Aa

Giá nhà ở xã hội “vượt xa” khả năng chi trả của người thu nhập thấp

Thứ Sáu, 14/07/2023 - 08:50

Dù được cho là nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, nhưng giá bán nhà ở xã hội vẫn ở mức khá cao, khi mỗi m2 lên đến hàng chục triệu đồng, khiến cho những người có nhu cầu thực rất khó có thể tiếp cận được.

Người thu nhập thấp chỉ biết "đứng nhìn"

Theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield Việt Nam, giá nhà ở tại Việt Nam tăng liên tục trong 5 năm qua, giá nhà ở tại Việt Nam cao gấp 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người đã gây cản trở việc sở hữu nhà của nhiều người dân, trong khi đó ở các nước công nghiệp phát triển thì giá nhà ở tại đây mới chỉ cao gấp 6 – 7 lần mức thu nhập.

Chính vì vậy, nhà ở xã hội được xem là giải pháp cấp thiết cho nhu cầu nhà ở của những người lao động có thu nhập trung bình, thấp. Thế nhưng, dù đã nhiều năm triển khai, đến nay số lượng nhà ở xã hội vẫn còn rất ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn của người dân. Thậm chí, tại một số dự án, khi cư dân vào ở thì tăng giá khá mạnh, gấp 2 – 3 lần so với mở bán.

Điển hình, tại một số dự án nhà ở xã hội tại khu vực Hà Đông, Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khi mở bán chỉ có mức giá khoảng từ 16,5 – 19 triệu đồng/m2, thế nhưng nhiều căn hộ tại đây đang được rao bán với mức giá tăng gấp đôi khoảng 20 – 30 triệu đồng/m2 dù đã qua sử dụng. Điều này đã khiến giấc mơ sở hữu nhà ở của nhiều người dân lao động ngày càng xa vời.

Nhà ở xã hội
Một số dự án nhà ở xã hội khi đã đi vào ở nhiều năm thì tăng giá khá mạnh, gấp 2 – 3 lần so với mở bán (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Anh Mạnh Hà (công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ, tổng thu nhập của cả hai vợ chồng anh Hà rơi vào khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Nếu chi tiêu tiết kiệm, mỗi tháng gia đình anh dư được khoảng 3 triệu đồng, tuy nhiên con số này cũng chỉ đủ để làm khoản dự phòng, chứ khó có thể tiết kiệm thành khoản tiền mua nhà được.

“Cũng đã nhiều lần tôi đi làm hồ sơ mua nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện xét duyệt, nếu đủ thì thủ tục vay vốn cũng rất rườm rà và quá khó khăn. Đến khi hỏi mua sang tay nhà ở xã hội thì giá nhà từ căn thấp nhất cũng phải gần 2 tỷ đồng/căn hộ 60m2, tức là 33 triệu đồng/m2. Có lẽ việc mua nhà đối với những người làm công nhân như chúng tôi khó có thể thành hiện thực”, anh Hà nói.

TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, phân khúc nhà ở xã hội dành cho đối tượng lao động có thu nhập trung bình, thấp hiện nay đang bị mất cân đối cung cầu trầm trọng. Khi nhu cầu ngày càng lớn nhưng nguồn cung nhiều năm qua vẫn chưa có động thái cải thiện rõ rệt, nên xảy ra hiện tượng tăng giá nhà ở xã hội, đẩy xa tầm với người dân. Cho đến nay, các doanh nghiệp hay chủ đầu tư hầu như không hào hứng với nhà ở xã hội vì đem lại lợi nhuận thấp, khi lượng cầu này được tích lũy và đang ngày càng tăng lên sẽ dẫn đến nhiều mối lo ngại cho xã hội.

Ts. Nguyễn Minh Phong
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế (Ảnh: Reatimes)

“Rõ ràng với mức lương của người lao động như hiện nay thì việc tích lũy được từ 1 - 2 tỷ có thể mất đến cả một đời người, do vậy mục tiêu chủ chốt hiện nay là phải xây dựng và triển khai nhà ở xã hội sao cho phù hợp với từng đối tượng, đáp ứng được nhu cầu của đại đa số”, ông Phong nói.

Các chuyên gia cho rằng, nhà ở xã hội là nhà dùng để hỗ trợ những người lao động có thu nhập thấp, thế nhưng trong nhiều năm qua lại được bán theo giá thị trường, ai có tiền thì mua, ai không có tiền thì vẫn chỉ biết đứng “nhìn”. Do đó, cần phải có những biện pháp để dứt điểm được vấn đề này.

Đa dạng hóa loại hình nhà ở xã hội

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, để quyết định mức giá cụ thể cho nhà ở xã hội còn phải phụ thuộc vào từng dự án, vị trí, công năng, diện tích, quy mô và các tiện ích khác,… Thế nhưng, mục tiêu chung là hướng tới xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của đại đa số của người dân, do vậy phải đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm ví dụ như nhà 25m2 bán dưới 1 tỷ đồng, 45 – 50 m2 bán trên dưới 1 tỷ đồng,… để đảm bảo phù hợp với thu nhập người lao động, phát triển được nhà cho thuê lâu dài.

“Không nhất thiết nhà ở xã hội phải trên dưới 2 tỷ mà việc làm nhà ở xã hội dưới 1 tỷ là hoàn toàn có khả năng. Đây là con số hợp lý để hướng tới đảm bảo thị trường nhà ở xã hội thực sự bùng nổ và đáp ứng được nhu cầu của người dân hiện nay thay vì làm nhà ở chỉ vì lợi ích của nhà đầu tư hay lợi ích nhóm nào đó”, ông Phong chia sẻ.

Nhà ở xã hội
Tập trung nguồn ngân sách hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở xã hội (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)

Ngoài ra, để phát triển nhà ở xã hội hiệu quả và duy trì lâu dài, vị chuyên gia này cũng cho rằng, nhà nước nên ưu tiên việc phát triển nhà ở xã hội lên trước để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết thay vì khuyến khích đầu tư “nóng” vì sẽ tạo ra nhiều nguy cơ cho nền kinh tế như việc chúng ta đã phải đối diện và trả giá như hiện nay.

Trong đó, tập trung nguồn ngân sách hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở xã hội, thực hiện kế hoạch tổng thể, tạo nguồn cung thực sự hướng tới đúng đối tượng, đúng yêu cầu về kỹ thuật, kiến trúc, giá cả. Đồng thời đảm bảo nguồn tiền hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước hướng đúng đối tượng, đạt hiệu quả và đảm bảo sự công bằng xã hội.

Ông Phong nhấn mạnh, phải thiết kế hệ thống chính sách tài chính gắn với phát triển nhà ở xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả nguồn vốn tín dụng cho các nhà đầu tư và cho cả người có nhu cầu mua nhà ở xã hội. Đây là hai đối tượng quan trọng do vậy cần những cơ chế khác nhau, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, từ các chính sách tín dụng.

Cuối cùng, ông Phong cho rằng, việc công khai minh bạch các chính sách và quá trình kiểm tra và giám sát giải ngân dựa trên tiến độ dự án phải cực kỳ nhạy bén, có các chế tài khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như đi kèm các chế tài răn đe đối với những đối tượng lạm dụng chức quyền để trục lợi từ ngân sách của nhà nước thì mới phát triển được nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top