Aa

Thị trường chứng khoán: Mốc 1.100 điểm và cơ hội trong năm 2021

Chủ Nhật, 03/01/2021 - 14:00

Những ngày cuối năm 2020, chỉ số VN-Index tiếp đà hưng phấn, tiến sát mốc 1.100 điểm, báo hiệu năm mới 2021 với nhiều hy vọng mới cho các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.

Thị trường chứng khoán khởi sắc mạnh vào cuối năm 2020, tạo nền tảng cho thị trường tiếp tục đi lên trong năm 2021. Ảnh: Dũng Minh

Đón sở giao dịch và luật chứng khoán mới

Những ngày cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (Vietnam Exchange). Vietnam Exchange với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là công ty mẹ, được tổ chức theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ của 2 sở giao dịch chứng khoán hiện tại (HNX và HoSE).

Từ đầu tháng 12/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức trở thành thị trường có tỷ trọng lớn nhất trong rổ các thị trường cận biên theo hệ thống phân loại của tổ chức định hạng thị trường quốc tế MSCI (Morgan Stanley Capital International). Theo lộ trình tăng tỷ trọng, thị trường Việt Nam cuối năm 2020 đạt 15,76%, lớn nhất trong nhóm các thị trường cận biên của MSCI. Đến hết năm 2021, tỷ trọng của thị trường Việt Nam dự kiến đạt 28,76%.

Thông tin trên đã tiếp thêm nhịp đập cho thị trường có phần rộn rã hơn khi bước vào năm mới 2021, cũng là thời điểm Luật Chứng khoán mới có hiệu lực.

Một trong những điểm mới đáng quan tâm nhất của Luật Chứng khoán mới là điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Theo đó, doanh nghiệp phải có vốn điều lệ đã góp tại thời điểm đăng ký chào bán từ 30 tỷ đồng trở và đạt yêu cầu về tính đại chúng của công ty cổ phần. Quy định cụ thể về cổ phiếu đại chúng được đề cập là doanh nghiệp phải có tối thiểu 15% số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành, phải được bán cho ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn. Như vậy, sau 14 năm thi hành Luật Chứng khoán 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010), thị trường chứng khoán đã được mang một tấm áo rộng rãi hơn, phù hợp với quy mô hiện tại của thị trường và tương lai phát triển trong những năm tiếp theo. Đặc biệt, một số quy định mới trong Luật Chứng khoán về quản lý, giám sát cũng tạo sự yên tâm hơn cho nhà đầu tư chân chính tham gia thị trường.

Quan sát thị trường, trong năm vẫn có những thời điểm thăng trầm, như giai đoạn đỉnh cao dịch bệnh hồi tháng 4/2020 khiến thị trường giảm sâu xuống dưới 660 điểm, rồi giai đoạn tái phát dịch ở khu vực Đà Nẵng hồi tháng 8/2020 cũng phần nào làm cho chứng khoán rung lắc. Tuy nhiên, đó chỉ là những bước lùi tạm thời để chuẩn bị cho đà tăng tốc tiếp theo với sức vươn cao hơn và xa hơn. VN-Index (HoSE) đã từng bước chinh phục mốc 900 điểm vào tháng 9/2020, tiếp tục đà đi lên và chinh phục mốc 1.000 điểm vào tháng 11/2020.

Cho đến những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020, bầu không khí trên sàn giao dịch đã thực sự rộn rã. Chỉ số VN-Index đã gần sát mốc 1.100 điểm trong sự hào hứng của các nhà đầu tư. Theo đó, chỉ số của sàn TP.HCM đã tăng trưởng gần 13% so với đầu năm và tăng hơn 66% so với điểm đáy hồi tháng 4/2020.

Còn nhớ, vào thời điểm cuối tháng 3/2020, thông tin các ca bệnh Covid-19 nóng từng ngày, khiến VN-Index thời điểm đó đã giảm sâu xuống dưới 660 điểm. Tuy nhiên, nhờ sự kiểm soát dịch bệnh thành công của Chính phủ, thị trường đã dần phục hồi và “điểm đáy” thị trường giai đoạn cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2020 và giai đoạn điều chỉnh hồi tháng 8/2020 vô tình lại chính là thời cơ vàng cho một lớp nhà đầu tư mới tiếp cận sân chơi tài chính bậc cao này.

Từ đầu năm đến hết tháng 11/2020, có tổng cộng 332.886 tài khoản được mở mới, trong đó có 329.452 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân. Tổng số tài khoản chứng khoán đã đạt con số hơn 2,7 triệu tài khoản.

Cơ hội trong năm 2021

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, dù chịu tác động từ Covid-19, nhưng các sáng kiến hội nhập và hợp tác tài chính trong ASEAN của Diễn đàn Thị trường vốn ASEAN (ACMF) vẫn được các nhóm công tác triển khai đúng tiến độ trong các lĩnh vực tài chính bền vững, quỹ đầu tư tập thể, thẻ điểm quản trị công ty…

Trở lại câu chuyện về bầu không khí hào hứng diễn ra trên thị trường chứng khoán giai đoạn chuyển giao giữa 2 năm, câu hỏi đặt ra là liệu thị trường có phấn khích quá mức và bầu không khí lạc quan liệu có kéo dài đến hết năm 2021 hay không?

Dưới góc nhìn của một chuyên gia gắn bó lâu năm với thị trường chứng khoán và từng là Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho biết, những năm qua, nền kinh tế trong nước đã đạt được những tích lũy tốt hơn rất nhiều. Về ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông Bằng cho biết, sang năm 2021, thế giới sẽ có vắc-xin, nên dịch bệnh khả năng sẽ dần được kiểm soát.

Do đó, theo ông Bằng, dòng vốn rẻ do lãi suất thấp sẽ còn duy trì trong thời gian tới, nên nền tảng cho thị trường chứng khoán năm 2021 là rất tốt. “Tôi cho rằng, ở góc độ quản lý, chúng ta chưa nên có động thái can thiệp hành chính gì khiến dòng chảy của các dòng vốn bị chặn lại ở thời điểm này”, ông Bằng nói.

Tuy nhiên, việc hạn chế tâm lý hưng phấn quá mức cũng là cần thiết và ông Bằng cho rằng, giải pháp là nâng cao ý thức cho nhà đầu tư trong việc phân tích, nhìn nhận và đánh giá rủi ro.

Ở góc độ tổ chức tài chính trung gian, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, bức tranh thị trường năm 2020 cho thấy, chính đại dịch Covid-19 đã tạo ra một thói quen mới, đó là thói quen hoạt động trực tuyến và theo đó, các giao dịch chứng khoán trực tuyến cũng bùng nổ.

Từ thực tiễn của VNDirect, theo ông Quỳnh, Công ty đang có những hoạt động có tính định hướng nhà đầu tư vào các giải pháp đầu tư bền vững, trên cơ sở các phương án đầu tư dần chuyên nghiệp hơn, tránh tình trạng đầu tư theo phong trào, theo cảm xúc.

Đầu tư là một nhu cầu thực tế và nếu nhà đầu tư được trang bị những công cụ đầu tư với chiến lược phù hợp với “khẩu vị” của từng nhóm nhà đầu tư riêng, thì khả năng hút vốn của thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới là hoàn toàn hiện hữu.

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, sự trỗi dậy của các quỹ đầu tư chỉ số ETF trong năm 2020 sẽ tiếp tục tạo động lực cho thị trường năm tới.

Nói về các quỹ ETF, FTSE Vietnam ETF và VNM ETF là hai quỹ ETF ngoại đầu tiên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, lần lượt được thành lập vào năm 2008 và 2009, với giá trị tài sản ban đầu lần lượt là 5,1 triệu USD và 14 triệu USD. Tổng tài sản hiện tại của các quỹ này lần lượt là 273 triệu USD và 418 triệu USD tính đến cuối năm 2020. Quỹ ETF nội đầu tiên tại Việt Nam được thành lập vào năm 2014 là VFMVN30, với giá trị tài sản ban đầu là 9 triệu USD, hiện đã tăng 32 lần, lên 301 triệu USD tại thời điểm tháng 11/2020./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top