Công bố mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, lượng sản phẩm giao dịch thành công trong quý I/2020 chỉ đạt khoảng 14% so với tổng lượng sản phẩm hiện có trên thị trường bất động sản, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng tại Hà Nội có 1.167 giao dịch thành công (bằng 38% quý IV/2019).
Sự sụt giảm lượng giao dịch, thị trường trầm lắng là do tác động của dịch bệnh nhưng giá bất động sản lại không giảm. Theo số liệu từ Savills Việt Nam, giá bán chung cư sơ cấp trên thị trường vẫn tăng 7% theo năm đạt 1.460 USD/m2.
Tại phân khúc biệt thự liền kề, giá sơ cấp trong quý cũng tăng mạnh do nguồn cung mới có giá cao. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự là 4.764 USD/m2, tăng 19% theo quý. Trong khi đó, giá trung bình liền kề đạt 4.458 USD/m2, tăng 9% theo quý. Giá nhà phố khoảng 7.306 USD/m2, tăng 18% theo quý.
Lý giải nguyên nhân khiến giá bất động sản Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 tiếp tục tăng cao, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, do nguồn cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn, trong khi đó nguồn cung các dự án nhà ở trên thị trường hiện đang hạn chế.
Theo Savills, trong quý II/2020, thị trường căn hộ chung cư Hà Nội chỉ có 5 dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 7 dự án đang triển khai cung cấp khoảng 6.200 căn hộ mới ra thị trường.
Nguồn cung căn hộ này tăng 28% theo quý nhưng giảm 6% theo năm. Nguồn cung sơ cấp trên thị trường cũng tăng 5% theo quý nhưng giảm 6% theo năm xuống còn 29.200 căn hộ. Trong đó, căn hộ hạng B tiếp tục dẫn đầu nguồn cung với 74% thị phần.
Dự báo sự phát triển của thị trường chung cư Hà Nội, Savills cho biết, trong nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ bốn dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường.
Trong số 22 dự án này, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Các quận/huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm Từ Liêm với 45% thị phần, Gia Lâm với 32% và Hoàng Mai với 9% thị phần.
Trong quý II/2020, bốn huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.
Các dự án lớn ở ngoại ô trong tương lai bao gồm Xuân Mai Smart City (3.072ha), Vinhomes Cổ Loa (299ha), BRG Smart City (272ha) và Vinhomes Wonder Park (133ha). Những dự án này được xem như là một giải pháp bền vững để giảm bớt những gánh nặng về vấn đề dân số, tắc nghẽn giao thông hay thiếu hụt hạ tầng.
Đánh giá về thị trường bất động sản Hà Nội, bà Hằng cho rằng, mặc dù nguồn cung và lượng tồn kho trên thị trường nhiều, tuy nhiên nhìn một cách tổng thể, biên độ giá vẫn tiếp tục tăng trong vài năm qua. Bằng chứng là dù ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng trong 6 tháng đầu năm, xu hướng tăng giá trên thị trường bất động sản vẫn không hề bị ảnh hưởng.
“Thị trường đang được dẫn dắt bởi căn hộ hạng B. Trong thời gian tới, do sự thuận tiện cũng như chất lượng, tiện ích của những dự án nên giá bán và giá thuê vẫn giữ mức ổn định. Những người mua có nhu cầu ở thực họ sẽ mua được nhà với đúng giá trị đầu tư”, bà Hằng cho hay.
Thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn lớn, nhưng trong bối cảnh có những khó khăn vì dịch bệnh Covid-19, cả doanh nghiệp bất động sản và người có nhu cầu đều thận trọng.
Thời gian tới, với những chính sách xúc tiến đầu tư, nhiều dự án mới được khởi công, một nguồn cung căn hộ mới được hình thành, thị trường bất động sản Hà Nội kỳ vọng sẽ có sự khởi sắc. Khi đó, giao dịch trên thị trường sẽ sôi động trở lại.
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, trong ngắn và trung hạn, nếu không phải nhu cầu ở thực, không nên đầu tư vào thị trường căn hộ với kỳ vọng sinh lợi ngay, mà thay vào đó cần hướng tới sự đầu tư dài hạn, vì từ giờ đến cuối năm, giá căn hộ dự báo sẽ ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ. Thay vào đó, giới đầu tư nên chuyển hướng quan tâm sang đất nền vùng ven.