Nhiều tín hiệu tích cực từ nền kinh tế
Quý I/2022, nền kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều khởi sắc tích cực mặc cho bối cảnh thế giới có những biến động lớn. Theo báo cáo của JLL, trong quý đầu tiên của năm 2022, GDP của Việt Nam tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng quý I/2021 (4,72%) và năm 2020 (3,66%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%. Đây có thể nói là một mức tăng trưởng tích cực, hướng tới mục tiêu đạt tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2022 đã được Chính phủ đề ra.
Cùng với GDP tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa - doanh thu dịch vụ tiêu dùng và lượng khách quốc tế đến Việt Nam cũng ghi nhận tăng mạnh. Tính chung quý I/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 57,3 tỷ USD, tương đương 1.318 nghìn tỷ VND, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I ước đạt gần 91 nghìn lượt người, tăng 89,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 3 ghi nhận tới 41,7 nghìn lượt người, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam bắt đầu mở cửa các đường bay quốc tế và đón khách du lịch trở lại từ ngày 15/03/2022.
Có được những kết quả trên là nhờ vào quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế thời gian qua của Quốc hội và Chính phủ, tạo niềm tin, động lực cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là gói hỗ trợ kinh tế 35 nghìn tỷ đồng cùng các hoạt động giải ngân vốn đầu tư công cũng như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Cụ thể, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam chỉ đạt 8,91 tỷ USD trong quý I, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước, song vốn giải ngân đạt 4,42 tỷ, tăng 7,8% so với cùng kỳ và là mức cao nhất của qúy I trong 5 năm qua.
Chưa kể, từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà nước liên tục rà soát nhằm sửa đổi, bổ sung các vướng mắc pháp lý cho hoạt động kinh doanh, sản suất. Vì vậy, đã tạo niềm tin lớn đối với các doanh nghiệp, tạo cở sở cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường, trở lại “đường đua”.
Thị trường bất động sản tái khởi động mạnh mẽ từ Bắc vào Nam
Trước những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản đã và đang tái khởi động từ Bắc vào Nam ở mọi phân khúc.
Ở phân khúc văn phòng cho thuê và bán lẻ, cả TP.HCM và Hà Nội đã ghi nhận nhu cầu thuê tăng cao, giá thuê cũng hồi phục nhẹ và tăng theo mức độ hồi phục của nền kinh tế.
Theo JLL, tại TP.HCM, tỷ lệ lấp đầy tại các TTTM ngày càng cao. Trọng điểm với hơn 14.000m2 sàn được hấp thụ trong quý I/2022 do nhu cầu phát triển mở rộng của các khách thuê lớn và các chuỗi bán lẻ. Ngoài ra, sư xuất hiện của các khách thuê lớn ở các TTTM có chất lượng cao cũng góp phần thu hút nhu cầu tìm kiếm mặt bằng từ các nhà bán lẻ khác vào dự án.
Giá thuê thực tế tại các TTTM trọng điểm cũng tăng 1,3% so với quý trước, đạt mức 41,5 USD/m2/tháng, hồi phục về mức giá cho thuê của thị trường trước đại dịch. Mặc dù các chủ đầu tư đã dỡ bỏ chính sách hỗ trợ khách thuê nhưng vẫn sẵn sàng thương lượng để đưa ra các chính sách hỗ trợ tùy từng trường hợp cụ thể.
Tại Hà Nội, giá thuê thuần ở các TTTM khu vực trung tâm và ngoài trung tâm đạt 63,6 USD/m2/tháng và 28,7 USD/m2/tháng trong quý I, lần lượt tăng 1,3% và 0,3% so với quý trước. Giá thuê thực tế ở các TTTM trọng điểm trên toàn thị trường tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái do chủ đầu tư đã áp dụng chính sách tăng giá tự nhiên theo năm từ quý I/2022 vốn bị ngưng lại trong suốt năm 2021 do đại dịch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng giá theo lạm phát này chủ yếu diễn ra ở một số TTTM vốn có tỷ lệ lấp đầy tốt và ít chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Đối với các TTTM còn lại, chủ đầu tư vẫn linh hoạt trong việc xem xét giá thuê tốt cho khách thuê dựa trên sản phẩm, diện tích thuê và thời hạn thuê.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, thị trường căn hộ Hà Nội ghi nhận hơn 3.260 căn mở bán, tăng 7,3% theo quý, tuy nhiên vẫn giảm 10,6% theo năm. Mức tăng theo quý cho thấy nguồn cung đang tiếp tục trên đà hồi phục sau khi cả nước bắt đầu tiến trình bình thường hóa với đại dịch.
Sự cải thiện về nguồn cung cùng tâm lý lo sợ lạm phát khiến giá nhà leo thang đã góp phần thúc đẩy nhu cầu mua căn hộ, đặc biệt là với người mua ở thực. Trong quý I/2022, lượng căn hộ bán ra tại Hà Nội đạt 4.391 căn, tăng 31,7% so với quý IV/2021. Trong đó, thị trường căn hộ trung cấp chiếm đến 74,6% số căn được bán hết, tập trung tại các dự án có quy mô lớn như Vinhome Ocean Park (Gia Lâm) hoặc Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm). Nhu cầu tốt không giới hạn chỉ ở các quận huyện có tâm lý thị trường tốt nhờ các dự án lớn mà một vài huyện ngoại thành như Hoài Đức, Thanh Trì cũng có tỷ lệ bán tốt trong 3 tháng vừa qua nhờ vào các dự án phù hợp với nhu cầu của khách hàng bình dân trong thời kì khan hiếm nguồn cung giá rẻ và giá bán đang ngày càng tăng cao.
Về giá bán, căn hộ sơ cấp tại Hà Nội đạt đỉnh giá tại 1,72 USD/m2, tăng 11,2% theo năm. Đây là mức tăng hàng năm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Không những vậy, giá sơ cấp trên thị trường căn hộ trung cấp cho thấy đà leo thang khi ở nhiều dự án có mức tăng giá theo năm lên đến 10%.
Tương tự tại TP.HCM, mặt bằng giá ở thị trường sơ cấp đạt mức 2.927 USD/m2. Quỹ đất ngày càng khan hiếm cũng góp phần thúc đẩy vào xu hướng tăng giá bán căn hộ. Tại KĐT Thủ Thiêm, sự kiện đấu giá đất vào cuối năm 2021 đã thu hút sự quan tâm của người mua vào khu vực này, khiến giá bán sơ cấp trung bình tại KĐT tăng 3,0% theo quý, cao hơn 2,5% so với mức tăng cùng kỳ quý trước.
Tại đây, thị trường ghi nhận phân hóa nhu cầu giữa nhóm khách mua đầu tư và khách ở do động thái siết tín dụng cho vay bất động sản của ngân hàng Nhà nước. Trong khi chính sách vay mua nhà hạn chế có tác động nhất định đến nguồn cầu đầu cơ và kể cả để ở, các chương trình ưu đãi hấp dẫn của chủ đầu tư vẫn thu hút sự chú ý của nhóm khách đầu tư dài hạn từ vốn nhàn rỗi.
Ở phân khúc nhà liền thổ, cả TP.HCM và Hà Nội đều duy trì sức nóng từ nguồn cầu lớn, giá sơ cấp tiếp tục tăng mạnh. Riêng Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá bán sơ cấp đã đạt 4.799 USD/m2 đất, tăng 2,7% theo quý và 12,2% theo năm. Còn tại TP.HCM, giá bán sơ cấp tăng 1,7% theo quý và 15,9% theo năm, đạt mức 3.007 USD/m2 đất, do thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu được duy trì, thậm chí đẩy mạnh sau đại dịch.
Theo JLL, trong 18 ngành thu hút đầu tư, ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ USD, chiếm 30,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Có thể thấy, thị trường bất động sản cả nước đang bước vào đà tăng trưởng khi quay lại quỹ đạo “bình thường mới”. Triển vọng trong 9 tháng cuối năm, nền kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng, các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ, dòng vốn được khơi thông, thị trường bất động sản sẽ “tăng tốc” mạnh hơn nữa./.