Aa

Thị trường phân hoá mạnh và xuất hiện nhiều cổ phiếu “bỗng dưng gãy ngang“

Thứ Sáu, 18/08/2023 - 06:00

Thị trường trung tuần tháng 8 đang là những bức tranh đan xen nhau, phân hoá rõ rệt, tựu chung lại là một tâm lý hưng phấn của giới đầu tư, đặc biệt là ở nhóm các nhà đầu tư cá nhân.

Thị trường đang phân hoá mạnh?

Chỉ số VN-Index dường như đã tạo đỉnh ngắn hạn ở quanh vùng 1.245 điểm, tuy nhiên nhiều cổ phiếu vẫn tiếp tục đà tăng. Nhìn tổng thể các nhóm dòng đang có sự phân hoá mạnh mẽ. Có thể thấy rõ, bất động sản đang là nhóm cổ phiếu mạnh nhất khi liên tục đón nhận những thông tin tích cực từ chính sách của Nhà nước, xoay quanh là chứng khoán, thép, đầu tư công. Mỗi ngày một dòng được kéo và mỗi ngày một dòng điều chỉnh. Nhiều cổ phiếu vượt đỉnh nhưng nhiều cổ phiếu cũng bỗng dưng gãy ngang sau khi đã vượt nền thành công.

Ví dụ, tại nhóm đầu tư công có: CTI, HHV, DHA, KSB;... Điện: HDG, REE, NT2;... Thủy sản: ANV, VHC... Cảng biển: GMD, VOS, hay sản xuất nông nghiệp thì HAG và BAF đã xác nhận chỉnh tuần.

Hiện nay, nhóm nhà đầu tư cá nhân đang tỏ ra hưng phấn khi gần như dòng tiền của các nhóm này “cân” lại hết thị trường. Từ đó, bắt đầu xuất hiện những phiên nhóm nhà đầu tư cá nhân mua ròng trên nghìn tỷ để đối ứng lại với đà bán ròng của cả khối ngoại, tự doanh và tổ chức.

Dòng tiền phân hoá, các nhóm cổ phiếu đang phân hoá và thậm chí các cổ phiếu trong một nhóm cũng đang có sự phân hoá. Tình trạng này của thị trường sẽ còn diễn ra thêm một vài phiên nữa trước khi có sự xác nhận rõ ràng của một nhịp điều chỉnh.

Khi thị trường điều chỉnh, các phiên đầu tuần trước đã xuất hiện một lực bắt đáy tương đối. Đây là tâm lý thường thấy của nhà đầu tư, những nhà đầu tư lỡ kẹt hàng trên cao hay tiếc lệnh trung bình giá. Khi nhà đầu tư hết lực để bắt, dòng tiền khối ngoại, tổ chức vẫn tiếp tục đà bán ra đó sẽ là lúc xuất hiện rõ rệt hơn của nhịp điều chỉnh.

Nước ngoài đang bán ròng mạnh mẽ thời gian qua. Nguồn Finpath

Giữ bình ổn tỷ giá USD/VND là điều cần lưu tâm

Rạng sáng 17/8/2023, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng mạnh 37 đồng, so với ngày hôm trước và hiện ở mức 23.881 đồng. Với biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND là 5%, giá USD được phép giao dịch tại các ngân hàng thương mại nằm trong vùng 22,687 - 25,075 đồng. Đây cũng là mức giá bán USD giao ngay cao nhất từ trước đến nay.

Nguồn: SBV

Chỉ số sức mạnh đồng USD tiếp tục tăng tuần thứ tư liên tiếp và liên tục chốt phiên tuần sau cao hơn tuần trước. Ban đầu, chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mốc 102, sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố. Được biết, chỉ số này đã chạm mức thấp nhất là 101,78 nhưng lập tức tăng trở lại từ mốc đó và hiện tại đã vượt mốc 103. Hiện nay, chỉ số DXY đã xác nhận có một pha hồi tuần và nếu vượt được mốc 104 thì đây sẽ là một pha hồi tương đối mạnh. 

Chart DXY đang cho dấu hiệu của một nhịp hồi tuần mạnh.

Có thể thấy, việc quyết định đi ngược chính sách tiền tệ với thế giới là bài toán mà chắc chắn các nhà điều hành kinh tế của Việt Nam đã lường được trước, tuy nhiên những rủi ro vẫn đang tiềm ẩn. 

Đã có những ví dụ điển hình về việc “quay xe” về chính sách tiền tệ mà cụ thể nhất là Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, quốc gia này đã dần hạ lãi suất chính sách từ 19% (cuối năm 2021) xuống 8,5% trong tháng 3/2023, ngay cả khi lạm phát tăng vọt 80% vào cuối năm 2022. Tổng thống Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã có những chính sách giảm lãi suất khi chưa lường trước được các biến số có thể xảy ra. Kết quả là Thổ Nhĩ hiện đang kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng khi đồng nội tệ rớt giá không phanh.

Bên cạnh đó, trong 5 năm qua, đồng Lira đã mất giá khoảng 80% so với USD và dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở mức rất thấp vì nước này bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng Lira. Và cuối cùng, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã phải nâng mạnh lãi suất chuẩn từ 8,5% lên 15% trong ngày 22/06 và chính phủ của ông Erdogan đã quyết định “quay xe” về chính sách tiền tệ.

Việc giữ bình ổn về tỷ giá là công việc hàng đầu, bên cạnh đó là câu chuyện hút vốn đầu tư nước ngoài, kìm hãm lạm phát... và cùng rất nhiều những vấn đề mà các nhà điều hành kinh tế Việt Nam cần phải giải quyết. Lãi suất giảm, đồng USD tăng mạnh, đây cũng là một trong những lý do khiến dòng tiền khối ngoại liên tục bán ròng thời gian qua./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top