Thị trường sàng lọc và cơ hội từ cải cách thể chế
Tại hội thảo trực tuyến “Sự trỗi dậy của thị trường bất động sản Đà Nẵng - Quảng Nam trong trạng thái bình thường mới” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) nhận định, theo quy luật, thị trường bất động sản sẽ đi theo chu kỳ, có lúc lên, có lúc xuống. Sự lên nhanh hay chậm phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế của mỗi quốc gia. Theo nghiên cứu, chu kỳ của thị trường bất động sản Việt Nam là khoảng 10 năm. Giai đoạn đỉnh cao của thị trường là năm 2018. Kể từ năm 2019, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu đi chậm lại. Đồng thời, bước sang năm 2020, Covid-19 xuất hiện càng làm thị trường sụt giảm mạnh.
Dù khó khăn, song ông Hà đánh giá, thị trường địa ốc vẫn còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là nhà ở dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp bởi nguồn cung cho phân khúc này hiện còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu. Bên cạnh đó, các dự án condotel, du lịch nghỉ dưỡng cũng còn nhiều cơ hội phát triển.
Trên cơ sở đó, ông Hà kiến nghị một số giải pháp nhằm khơi thông thị trường địa ốc trong thời gian tới.
Thứ nhất, trong giai đoạn bình thường mới cần có giải pháp hỗ trợ để các hoạt động kinh doanh bất động sản phục hồi, thúc đẩy các dự án bất động sản hoạt động trở lại, đơn cử như cần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục đầu tư.
Vị chuyên gia đánh giá, việc phục hồi các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế. Bởi thị trường bất động sản có sự liên đới đến nhiều ngành nghề khác, như đầu kéo cho sự phát triển của thị trường lao động, vật liệu xây dựng, trang trí nội thất... Nếu không thi công dự án thì các thị trường khác không thể tiêu thụ tốt.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng đồng tình với giải pháp của Bộ Xây dựng, đó là cần có gói tín dụng lớn dành cho nhà ở công nhân, người lao động. Theo ông Hà, phân khúc này sôi động chắc chắn sẽ kéo theo các phân khúc khác phục hồi trở lại.
Thứ hai, cần có giải pháp đồng bộ để sớm mở rộng hoạt động giao thương, du lịch. Ông Hà cho biết, thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam đã diễn ra tình trạng rao bán khách sạn, condotel. Thế nên cần sớm mở lại các đường bay quốc tế trong điều kiện đảm bảo an toàn chống dịch cho người dân.
“Không thể đóng cửa mãi được. Phải sớm khơi thông lại hoạt động sản xuất - kinh doanh, mở cửa du lịch nội địa và quốc tế”, ông Hà nhấn mạnh.
Thứ ba, ông Hà cho rằng, cần phải sửa đổi ngay các bất cập, chồng chéo trong các văn bản pháp luật liên quan đến bất động sản như thủ tục đầu tư, giấy phép xây dựng để các dự án sớm khởi công trở lại, tăng nguồn cung cho thị trường. Lâu dài hơn, phải sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư.
Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV cho hay: “Trong thời gian tới, Nhà nước sẽ rất quyết liệt trong cải cách thể chế, xác định đây là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, cải cách thể chế sẽ có tác động nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Cụ thể, Quốc hội đang thảo luận kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế với nhiệm vụ trọng tâm là phân bổ lại nguồn lực theo thể chế thị trường, trong đó có nguồn lực đất đai, bất động sản”.
Theo ông Hiếu, việc cải cách thể chế sẽ giúp thị trường minh bạch, cạnh tranh hơn, từ đó sẽ có sự sàng lọc với nhà đầu tư. Đòi hỏi các nhà đầu tư phải có chiến lược kinh doanh thay đổi theo hướng minh bạch hoá, gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, cải cách thể chế giúp giảm bớt các rào cản, xoá bỏ rào cản pháp lý, giảm thiểu rủi ro pháp lý, giúp bảo vệ nhà đầu tư, người tiêu dùng tốt hơn. Điều này sẽ làm cho người tiêu dùng tăng niềm tin vào thị trường, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Về cơ bản người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.
"Trong chương trình kỳ họp Quốc hội Khoá XV sẽ xem xét tới cải cách thể chế, sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở… Theo đó, thị trường bất động sản sẽ sớm được minh bạch hơn, hình thành rõ hơn các phân khúc bất động sản", ông Hiếu cho hay.
Chờ tín hiệu để thị trường bùng nổ
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đã cùng mổ xẻ những yếu tố cho thấy thị trường cần tháo gỡ để sẵn sàng bùng nổ.
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Thái, Phó Tổng Giám đốc khối đầu tư và phát triển quỹ đất Công ty CP Đất Xanh Miền Trung nhận định, hiện nay, mỗi địa phương đang có cách nhìn nhận, xử lý về pháp lý khác nhau, từ khâu đầu tư, đấu thầu, thu hút doanh nghiệp đến chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian bị rà soát, kiểm tra. Điều này quyết định tới việc nhanh hay chậm trong tiến độ triển khai dự án.
Do đó, đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc tháo gỡ khó khăn cần được thực hiện thống nhất từ cấp chính quyền, bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần có văn bản hướng dẫn rõ ràng hơn, tránh tình trạng nhìn nhận và thực thi các chính sách và quy định pháp luật ở mỗi tỉnh, thành không thống nhất, khiến các hoạt động kinh tế - xã hội chưa thể bình thường trở lại.
Bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổng giám đốc khối Sun Property Group cũng chia sẻ: “Chúng tôi kiến nghị Luật Đất đai bổ sung thêm quy định cá nhân người nước ngoài có thể sở hữu, sử dụng đất đai tại Việt Nam. Bởi Luật Nhà ở cũng đã quy định cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu các bất động sản trong thời hạn 50 năm. Bên cạnh đó, chúng tôi muốn kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý cho các loại hình bất động sản du lịch mới như Condotel".
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D của DKRA Việt Nam đánh giá, dịch Covid-19 dù còn nhiều phức tạp nhưng cơ bản đang từng bước được kiểm soát tốt, kinh tế và xã hội đang có những dấu hiệu bắt đầu trở lại nhịp sống bình thường. Đây cũng là lúc chuẩn bị để bước vào một giai đoạn phát triển mới của thị trường bất động sản.
Theo dự báo của vị chuyên gia, Đà Nẵng, Quảng Nam là một trong những thị trường sẽ bùng nổ trở lại. Với những tiềm năng sẵn có, những cơ sở nền tảng đã hoạch định, những thay đổi mang tính đột phá sẽ làm cho thị trường bất động sản khu vực này sớm sôi động và phát triển trong một giai đoạn mới./.