Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực.
Đây là ý kiến của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng trong cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN về diễn biến thị trường chứng khoán trong năm 2021 và nhận định sắp tới.
PV: Dịch Covid-19 càn quét khốc liệt trên phạm vi toàn thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa có tiền lệ lên nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên trong năm 2021, chứng khoán Việt Nam lại lập được những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Ông có đánh giá gì về những điểm nổi bật này?
Ông Trần Văn Dũng: Trong năm 2021, dù Việt Nam liên tục phải ứng phó với dịch Covid-19, nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 giúp kinh tế trong nước giữ được tăng trường và doanh nghiệp niêm yết đa phần làm ăn có lãi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam do đó đã có sự bứt phá mạnh mẽ, liên tục lập kỷ lục mới về cả chỉ số, giá trị giao dịch, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước mở mới và có được nhiều điểm nổi bật.
Cụ thể, về chỉ số, tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 458,05 điểm, tăng 125,5% so với cuối năm 2020.
Về giá trị giao dịch và giá trị niêm yết, tính đến ngày 28/12/2021, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729 nghìn tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP năm 2020 và 92% GDP năm 2021.
Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch của thị trường đạt 1.727 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.
Năm 2021, chứng kiến số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán gia tăng kỷ lục. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên.
Trong 11 tháng năm 2021, có 1,3 triệu tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 4.133 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở mới, nâng tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020; trong đó, số lượng nhà đầu tư trong nước chiếm đến 99% tổng số lượng tài khoản đầu tư toàn thị trường.
Về huy động vốn, trong 11 tháng năm 2021, tổng mức huy động vốn thực tế trên thị truồng chứng khoán ước đạt 444.941 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hóa ước đạt 143.924 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần.
Tính đến 31/12, huy động vốn cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu trái phiếu Chính phủ giảm 1,8% với giá trị đạt 318.213 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 13,92 năm (dài nhất từ trước đến nay), trong khi lãi suất phát hành bình quân đạt 2,30%/năm (thấp nhất từ trước đến nay và thấp hơn nhiều so với lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 - 2 năm của hệ thống ngân hàng thương mại (5,4 - 6,8%).
Kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ bảo lãnh là 10,33 năm và lãi suất phát hành bình quân là 2,3%/năm, giảm 0,75%/năm so với năm 2020.
Huy động vốn trái phiếu hiệu quả đã góp phần quan trọng, tiết kiệm chi phí huy động vốn cho ngân sách nhà nước, góp phần tăng tính bền vững của danh mục nợ trái phiếu Chính phủ.
Các kết quả trên cho thấy, thị trường chứng khán là kênh đầu tư được công chúng đầu tư trong và ngoài nước đặc biệt quan tâm và cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
PV: Sau khi các biện pháp phòng chống Covid-19 được nới lỏng, doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán, gặp một loạt khó khăn về nguồn cung, giá nguyên liệu, cước vận chuyển, nguồn lao động… Theo ông, những yếu tố này tác động ra sao tới tâm lý nhà đầu tư, thị trường chứng khoán và ông có nhận định gì về diễn biến thị trường trong thời gian tới?
Ông Trần Văn Dũng: Năm 2021, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; trong đó có các doanh nghiệp là công ty đại chúng. Sau khi các biện pháp phòng chống Covid-19 được nới lỏng, hoạt động sản xuất kinh doanh từng bước được khôi phục trong trạng thái bình thường mới, kinh tế từng bước được cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Tuy nhiên, do tốc độ hồi phục không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp những khó khăn về nguồn cung, giá nguyên liệu, cước vận chuyển, nguồn lao động...
Tất cả những khó khăn đó đều tạo ra áp lực ở mức độ khác nhau đến lạm phát, từ đó tác động đến tâm lý nhà đầu tư và tác động đến thị trường chứng khoán.
Về diễn biến thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đánh giá thị trường vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với những diễn biến khó lường, tuy nhiên cũng có nhiều tín hiệu khả quan
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất tiếp tục được duy trì ổn định trong các tháng cuối năm và đầu năm tới. Do vậy, dòng tiền có khả năng vẫn tiếp tục được thu hút vào thị trường chứng khoán.
Cùng đó là chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ trình Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm 2021, thời gian áp dụng tập trung trong hai năm 2022 - 2023 với 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: y tế; an sinh xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình; kích thích đầu tư công; cải cách hành chính sẽ giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng, phát triển.
Dư địa phát triển của thị trường vẫn còn rất lớn khi Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù mới sơ khai nhưng sẽ là thị trường tiềm năng lớn trong thời gian tới…
Bên cạnh đó, Chính phủ đã và đang đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 và kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng giãn cách xã hội đã thúc đẩy triển vọng phục hồi tích cực của nền kinh tế Việt Nam.
Dù có nhiều tín hiệu khả quan cho thị trường chứng khoán trong năm tới, tuy nhiên vẫn còn đó một số rủi ro cần phải được lưu ý.
Cụ thể, tốc độ tăng lợi nhuận và doanh thu của doanh nghiệp đang có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn tiếp tục xảy ra dẫn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh dưới tác động của đại dịch Covid-19 và nhiều biến thể của Covid-19 đang lây lan nhanh. Doanh nghiệp khó có thể đạt được mức tăng trưởng như năm 2021.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đang đưa ra tín hiệu về áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm đối phó với rủi ro lạm phát. Các chính sách này nếu được thực thi sớm trên thế giới sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường chứng khoán.
Về yếu tố nội tại thị trường chứng khoán, chúng tôi đánh giá sau 21 năm hoạt động, thị trường chứng khoán đã tích lũy được thành quả về cả lượng và chất, tăng khả năng chống chịu với yếu tố bên ngoài.
Do đó, với những yếu tố khách quan hỗ trợ và bản thân nội lực, thị trường chứng khoán trong trung và dài hạn có triển vọng tiếp tục phát triển tích cực.
Điều quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước về chứng khoán phải chuẩn bị các giải pháp ứng phó để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, minh bạch; đồng thời tôi cũng rất mong các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách cẩn trọng, phân tích đầy đủ thông tin, tránh tâm lý đầu tư theo phong trào để hạn chế rủi ro.
PV: Thị trường chứng khoán tăng mạnh, đi kèm với đó là thanh khoản tăng cao. Nhiều nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhà đầu tư “F0” là nhân tố quan trọng giúp thị trường sôi động. Dưới góc độ quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã và sẽ có giải pháp gì giúp thị trường minh bạch, tăng niềm tin, thu hút nhà đầu tư mới?
Ông Trần Văn Dũng: Dưới góc độ quản lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm các giải pháp đồng bộ và các giải pháp nhánh; trong đó tập trung vào các giải pháp như: Tái cấu trúc mô hình tổ chức thị trường và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã được triển khai, đẩy mạnh thực hiện và đã phát huy hiệu quả; triển khai thi hành Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn Luật, tập trung phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu, nâng cao chất lượng hàng hoá.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tăng cường quản lý, giám sát và hiện đại hoá hạ tầng công nghệ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chứng khoán và thị trường chứng khoán giúp thị trường minh bạch, tăng niềm tin, thu hút nhà đầu tư mới.
Ủy ban Chứng khoán đã và luôn chú trọng đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan như cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh… để kịp thời nắm bắt tình hình hoạt động của các công ty đại chúng, niêm yết, giao dịch trên thị trường; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc nghiêm trọng nhằm đảm bảo hiệu quả trong đấu tranh, xử lý các tội phạm trên thị trường chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán cũng tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán cho nhà đầu tư thông qua các chương trình cập nhật kiến thức; các chương trình đào tạo ngắn hạn; tuyên truyền trên truyền hình.
Ngoài ra, trong quý IV/2021, trên cơ sở dự án VIEO32 “Nâng cao năng lực trong lĩnh vực tài chính” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp với Tổ chức Hỗ trợ và phát triển Luxembourg đã xây dựng trang web https://nhadautu.srtc.org.vn nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về chứng khoán, kiến thức về các sản phẩm chứng khoán cho nhà đầu tư.
Với một hệ thống các giải pháp đã và đang được triển khai sẽ mang đến một thị trường minh bạch và tăng niềm tin nhà đầu tư.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!.