Aa

Thị trường bất động sản trong mùa dịch: Nơi thắng đậm, nơi phá sản hàng loạt

Chủ Nhật, 07/11/2021 - 06:30

Trong 10 tháng qua, bất chấp dịch bệnh phức tạp, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản niêm yết lãi lớn

Dù trải qua 4 đợt bùng phát đại dịch Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát từ 4 đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn. Thế nhưng, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.

bất động sản
Một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán

Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.

Theo Bộ Xây dựng, những tháng cuối năm 2021, nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn đã đẩy mạnh kế hoạch, hoạt động đầu tư kinh doanh.

Tổng kết lại tình hình bất động sản trong 10 tháng qua, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết:  6 tháng đầu năm, nguồn cung thị trường có 180 dự án với 55.576 căn (tăng 23%) so với cùng kỳ năm 2020. Về lượng giao dịch, có 55.335 giao dịch thành công (tăng 29%) so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, trong các tháng cuối quý I, thị trường có hiện tượng sốt giá cục bộ ở một số phân khúc và một số địa phương nhưng đã được kiểm soát kịp thời.

“Sang đến quý III, khi nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM thực hiện cách ly, giãn cách triệt để, nghiêm ngặt thì hầu hết ngành kinh tế đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại lớn. Thị trường bất động sản trong quý III càng gặp nhiều khó khăn hơn so với quý I”, đại diện Bộ Xây dựng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển R&D DKRA Vietnam cho rằng: Trong quý IV, giao dịch trên thị trường khó có thể tăng mạnh mà vẫn ổn định như quý III. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ quý I/2021 như lạm phát, chi phí vật liệu xây dựng tăng, chi phí đầu vào tăng.

“Đặc biệt, từ quý II/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại, Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân cho cả trẻ em, thì bất động sản sẽ càng có đà tăng giá”, vị chuyên gia đưa ra dự báo.

Nói về xu hướng thị trường trong quý IV, ông Nguyễn Hoàng nhận định nguồn cung mới và sức mua về cơ bản sẽ tích cực hơn quý III. Nguồn cung mới và sức mua trong phân khúc căn hộ có thể tăng nhẹ.

Nguyên nhân do người mua bị ảnh hưởng về thu nhập, một số khác cũng đang thận trọng quan sát. Ngoài ra, thị trường thứ cấp chưa tích cực và việc này cũng tác động đến sức mua của thị trường sơ cấp.

Doanh nghiệp xây dựng, sàn giao dịch thiệt hại nặng

Trái ngược với tình hình khả quan của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, các sàn giao dịch bất động sản lại chịu tác động rất nặng từ đại dịch. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, có khoảng 28% doanh nghiệp có nguy cơ giải thể phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.

doanh nghiệp bất động sản
Ngoài các sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp xây dựng cũng là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19

Thống kê cho thấy, hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp, quỹ lương ngày một cạn kiệt, buộc phải cắt giảm nhân sự, cho nghỉ việc hoặc cho tạm nghỉ việc không lương.

Thực tế cũng cho thấy, mặc dù các sàn giao dịch đã chủ động, linh hoạt, thay đổi phương án kinh doanh về thích ứng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong bán hàng nhưng với tình hình dịch bệnh trong quý III/2021 thì các sàn giao dịch bất động sản gặp rất nhiều khó khăn. 

Đặc biệt, đối với các sàn giao dịch có quy mô vừa và nhỏ, có nguồn lực tài chính thấp, sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Ngoài các sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp xây dựng cũng là một trong những ngành nghề chịu thiệt hại nặng do dịch Covid-19. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 6.171 doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh, và có tới 4.091 doanh nghiệp chờ giải thể. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top