Aa

Thị trường BĐS thiếu minh bạch, người mua nhà "chóng mặt" trong mê cung môi giới

Thứ Tư, 07/09/2016 - 23:49

Muốn mua một căn chung cư với yêu cầu có sổ hồng vĩnh viễn, bà Thủy "chóng mặt", "toát mồ hôi" khi tìm từ trang web chính thức đến các trang giao bán nhà đều không có thông tin gì về tính pháp lý của dự án, trong khi đó môi giới không ngừng đưa ra lời mời ngon ngọt.

Dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng theo báo cáo GRETI 2016 của JLL, Việt Nam đang xếp thứ hạng khá thấp về tính minh bạch trong thị trường bất động sản, xếp hạng 68 trên 109 quốc gia (JLL là từ viết tắt của Jones Lang LaSalle - tập đoàn quản lý đầu tư và dịch vụ chuyên nghiệp dành cho các khách hàng mong muốn gia tăng giá trị tài sản bằng cách đầu tư vào bất động sản)
 
Người mua nhà vẫn “than trời” với tính minh bạch dự án (ảnh minh họa)

Người mua nhà vẫn “than trời” với tính minh bạch dự án (ảnh minh họa)

Lạc vào mê cung môi giới

Thi công thiếu giấy phép, bị đình chỉ thi công vẫn rao bán rầm rộ trên mạng, hàng loạt dự án cắm sổ đỏ vào ngân hàng… là vấn đề nhức nhối đang tồn tại ở thị trường bất động sản Việt Nam khiến giới đầu tư bất động sản và người dân mua nhà không khỏi lo lắng.

Lần mò tìm thông tin pháp lý trên mạng của một dự án ở khu vực quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhưng đọc hết trang web chính thức của chủ đầu tư lại tìm từ trang mạng này sang trang mạng khác, hết facebook rồi youtube nhưng bà Nguyễn Thu Thủy (45 tuổi, trú Hai Bà Trưng) không tìm thấy bất cứ một dòng pháp lý nào của dự án.

Theo bà Thủy, vì khu đất gia đình bà đang sinh sống thuộc vào diện bị giải tỏa để làm dự án mới nên bà muốn tìm một căn hộ chung cư để mua. Tiêu chí mà bà Thủy hướng đến là giá dưới 2,5 tỷ đồng, 3 phòng ngủ, đặc biệt là sổ hồng vĩnh viễn.

Dò theo các trang mạng giới thiệu dự án, bà Thủy nhận thấy một điều tất cả đều khẳng định dự án được cấp sổ hồng vĩnh viễn. Thế nhưng, tìm trên mạng không thấy chủ đầu tư công bố hồ sơ pháp lý, bà tìm đến các sàn phân phối phối chính thức của dự án cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Bà chị yên tâm, dự án này được cấp phép đầy đủ, được cấp sổ hồng vĩnh viễn”.

Mới đây, sở TN&MT Hà Nội,TP.HCM công bố danh sách các dự án cầm cố sổ đỏ đất dự án vào ngân hàng khiến giới đầu tư và người dân có nhu cầu mua nhà được phen chao đảo. Nhiều người đã đóng hàng tỷ đồng vào dự án rồi mới biết dự án mình đang đầu tư bị cầm cố sổ đỏ.

“Sợ nhất là đang ở bị ngân hàng đến niêm phong căn hộ”, một khách hàng lo ngại.

Đóng tiền mua nhà đến giai đoạn 3 của dự án nhưng khi biết khu đất dự án mình đang đầu tư bị cắm sổ đỏ bà Lê Ngọc Minh (trú quận Hoàng Mai) vẫn quyết tâm xin rút. Tuy nhiên, điều bà nhận lại là những đe dọa thiệt hại vì phá hợp đồng.

“Khi bày tỏ lo ngại thì chủ đầu tư xoa dịu bằng cách thi công xong sẽ rút sổ đỏ về và cam kết làm sổ hồng cho tất cả các hộ, không biết chủ đầu tư có thực hiện không nhưng tôi thấy rất lo và mất lòng tin. Trước khi đầu tư vào đây tôi đã tìm hiểu rất kỹ, chủ đầu tư cho đến các sàn đều khẳng định hồ sơ pháp lý đầy đủ, thế mà…”, bà Minh nói.

Không chỉ giới đầu tư mà nhiều Giám đốc, nhân viên các sàn phân phối dự án cũng thừa nhận rằng rất khó để biết được tính minh bạch của dự án.

Ông Trần Văn Bắc – Giám đốc một sàn bất động sản trên phố Lê Văn Lương cho biết, trước khi đầu tư tiền vào dự án, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ. Có thể đến các cơ quan chức năng hoặc gặp chủ đầu tư. “Nếu thấy thông tin dự án mập mờ, không rõ ràng thì nên cân nhắc trước khi đầu tư”, ông Bắc chia sẻ.

Ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư?

Thông tin từ Ngân hàng Thế giới vừa công bố cho biết, trong 3 năm trở lại đây, minh bạch hóa thông tin dự án được ghi nhận rõ ở phân khúc nhà ở. Theo đó, những thông tin như danh sách dự án được hình thành trong tương lai, danh sách dự án thế chấp ngân hàng, giấy phép đầu tư, giấy phép quy hoạch, giấy phép xây dựng đã được cơ quan quản lý và chủ đầu tư công khai phần nào làm an lòng giới đầu tư.

Dù vậy, theo đánh giá của giới chuyên gia bất động sản, tính minh bạch dự án vẫn chưa đồng bộ. Nhiều chủ đầu tư sẵn sàng công bố giấy phép xây dựng nhưng dự án có bị cầm cố ngân hàng hay không, hệ thống phòng chữa cháy thế nào, chất lượng nhà ra sao, thời hạn sử dụng đất thế nào… vẫn còn nhập nhèm.

“Các thông tin như số lượng căn hộ đang được xây mới, căn hộ sắp bàn giao, căn hộ tồn kho… cũng nên được công bố hàng quý hoặc hàng năm để người mua nhà nắm được, từ đó có hướng đầu tư đúng đắn”, anh Hùng - một người dân đang tìm hiểu dự án bày tỏ.

Giới chuyên gia bất động sản cũng cho rằng, việc thiếu minh bạch trong dự án bất động sản không chỉ khiến giới đầu tư lo lắng, bất an mà còn ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài.

“Tính minh bạch là điều rất quan trọng trong đầu tư bất động sản, khi nắm rõ tính minh bạch dự án, giới đầu tư nước ngoài sẽ sẵn sàng đầu tư vào phát triển dự án. Quyền lợi của giới đầu tư, người dân mua nhà cũng nhờ thế mà được đảm bảo, không nên để người dân tự "bơi" trong sự mập mờ để rồi khi đầu tư tiền tỷ vào dự án, người dân vẫn phải ngậm quả đắng”, một chuyên gia chia sẻ.

Bà Trang Lê - Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL) cho biết, trong những năm gần đây, rất nhiều chính sách, quy định về việc công khai minh bạch thông tin đã được ban hành. Cũng theo bà Trang, bất động sản đang là thị trường thu hút dòng vốn đầu tư lớn tại Việt Nam, điều này là yếu tố thúc đẩy việc cải thiện tính minh bạch trong thị trường bất động sản thời gian tới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top