Ngày 15/8/2023, cổ phiếu VFS và chứng quyền VFSWW của VinFast Auto Ltd. đã chính thức giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Global Select Market (Nasdaq). Đây được đánh giá là cột mốc lịch sử của nền kinh tế Việt Nam.
Vốn hóa của VinFast đang ở khoảng 69 tỷ USD
Ở phiên giao dịch thứ 2, ngày 16/8, VFS có những thời điểm giảm khoảng 30%, về mức 26 USD/cổ phiếu. Tuy nhiên về cuối phiên, VFS đã rút chân mạnh mẽ và kết phiên giao dịch ở mức 30,1 USD/cổ phiếu, giảm gần 19%.
Dù giảm tương đối ở phiên giao dịch thứ 2, nhưng đây là điều khá phổ biến đối với nhiều mã cổ phiếu mới niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ, đặc biệt là các mã cổ phiếu công nghệ.
Sau 2 phiên giao dịch đầu tiên, vốn hóa của VinFast đang ở khoảng 69 tỷ USD, vẫn là một cột mốc rất cao.
Trước đó, sau cú rung chuông của Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thuỷ, VFS mở cửa phiên giao dịch đầu tiên trên Nasdaq với giá 22 USD/cổ phiếu. Với khoảng 2,3 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, mức định giá của VinFast thời điểm chào sàn chứng khoán Mỹ đạt xấp xỉ 50 tỷ USD.
VFS giao dịch bùng nổ và kết phiên đầu tiên ở mức 37,06 USD/cổ phiếu (tăng 68,45% so với giá mở cửa), tương ứng vốn hóa lên đến hơn 85 tỷ USD.
Con số này đưa VinFast vượt qua hàng loạt tên tuổi như Li Auto, NiO, Rivian… để trở thành nhà sản xuất xe điện lớn thứ 2 thế giới và vượt mặt luôn hàng loạt tên tuổi lâu đời như Mercedes - Benz, BMW, Volswagen, Ferrari, Honda, Ford... để lọt top 5 doanh nghiệp giá trị nhất ngành công nghiệp ô tô.
Đây cũng là mức vốn hóa cao nhất một doanh nghiệp Việt Nam từng chạm đến.
Ở trong nước, cùng ngày với VFS được niêm yết tại Mỹ, cổ phiếu họ Vingroup cũng tiếp tục đà bùng nổ chưa từng có. Cụ thể, VIC, VHM, VRE đều bật tăng mạnh, trong đó VIC tăng kịch trần.
Sang ngày 16/8, thanh khoản của VIC lên tới 1.467,7 tỷ đồng, chưa kể 22,7 tỷ đồng thỏa thuận. Tính theo giá trị, đây là phiên giao dịch kỷ lục của cổ phiếu này.
Nhìn rộng hơn, kể từ thời điểm có thông tin VFS được niêm yết trên Nasdaq cuối tháng 7, cổ phiếu họ nhà Vin đều có đà tăng mạnh mẽ. Tiêu biểu nhất phải kể đến VIC, cổ phiếu này bật tăng từ vùng nền giá 50 và vượt ngưỡng giá 70, đạt mức tăng gần 50%.
Cơ hội rộng mở cho cả VinFast và các doanh nghiệp trong nước
Tại thị trường Việt Nam, VinFast là đơn vị duy nhất và chiếm trọn thị phần trên thị trường xe điện. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn có vị thế quy mô và xây dựng nền tảng kinh doanh, hệ sinh thái rộng lớn, lợi thế thương mại độc quyền như mạng lưới trạm sạc trên khắp cả nước. Đây là bước đệm vững chắc để VinFast bước ra thế giới.
Việc đưa thành công VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq là một trong những cách tạo dấu ấn đầu tiên cho nền kinh tế cũng như thị trường tài chính Việt Nam trên trường quốc tế. Đây sẽ là yếu tố quan trọng góp phần gia tăng sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.
Theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, để được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, một trong hai sàn giao dịch điện tử lớn nhất thế giới, là không hề đơn giản. Các doanh nghiệp phải có tên tuổi, được đối tác tin tưởng, qua sàng lọc của thị trường và cơ quan quản lý của Mỹ mới bước chân được vào sàn này.
Khi đã niêm yết thành công trên sàn Nasdaq, VinFast đứng trước cơ hội dễ dàng huy động vốn từ phát hành trái phiếu hay vay tín dụng hơn. Cụ thể, VinFast có thể được vay với lãi suất thấp hơn, thời gian vay dài hơn. Việc phát hành các cổ phiếu bổ sung cũng sẽ thuận lợi hơn. Thương hiệu và vị trí của VinFast cũng sẽ vươn tầm thế giới, được nhiều đối tác chú ý và mong muốn hợp tác hơn.
Cũng theo ông Thịnh, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, sự kiện niêm yết tại Mỹ của VinFast còn tác động tích cực đến các doanh nghiệp Việt Nam khác.
"VinFast niêm yết tại Mỹ sẽ tạo ra một cú hích để thu hút thêm dòng vốn đầu tư mới cho chính mình và các doanh nghiệp Việt. Các nhà đầu tư thế giới sẽ biết đến doanh nghiệp Việt Nam, có cái nhìn khác về doanh nghiệp Việt trong cuộc chơi quốc tế, từ đó sẽ để ý hơn đến doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm hợp tác đầu tư. Hay khi doanh nghiệp Việt Nam phát hành trái phiếu, nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm và có thể nới lỏng các điều kiện hơn", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Bên cạnh đó, việc một doanh nghiệp niêm yết thành công ở nước ngoài sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế, góp phần mang lại những lợi ích về mặt hình ảnh cho thị trường chứng khoán trong nước. Khi nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các cổ phiếu thì có thể nhiều doanh nghiệp khác sẽ có thêm động lực để chinh phục thị trường vốn quốc tế.
Ngoài ra, phương thức gọi vốn đặc biệt này cũng được kỳ vọng giúp doanh nghiệp thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài là các tổ chức tài chính lớn, các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, cơ hội lớn luôn đi kèm với không ít thách thức. VinFast sẽ cần thích ứng đồng thời với luật pháp quốc tế và luật pháp Mỹ, cùng với đó là cả hệ thống pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, VinFast cũng cần có đủ sức chống chịu trước những đợt sóng kinh tế trên thế giới như: Lạm phát, tiêu dùng suy giảm, hệ thống tài chính biến động..., do đó cần liên tục nâng cao năng lực, tính toán được các phương án đối phó với mọi tình huống để phát triển bền vững.
Doanh nghiệp cũng có thể gặp phải những rủi ro trong việc tăng nguy cơ bị thâu tóm, sáp nhập; tăng mức chi phí cho việc tuân thủ những quy định về niêm yết, báo cáo, công bố thông tin, quản trị công ty tại thị trường nước ngoài.
Cơ hội hay thách thức hãy để thời gian trả lời, còn hiện tại, đây chắc chắn sẽ là một cột mốc quan trọng và đáng nhớ của nền kinh tế Việt Nam./.