Aa

Thị trường chứng khoán 9/11: Không hồi phục như kỳ vọng

Thứ Bảy, 10/11/2018 - 06:01

Càng giao dịch, thị trường càng cho thấy sự suy yếu rõ rệt và dần trở nên tiêu cực hơn với áp lực bán gia tăng, nhất là về cuối phiên...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau 2 ngày họp căng thẳng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định không tăng lãi suất, vẫn giữ nguyên mức lãi suất từ 2 đến 2,25% giống như kỳ vọng. Tưởng chừng thông tin trên có thể khiến thị trường chứng khoán ổn định hơn và hồi phục trở lại nhưng chừng đó vẫn “chưa thấm vào đâu”.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tuần mở cửa với tâm lý bi quan cho nhà đầu tư trong nước do ảnh hưởng bởi những tín hiệu không tích cực từ TTCK châu Á. Chỉ số Nikkei 225 và Shanghai cũng giảm gần 1% còn Hangseng đang giảm hơn 500 điểm.

Cùng với đó, giá dầu thế giới vẫn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực khi lao dốc phiên thứ 9 liên tiếp. Giá dầu Brent tương lai giảm 1,42 USD xuống 70,65 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 1 USD xuống 60,67 USD/thùng, thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Điều này đã khiến hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, VNM, VCB, ROS, BID, TCB, VJC… đều đồng loạt giảm giá và gây ra áp lực rất lớn lên thị trường chung, đẩy các chỉ số giảm sâu dưới mốc tham chiếu.

Sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo khi bên bán đang chiếm ưu thế trên toàn thị trường với gần 300 mã đỏ trong khi chỉ có hơn 100 mã xanh. Tuy nhiên khối lượng giao dịch cũng chỉ ở mức thấp chứng tỏ nhà đầu tư đang thận trọng, đặt an toàn hàng đầu. Các hoạt động bắt đáy chưa xuất hiện nhiều, tiền vẫn “dửng dưng” đứng ngoài chờ cơ hội hấp dẫn hơn.

Càng giao dịch, thị trường càng cho thấy sự suy yếu rõ rệt và dần trở nên tiêu cực hơn với áp lực bán gia tăng, nhất là về cuối phiên giao dịch. Bên cạnh đó, các thị trường khu vực tiếp tục giảm sâu đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư.

Đà bán càng dâng cao, chủ yếu đến từ nhóm ngành ngân hàng, dầu khí và những mã trụ lớn như VNM, HPG, MWG, PNJ, HPG, FPT… Cụ thể, VNM giảm 2,5% xuống 117.000 đồng/cổ phiếu, MWG giảm 3,6% xuống 106.000 đồng/cổ phiếu. HPG giảm 3,3% còn PNJ cùng FPT đều giảm trên 2%.

Nhóm cổ phiếu dầu khí chịu hệ quả của giá dầu thế giới và tác động lớn đến diễn biến của thị trường chung. Các mã như GAS, PVD, PVS, PVC, PLX… đều sụt giảm mạnh. GAS là mã cổ phiếu tác động tiêu cực nhất lên thị trường khi giảm 5,1% xuống 95.000 đồng/cổ phiếu. PLX giảm 4% xuống 57.000 đồng/cổ phiếu. PVS, PVD, PVC cùng giảm gần 5% còn PVB giảm 5,4%.

Nhóm ngân hàng cũng là tác nhân chính trong đợt sụt giảm này. Đứng đầu là VCB giảm 2,5% xuống 54.300 đồng/cổ phiếu. Tiếp đến là BID, CTG, TCB, ACB, MBB đều giảm quanh mức 2,5%. Các mã còn lại cũng giảm tương đối mạnh.

Nhóm ngành chứng khoán, bất động sản, xây dựng có diễn biến không mấy khả quan và đều đóng cửa trong sắc đỏ như SSI giảm 3%, HCM, VCI, VND, DXG, HDG, CTD… giảm điểm mạnh. Thậm chí HBC còn giảm 5,9% xuống 19.050 đồng/cổ phiếu.

Ở chiều hướng ngược lại, dù tác động tích cức nhất lên thị trường và đóng góp 1% sắc xanh cho Vn-index nhưng một mình VHM cũng chỉ kìm hãm được phần nào đà giảm của thị trường. VHM tăng 1,7% lên 76.000 đồng/cổ phiếu và đã tăng gần 30% sau 9 phiên giao dịch gần đây.

Bên cạnh đó là những đóng góp đến từ các mã trụ cột khác như BVH, NVL, HNG, NT2 khi đóng cửa trong sắc xanh ngày cuối tuần.

Đáng chú ý, cổ phiếu FLC đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư sau khi được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp phép bay cho hãng hàng không Bamboo Airways. Cổ phiếu này đã tăng 1,9% lên 5.790 đồng/cổ phiếu, có thời điểm giá cổ phiếu FLC vượt trên 6.000 đồng/cổ phiếu.

Đóng cửa phiên giao dịch, các chỉ số đều đóng cửa thấp nhất phiên, chỉ số Vn-index vẫn giảm 11,99 điểm (1,29%) xuống 914,29 điểm, Hnx-index giảm 1,53 điểm (1,46%) xuống 103,01 điểm và Upcom-Index giảm 0,42 điểm (0,81%) xuống 51,59 điểm. Mặc dù vậy, thanh khoản vẫn khá thấp, giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt vỏn vẹn hơn 3.150 tỷ đồng, tương đương 156 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.

Điểm tích cực đến từ khối ngoại do đã đẩy mạnh mua ròng lên gần 80 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung chủ yếu vào HPG, MSN, VRE và VHM.

Với diễn biến thị trường như hiện tại, có thể thấy dòng tiền lớn vẫn chủ động đứng ngoài cuộc, nhà đầu tư cần theo dõi sát tình hình kinh tế chính trị khu vực, nhất là mối quan hệ giữa Mỹ - Trung. Chủ động đưa tài khoản về trạng thái an toàn với tỷ trọng thấp, hạn chế dùng đòn bẩy là lựa chọn hợp lý tại thời điểm này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top