“Chốt cọc” mua đất đầu năm
Sau một thời gian chịu tác động do giãn cách xã hội kéo dài, thị trường bất động sản bắt đầu sôi động trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế. Càng về gần về Tết Nguyên đán, thị trường càng trở nên "nóng bỏng" hơn bao giờ hết. Nhiều nhà đầu tư đổ xô tìm mua các bất động sản tại thời điểm này với mong muốn "hái lộc" đầu năm mới.
Chia sẻ với PV Reatimes, chị Hiền, 55 tuổi ở quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội có nhu cầu mua đất ở quê để đầu tư lâu dài. Sau những cơn sốt đất đầu năm, chị tìm mua đất với hy vọng giá sẽ giảm ít nhiều so với đợt trước và cũng là để vừa kịp đón Tết Nguyên đán cho một năm buôn bán thuận lợi.
“Ngay sau hết giãn cách, tôi đã nhiều lần đi tìm hiểu thị trường bất động sản của các vùng ven Hà Nội. Có một thực tế là, giá đất ở những khu vực này vẫn có xu hướng tăng, trong khi các dự án vẫn đang chỉ 'nằm' ở lời nói các môi giới. Trong tầm tài chính của mình, tôi nghĩ nếu mua đất ở các thành phố gần Hà Nội như Phủ Lý, Hải Dương, Hòa Bình, Bắc Giang,…, về lâu dài có thể thu được lợi nhuận cao", chị Hiền chia sẻ.
Chia sẻ về hành trình tìm mua đất dịp cận Tết của mình, chị Hiền cho biết, công việc kinh doanh cuối năm rất bận rộn khiến việc sắp xếp thời gian để đi xem đất ở tỉnh khá gấp và vất vả.
“Thông thường, tôi tìm kiếm mua đất thông qua trang Facebook, từ những 'group' bất động sản của tỉnh đó. Những dịp này, hội nhóm rất đông tin rao bán nhà, bán đất đủ các loại diện tích, các khu khác nhau nên nhiều khi thấy ‘hoa cả mắt’. Cứ cảm thấy ưng khu nào, là tôi liên hệ và đặt lịch hẹn đi xe về tỉnh xem đất trong ngày hôm đó luôn. Thế nhưng, mua đất cũng phải có “duyên”, nhiều lần ưng mảnh đất đó lắm rồi nhưng cứ chần chừ một chút là y rằng có người khác mua mất, rồi lại thấy tiếc lắm”, chị Hiền nói.
Sau nhiều lần tìm kiếm và được người nhà giới thiệu một số dự án tiềm năng ở TP. Phủ Lý (Hà Nam) với đường đôi rộng, đẹp. Chị Hiền đã không ngần ngại xuống tiền “chốt cọc” cho mảnh đất nhà phố với diện tích 95m2 với giá sang nhượng với giá gần 4 tỷ đồng với kỳ vọng khi dự án hoàn chỉnh năm tới có thể bán lấy lời.
Tương tự như chị Hiền, anh Hà (nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng đang có nhu cầu tìm mua bất động sản cuối năm thay vì lựa chọn các kênh đầu tư khác:
"Sau một thời gian tham gia vào các kênh đầu tư khác nhau, thời điểm dịp cuối năm đón Tết Nguyên đán nên gia đình tôi quyết định rút tiền từ các khoản đầu tư trước đó chuyển sang mua đất nền vì loại hình này giữ tiền tốt hơn mà an tâm hơn về mặt tâm lý".
Chia sẻ về lượng giao dịch trong thời điểm gần đây, anh Nam, môi giới bất động sản cho biết, một ngày lượng giao dịch từ 3 - 4 nền, có ngày 1 - 2 nền, còn việc dẫn khách đi xem đất thì gần như là liên tục trong 2 tuần trở lại đây. “Có những hôm không kịp ăn trưa, khách đến dồn dập. Đa phần mọi người cũng tranh thủ buổi trưa khi đi làm về để xem đất là nhiều nhất. Cuối năm, việc chốt cọc cũng dễ dàng hơn, việc mua bán các giao dịch cũng nhanh chóng hơn để kịp cho mọi người đón Tết", anh Nam chia sẻ.
Thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán sẽ có nhiều điểm sáng
Tình hình dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, bất động sản vẫn được coi là kênh đầu tư an toàn, hấp dẫn với người dân. Bên cạnh đó, do nguồn cung thị trường khan hiếm nhưng nhu cầu đầu tư rất lớn khiến giá bất động sản liên tục tăng cao. Chính vì vậy, thị trường bất động sản sau Tết Nguyên đán sẽ có nhiều điểm sáng.
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, với nhu cầu đầu tư trong năm 2022, thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi mạnh mẽ và giá tiếp tục trong xu hướng tăng lên.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, dòng vốn vào bất động sản vẫn đang trên đà tăng và bất động sản được hưởng lợi từ điều này. Đơn cử là hiện nay Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công. Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn đầu tư công lên tới 2,87 triệu tỷ đồng, hy vọng đạt giải ngân 95%, cao hơn mức 75% của giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, là với những chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong hai năm tới, Chính phủ và Quốc hội đang họp bàn để thống nhất có một gói khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang làm đầu mối chủ trì để trình Chính phủ thông qua chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, đề xuất phải có các quỹ như Quỹ Tín thác bất động sản, Quỹ Tiết kiệm nhà ở và Quỹ Phát triển nhà ở. Đây đều là những mô hình mà các nước triển khai tương đối tốt trong thời gian vừa qua.
“Bất động sản vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn của người dân. Giá cổ phiếu nhóm bất động sản đang tăng cao hơn bình quân toàn thị trường, dự báo sẽ là điểm sáng trên thị trường chứng khoán. Việc triển khai hàng loạt dự án hạ tầng với quy mô lớn và nguồn tiền đổ mạnh vào bất động sản sẽ tạo động lực giúp thị trường bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022”, ông Lực cho hay.
Đồng quan điểm, PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhận định, dù phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam hiện nay vẫn rất thuận lợi trên mọi mặt. Việc thi hành chính sách thay đổi toàn diện rất tốt cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng. Bên cạnh đó, bất động sản trong năm tới sẽ thuận lợi hơn nhiều so với năm trước khi hàng loạt dự án hạ tầng được triển khai sẽ có tính chất thúc đẩy lớn đối với thị trường này. Ngoài ra, sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch khá tốt, dòng tiền FDI vẫn tăng. Đây sẽ là các động lực quan trọng để đưa bất động sản chuyển động nhanh, thành điểm sáng của năm 2022.
Còn Tổng giám đốc Colliers Việt Nam David Jackson đánh giá, những tập đoàn bất động sản quy mô lớn năm nay vẫn "khát" quỹ đất nên sẽ tiếp tục xu hướng săn dự án dang dở để nhanh chóng có hàng hóa mới đưa ra thị trường. Thị trường mua bán sát nhập bất động sản 2022 sôi động cũng giúp cho nguồn cung tăng và thanh khoản có cơ hội được cải thiện so với năm 2022.
Nhận định về tăng trưởng của thị trường bất động sản 2022, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Công ty nghiên cứu thị trường CBRE nhận định: "Nguồn cung căn hộ sẽ gấp đôi, phân khúc nhà liền thổ cũng sẽ tăng 20 - 30% so với năm 2021. Nhưng so với nhu cầu thì "không ăn thua" nên trong 2 năm tới vẫn có sự lệch pha về cung cầu. Hơn nữa, chi phí đất, nhân công vẫn có đà tăng, tất cả yếu tố đó dẫn đến sự tăng giá trong năm 2022 và những năm tới"./.