Giá đất tăng cao
Theo thông tin của UBND TP. Hà nội, dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ có chiều dài là 112,8km, điểm đầu của dự án nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) và điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Trong đó, đoạn qua TP. Hà Nội 58,2km, Hưng Yên 19km; Bắc Ninh 25,6km và tuyến nối với Quốc lộ 18 dài 9,7km.
Tại Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông.
Sau khi thông tin triển khai về siêu dự án đường Vành đai 4 của Thủ đô được công bố, thị trường bất động sản tại các khu vực phụ cận của Hà Nội có liên quan đến dự án trở nên khá sôi động. Một số nơi còn xuất hiện tình trạng thổi giá bất động sản, những cơn sốt đất ảo ngầm có khả năng nhiễu loạn thị trường.
Khảo sát tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) cho thấy, thị trường nhà đất ở nhiều thị xã nhận được sự quan tâm lớn. Lượng rao bán nhà đất tăng mạnh, đặc biệt là khu vực các trục đường lớn cạnh nút giao của huyện và thị trấn Phùng. Theo đó, giá đất ghi nhận tại khu trục đường lớn khoảng 60 - 70 triệu/m2. Đất tại thị trấn Phùng có giá khoảng 130 - 140 triệu đồng/m2, tăng khoảng 10 - 15%.
Còn tại khu vực huyện Hoài Đức, ghi nhận tại các xã như Đức Thượng, Dương Liễu, Tiền Yên, Song Phương giá đất có nhích lên, tăng thêm khoảng 10 - 15 triệu đồng/m2 so với năm ngoái. Ghi nhận tại huyện giá đất trung bình khoảng 40 - 50 triệu đồng, khu vực trung tâm có giá khoảng 130 - 150 triệu đồng.
Theo lời của một môi giới tại huyện Hoài Đức cho biết, thời gian qua có rất nhiều nhà đầu tư, người mua đất quan tâm và tìm hỏi thông tin về nhà đất. Ngay sau khi xuất hiện thông tin quy hoạch và triển khai dự án đường Vành đai 4, hàng loạt nhà đầu tư và những người quan tâm đã đổ về huyện để khảo giá tại các khu vực có Vành đai 4 đi qua. Chính vì điều này mà hàng loạt trung tâm môi giới, tư vấn mua bán nhà đất mọc lên như nấm. Nhiều quán cà phê, quán giải khát, quán ăn cũng trở thành điểm tư vấn cho bất kỳ khách hàng nào có nhu cầu mua đất tại đây.
Hay tại các huyện Mê Linh, huyện Sóc Sơn, giá đất vẫn còn đang sốt nóng sau nhiều thông tin quy hoạch trước đó, tiêu biểu như quy hoạch từ huyện lên thành phố. Giá đất có tăng thêm 10 - 15 triệu đồng/m2, đất tại các vùng trung tâm hoặc sắp được đầu tư phát triển hạ tầng lại càng được giới đầu tư quan tâm.
Cẩn trọng khi đầu tư, mua bán
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội là dự án quan trọng nhằm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tuy nhiên, việc mua bán, đầu tư đất đai mới chỉ dựa theo thông tin triển khai đường Vành đai 4 vẫn còn tiểm ẩn nhiều rủi ro.
Theo các chuyên gia về bất động sản, chính thông tin triển khai siêu dự án trong thời gian tới đã làm tăng giá bất động sản, nhiều khả năng sẽ xuất hiện cơn sốt đất ảo tại các khu vực này. Theo đó, người có nhu cầu mua đất thật có thể không mua được hoặc phải mua với giá quá cao so với thực tế. Các nhà đầu tư thì có nguy cơ gặp phải nợ xấu, lỗ nặng khi mà giá đất quay về đúng giá trị ban đầu…
Nhận định về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, việc xây dựng mới, mở rộng hạ tầng giao thông đem lại giá trị lớn cho bất động sản vùng lân cận. Đây cũng chính là lý do hàng đầu khiến bất động sản tăng giá mạnh nhất.
Tuy nhiên, việc tăng giá bất động sản phải tỷ lệ thuận với tăng đầu tư thực sự để tạo ra những giá trị về hạ tầng, về đời sống và về dịch vụ cho khu vực. Nếu như bất động sản tăng giá quá nhanh mà mới chỉ ở giai đoạn công bố kế hoạch, quy hoạch thực hiện thì điều đó chưa chắc đã là bình thường. Đó có thể những dấu hiệu đầu tiên của cơn sốt đất ảo, làm lũng đoạn thì trường bất động sản.
Do đó, ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, đa phần các nhà đầu tư thiếu chuyên nghiệp, thiếu kiến thức đều có thể mắc bẫy nếu như không tìm hiểu kỹ lưỡng. Họ đều có nguy cơ mua phải những bất động sản ảo, bất động sản không phù hợp quy định pháp luật và có khả năng mất trắng hoặc khoản đầu tư có thể bị lỗ.
Nếu nhà đầu tư muốn mua bất động sản ở thời điểm này, đặc biệt ở các địa bàn đang chờ quy hoạch, dự án lớn triển khai, các dự án hạ tầng giao thông đang chờ để được đầu tư thực hiện thì bất động sản chưa thể sinh lời nhanh, có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.
Chuyên gia cảnh báo, trước các thông tin về quy hoạch, dự án mới, đầu tư phát triển hạ tầng, nhà đầu tư và những người có nhu cầu mua bán đất đai cần thận trọng, xem xét kỹ càng thông tin. Đồng thời, cần tìm hiểu kỹ về những bài học mua bán đất theo quy hoạch trước đó để nắm chắc, không nên vội vàng đầu tư và giao dịch mua bán theo phong trào, tránh “tiền mất tật mang”.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phải sớm vào cuộc, cần thiết nên có những biện pháp mạnh tay xử lý triệt để các vi phạm, ổn định thị trường mua bán bất động sản tại khu vực. Các thông tin về dự án cần phải được công khai để người dân, nhà đầu tư nắm rõ. Việc công khai quy hoạch chính là giải pháp mấu chốt để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp…/.