả của việc hoàn tất thành công thương vụ sáp nhập giữa CapitaLand Mall Trust và CapitaLand Commercial Trust. Các phân khúc nhà ở và bán lẻ cũng bắt đầu có dấu hiệu sôi động hơn khi các chủ đầu tư tìm kiếm quỹ đất cho các dự án mới, đồng thời chuyển chú ý sang phân khúc shophouse do khả năng bảo toàn vốn và thu nhập cho thuê ổn định. Với việc Singapore dự kiến sẽ dần mở cửa lại biên giới vào năm 2021, năm mới sẽ mang lại nhiều khí thế hơn cho cả nhà đầu tư, đơn vị phát triển cả trong nước lẫn quốc tế.
Chính quyền Hồng Kông có biện pháp phù hợp, thị trường BĐS "hân hoan"
Trong tháng 11/2020, chính quyền Hồng Kông (Trung Quốc) đã thông báo bãi bỏ việc đánh thuế trước bạ hai lần (Double Stamp Duty - DSD) đối với các giao dịch tài sản thương mại. Động thái này đã tác động mạnh lên thị trường, tăng gần gấp đôi số lượng giao dịch văn phòng (tăng 98%) so với quý trước trong khi các giao dịch trong lĩnh vực bán lẻ tăng 187%. Động thái này của chính quyền sẽ giúp các nhà phát triển địa phương đối phó tốt hơn với thảm họa từ Covid-19 và giữ vững niềm tin vào triển vọng dài hạn cho thị trường BĐS của thành phố.