Aa

Thị trưởng các thành phố ASEAN tìm giải pháp phát triển đô thị bền vững

Thứ Ba, 27/08/2019 - 13:34

Từ ngày 25 - 27/8, dưới sự tổ chức của Liên hợp quốc, diễn đàn Thị trưởng các thành phố ASEAN được diễn ra tại toà nhà Liên hợp quốc UNCC, Thủ đô BangKok, Thái Lan.

Hơn 400 đại biểu khách mời và lãnh đạo 70 thành phố lớn trong khu vực đã tham dự. Ba địa phương của Việt Nam tham gia sự kiện quan trọng này gồm lãnh đạo TP. Thanh Hoá, TP. Nam Định và TP. Hồng Ngự, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp).

Ngài Prayut Chan-ocha, Phó Thủ tướng Vương quốc Thái Lan phát biểu chào mừng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Thị trưởng TP. Bangkok điều hành diễn đàn này.

Diễn đàn Thị trưởng các thành phố ASEAN diễn ra trong toà nhà Liên hợp quốc tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan

Nội dung diễn đàn tập trung bàn về vấn đề phát triển bền vững và toàn diện ở cấp chính quyền địa phương của các đô thị thành phố khu vực ASEAN. Tại các phiên hội thảo chuyên đề, Thị trưởng các thành phố sẽ đánh giá các sáng kiến hợp tác của ASEAN về các vấn đề để thúc đẩy đô thị tập trung vào các kế hoạch, chính sách và hành động của ASEAN liên quan đến hành động của chính quyền cấp địa phương. Hội thảo chuyên đề cũng phân tích những nỗ lực của ASEAN để bản địa hoá các mục tiêu, kế hoạch phát triển, thảo luận về vai trò và sự hợp tác của các Thị trưởng thành phố ASEAN ở cấp độ khu vực.

Phiên thảo luận đột phá bàn về các sáng kiến và hành động của ASEAN gồm các nội dung: ASEAN con đường phát triển bản sắc của đô thị, ASEAN công nghệ thông minh và ASEAN không rào cản trước biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi.

Theo TS. Bernadia Irawati Tjandradewi - đại diện Liên hợp quốc UNCC, Tổng Thư ký UCLG ASPAC, hơn 40% dân số sống tại các đô thị và tăng nhanh vào những năm 2025 - 2030. Những đô thị thông thường, đô thị cấp trung đến siêu đô thị đều gặp vấn đề về ô nhiễm, tắc đường, tiếng ồn, biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí carbon. Đó không phải hoạt động đơn độc mà là mục đích chung của các đô thị trên thế giới và đô thị ASEAN đảm bảo tính minh bạch và thịnh vượng.

Đại diện Liên hợp quốc cho rằng, cần xây dựng tính bền vững của cộng đồng bằng cách hợp tác, vận dụng công nghệ thông minh, tăng cường sự tham gia của người dân, tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển. UCLG ASPAC cam kết hỗ trợ các hoạt động này thông qua hoạt động của Chính phủ các nước để đạt được mục tiêu Nghị sự nêu trên.

Đại diện đoàn lãnh đạo các thành phố Việt Nam tham dự tại diễn đàn

Ngài Pirkka Tapiola - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Bangkok cho biết: Châu Âu là đối tác của các đô thị ASEAN và rất quan tâm đến kinh tế, chính trị, xã hội và đặc điểm riêng của đô thị các nước Đông Nam Á. Chia sẻ những thách thức như áp lực về y tế, giáo dục, hạ tầng, môi trường của các đô thị. Đại sứ Liên minh châu Âu cho rằng các đô thị ASEAN phải chấp nhận những dịch vụ chưa từng có trước đây để giải quyết các vấn đề này.

“Các đô thị phải hợp tác cùng nhau để tìm giải pháp. Phát triển kinh tế nhanh nhưng không ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân. Cần phải cân bằng phát triển và môi trường, đây là những điểm Liên minh châu Âu có thể giúp hỗ trợ cho cộng đồng ASEAN, chia sẻ hành trình thực hiện đạt được mục tiêu trong quá trình dài hạn”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thái Lan kiêm Thị trưởng TP. Bangkok nêu quan điểm tại diễn đàn là hợp tác với đối tác và cộng đồng quốc tế nhằm tuân thủ mục tiêu phát triển bền vững. 

Áp dụng triết lý thúc đẩy những mảng lĩnh vực khác nhau. Phát huy nội lực và tận dụng cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tìm kiếm giải pháp đồng thời lường trước khuyến nghị của đô thị trong mạng lưới khu vực để có sự hạnh phúc của người dân và thành công của chính quyền.

Thị trưởng các đô thị trình bày nhiều tham luận về chính sách do doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách dành cho doanh nghiệp tập đoàn tư nhân lớn và cách thức đặt vấn đề đến các cấp chính quyền cao hơn trong quy hoạch, tầm nhìn dài hạn, hợp tác quốc tế để phát triển đô thị bền vững.

Đại diện cho đô thị Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy, chủ tịch HĐND TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã chia sẻ những quan điểm về phát triển đô thị bền vững và ở đây xin được chú trọng tới vấn đề phát triển đô thị thông minh.

Tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương có nền kinh tế lớn nhất tại Việt Nam và được xem là sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu ở khu vực Bắc Trung Bộ. Là tỉnh có diện tích đứng thứ 5 cả nước với hơn 3,5 triệu dân, Thanh Hóa nắm giữ triển vọng phát triển đầy hứa hẹn để trở thành động lực tăng trưởng của Việt Nam. 

Với vị trí chiến lược giao giữa miền Bắc và miền Trung và đường bờ biển dài hơn 100km, Thanh Hóa là cửa ngõ kết nối 2 miền Bắc và Nam, có các tuyến giao thông đường bộ, cảng biển và sân bay nội địa thuận lợi. Vị trí chiến lược và biên giới tiếp giáp với 4 tỉnh và nước bạn Lào đã tạo ra lợi thế quan trọng cho Thanh Hóa trong khu vực và mở ra những cơ hội mới cho tỉnh.

Là một trong những nền kinh tế lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, Thanh Hoá là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Hiện Thanh Hóa đứng thứ 8 toàn quốc về thu hút vốn FDI với tổng giá trị trên 10 tỷ USD (năm 2014) để phát triển các dự án đa dạng trong xây dựng, du lịch hay nông nghiệp

Quy hoạch phát triển Thanh Hóa đến 2030 là quy hoạch phát triển không gian tích hợp gồm 4 vành đai chính: Khu bảo tồn thiên nhiên, vành đai nông nghiệp, vành đai chế biến/chế tạo và vành đai du lịch.

Để triển khai chiến lược phát triển kinh tế Thanh Hóa đến 2030, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của các cố vấn kinh tế quốc tế, Thanh Hóa sẽ tập trung vào các mục tiêu như: Phát triển thương mại dịch vụ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo và vận tải; Nâng cao vị thế của Thanh Hóa trong khối ASEAN và thị trường quốc tế thông qua thúc đẩy phát triển đô thị hóa toàn cầu, đô thị thông minh và hợp tác đầu tư dưới hình thức PPP; Hội nhập TP. Thanh Hóa vào vành đai phát triển trung tâm phía Bắc Việt Nam và hợp nhất với vành đai phát triển tiểu vùng châu thổ sông Hồng; Thanh Hóa sẽ tham gia là thành viên của mạng lưới đô thị thông minh châu Á (ASCN), cùng với Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM.

Diễn đàn sẽ diễn ra đến hết ngày 27/8 và theo kế hoạch, diễn đàn sẽ thông qua Tuyên bố về diễn đàn Hàng hải ASEAN và ký biên bản ghi nhớ (MoU) giữa các thành viên mạng lưới đô thị ASEAN và đối tác quốc tế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top