Thị trường chịu tổn thương
Phiên giao dịch đầu tuần 12/9 trên thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến khá tích cực khi chỉ số VN-Index xanh điểm ngay từ những phút đầu phiên và tiếp tục đi ngang trong biên độ từ 1.252 - 1.257 điểm. Tuy nhiên, sắc xanh của chỉ số VN-Index không đại diện toàn bộ thị trường, nhiều nhóm ngành đi ngang, thậm chí giảm điểm trong phiên, khiến đà tăng dần thu hẹp về cuối phiên.
Về thị trường trong tháng 9, đây là thời điểm có nhiều sự kiện về mặt vĩ mô trên quốc tế cũng như ở Việt Nam xảy ra, đâu đó sẽ tạo áp lực đến nền kinh tế, đặc biệt là thị trường chứng khoán.
Cụ thể, Mỹ sẽ công bố CPI tháng 8 và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, như vậy sẽ tạo áp lực lên tỷ giá của Việt Nam. Từ nay đến cuối năm FED còn ba lần tăng lãi suất nữa là tháng 9, tháng 11 và tháng 12. Trong trường hợp lạm phát không giảm xuống thì chính sách siết chặt và quan điểm “diều hâu” của FED sẽ vẫn tiếp tục được duy trì. Nếu VND có dấu hiệu suy yếu và Ngân hàng Nhà nước muốn giữ sức mạnh đồng tiền Việt, thì phải tác động bằng chính sách tiền tệ, có thể là tiếp tục hoạt động bán USD ra để thu tiền đồng về, gây tác động đến dòng tiền trên thị trường. Một vấn đề nữa là lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang tăng rất mạnh hai tuần trở lại đây từ mức 1,9% lên 7 - 8%.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể nhìn thêm các yếu tố vĩ mô của Việt Nam như chỉ số CPI, với tình hình nội tại của kinh tế Việt Nam sẽ vẫn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%. Nhưng trong 2, 3 tháng cuối năm, khả năng CPI trong ngắn hạn có thể sẽ tăng lên, trong đó có chi phí giáo dục là một trong những cấu phần của CPI có dấu hiệu tăng cao. Hay chi phí về giao thông cũng chững lại và không giảm được, cộng với áp lực về tỷ giá thì dòng tiền sẽ bị siết lại và phải lưu ý nhiều hơn.
Như vậy, với chi phí đầu vào tăng thì thị trường cần phải được theo sát các diễn biến hơn, mặc dù đến nay chưa đến mức quá xấu nhưng cũng đã có dấu hiệu tổn thương nhất định, thị trường đâu đó sẽ có sự chiết khấu thêm một khúc nữa chứ không thể dừng ngay được.
Đáng chú ý, trên thị trường chứng khoán hiện nay có câu chuyện liên quan đến nhóm ngành ngân hàng. Vì “room” tín dụng vừa qua được nới không như kỳ vọng và khi chi phí đầu vào tăng mà chi phí đầu ra bị siết lại, sẽ làm cho triển vọng ngành ngân hàng trong quý IV/2022 phải cân nhắc và hạ xuống. Trong ngắn hạn, cổ phiếu ngân hàng có dấu hiệu yếu đi sẽ không phải là tín hiệu tích cực cho thị trường. Một vài cổ phiếu ngân hàng đầu ngành cũng đang chịu mức độ tổn thương khá lớn, trong khi nhóm này có trọng số lớn trên thị trường nên sự suy yếu không phải là điểm tích cực, ít nhất là về mặt kĩ thuật.
Phân hoá các nhóm ngành
Trong bối cảnh thị trường chịu nhiều tác động, các nhóm ngành sẽ có sự phân hoá ra sao là vấn đề được nhà đầu tư quan tâm. Đối với nhóm bất động sản, trong thời gian qua đã chịu ảnh hưởng từ thị trường trái phiếu, nợ vay nhiều và nới room tín dụng không đáng kể, đồng nghĩa với việc lượng tín dụng trên thị trường bơm ra hạn chế. Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải chọn lọc khách hàng tốt để cho vay, do đó, những doanh nghiệp bất động sản có khả năng trả nợ và tình hình tài chính tốt, có dự án sẵn sàng để bán có thể sẽ là những doanh nghiệp đáng được quan tâm.
Ngoài ra, nhóm bất động sản cũng liên quan đến các nhóm như xây dựng, đầu tư công, là những nhóm có dấu hiệu tích cực. Nhưng nếu nhìn sâu sẽ thấy rằng, đầu tư công tăng mạnh là do so với cùng kỳ năm 2021 ở mức nền thấp. Hoặc ngành bán lẻ cũng tương tự, nếu nhìn con số so với tháng liền trước thì chỉ tăng nhẹ, cho thấy về bản chất đang có dấu hiệu đi ngang chứ không hẳn là mạnh lên.
Còn nếu nhìn ở góc độ kỹ thuật và dòng tiền, thì dòng tiền đang chảy vào những nhóm ngành nhỏ hơn như nhóm bán lẻ, nhóm điện, nhóm dầu, nhóm phân bón, tạo ra những phiên tăng tương đối ấn tượng. Ví dụ nhóm bán lẻ kỳ vọng vào câu chuyện mùa kinh doanh cuối năm sẽ có sự tăng trưởng và dựa vào tổng cầu của Việt Nam đang hồi phục trở lại.
Trong đó, nhóm ngành điện hồi phục sau Covid-19 đã tăng rất mạnh và phản ánh vào giá của nhóm ngành năng lượng. Những cổ phiếu về dịch vụ điện đều có tỷ lệ giao dịch trôi nổi trên thị trường tương đối ít, nghĩa là dù dòng tiền không quá lớn cũng có thể giúp cổ phiếu tăng giá. Còn những nhóm cổ phiếu như ngân hàng, thép thì sẽ cần phải rất nhiều tiền mới kích thích đà tăng.
Riêng về dòng thép, trong dài hạn cổ phiếu thép đang bước vào chu kỳ giảm và việc chiết khấu quá sâu, cộng với giá thép thế giới quay đầu, tình trạng thiếu điện của Trung Quốc, hay câu chuyện EU phải đóng cửa các nhà máy thâm dụng năng lượng lớn, khiến giá thép quay trở lại tạo đáy. Như vậy những doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi một phần, nhưng thuần túy là tính chất đầu cơ theo thông tin, bởi vì giá thép trong nước đã giảm 15 lần nhưng hiện nay mới tăng lại khoảng 1 - 2 lần. Vì thế nhóm ngành này chỉ chịu ảnh hưởng ngắn hạn nhiều hơn.
Với các thông tin trong nước mới nhất hiện nay, chúng ta đang bước sang quá trình giao dịch T+2 và lô lẻ, nhìn ở khía cạnh tích cực sẽ thấy điều này giúp giảm thiểu rủi ro đối với những người đầu cơ và giao dịch ngắn hạn. Từ đó cũng dẫn đến hiện tượng thị trường đang phải cố làm quen với yếu tố mới, cụ thể là nguồn cung tăng đột ngột vào buổi chiều trong khi thời gian hấp thụ nguồn cung lại rất ngắn, nên gần đây thị trường thường giao dịch khá tiêu cực vào buổi chiều và khó dự đoán hơn.
Về giao dịch lô lẻ bắt đầu từ ngày 12/9 sẽ tác động đến những người có nguồn vốn ít, có thể là những người mới muốn thử nghiệm tham gia thị trường, giúp tăng một phần tính thanh khoản trong dài hạn và sẽ tốt cho các công ty chứng khoán cũng như nhà đầu tư. Tuy nhiên sẽ không tác động nhiều đến tính thanh khoản của thị trường trong hiện tại, bởi vì thị trường đang trong bối cảnh tương đối phức tạp cả ở thế giới cũng như Việt Nam.
Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích CTCK Nhất Việt